Bắt nhịp Cách mạng xanh 4.0 trong chuyển đổi hệ thống lương thực: Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay

Ngày 17/4, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư tại Hà Nội đã diễn ra phiên thảo luận cấp Bộ trưởng với chủ đề 'Bắt nhịp Cách mạng xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực cho kỷ nguyên bền vững'.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam Đỗ Đức Duy phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: Thu Hà)

Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam Đỗ Đức Duy phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: Thu Hà)

Tham dự phiên thảo luận có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Nông nghiệp Ethiopia Girma Amente, Thứ trưởng Môi trường, Lâm nghiệp và Thủy sản Nam Phi Narend Singh, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Viện Tài nguyên thế giới Ani Dasgupta, Phó Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) Donal Brown cùng sự tham dự của đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực, các viện nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp của các nước, cùng lãnh đạo các bộ, ngành địa phương Việt Nam.

Cách mạng xanh 4.0 là yêu cầu tất yếu, mệnh lệnh hành động

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, Cách mạng xanh 4.0 không đơn thuần là một lựa chọn mà là một yêu cầu tất yếu, một mệnh lệnh hành động. "Đây là cuộc cách mạng mang theo kỳ vọng đổi mới toàn diện hệ thống lương thực thông qua ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ sinh học và các giải pháp đổi mới sáng tạo", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cách mạng xanh 4.0 không chỉ giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mà còn giảm tiêu hao tài nguyên, cắt giảm phát thải và tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, qua đó tạo tiền đề nâng cao sinh kế của người nông dân, tăng cường phúc lợi cho người tiêu dùng.

Đối với Việt Nam, từ một quốc gia xuất phát điểm thấp, từng phải đối mặt với đói nghèo và khủng hoảng lương thực song ngày nay đã vươn lên trong nhóm các nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, đưa các sản phẩm nông sản có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt nhiều thách thức, với chỉ khoảng 10,3 triệu hecta đất có thể sử dụng trong nông nghiệp, trong khi khí hậu tiếp tục nóng lên.

Toàn cảnh phiên thảo luận. (Ảnh: Thu Hà)

Toàn cảnh phiên thảo luận. (Ảnh: Thu Hà)

Theo Bộ trưởng, để giải quyết những thách thức đó, Việt Nam đang từng bước thực hiện quá trình chuyển đổi nông nghiệp theo hướng xanh, thông minh và bền vững, trong đó, xác định đổi mới sáng tạo, tập trung thực chất vào nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, chuyển đổi số là cốt lõi tạo ra đột phá cho ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, không một quốc gia nào có thể đơn độc đi đến thành công trong hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực mà đòi hỏi sự chung tay hành động giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân. Đặc biệt, trong bối cảnh trật tự thương mại toàn cầu đang có nguy cơ phân mảnh, khi những hàng rào thuế quan và chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, Việt Nam tin tưởng chỉ có hợp tác đa phương thực chất, trên nền tảng công bằng và tôn trọng lẫn nhau, mới giúp chúng ta cùng vượt qua những thách thức to lớn của an ninh lương thực, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, phát triển công bằng và bền vững cho mỗi quốc gia và trên quy mô toàn cầu.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung vào 3 nội dung chính, gồm các chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp; vai trò của các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân trong việc chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và nâng cao năng lực cho người làm nông nghiệp; và chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình và thực tiễn tốt từ các quốc gia trong phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn, đồng thời bảo đảm an ninh lương thực và sinh kế cho người dân.

Công nghệ là quan trọng

Bộ trưởng Nông nghiệp Ethiopia Girma Amente chia sẻ về giải pháp tổng thể để bảo đảm an ninh lương thực, hướng tới giải quyết được các thách thức trong hệ thống cung ứng. (Ảnh: Thu Hà)

Bộ trưởng Nông nghiệp Ethiopia Girma Amente chia sẻ về giải pháp tổng thể để bảo đảm an ninh lương thực, hướng tới giải quyết được các thách thức trong hệ thống cung ứng. (Ảnh: Thu Hà)

Đồng tình với Bộ trưởng Đào Đức Duy, Bộ trưởng Nông nghiệp Ethiopia Girma Amente nhấn mạnh, thế giới đang đối mặt thách thức an ninh lương thực nghiêm trọng, những cũng đang có cơ hội để thay đổi hệ thống lương thực theo hướng thực bền vững hơn và Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư sẽ cung cấp nền tảng để chia sẻ các giải pháp thúc đẩy điều này.

Đề cập kinh nghiệm từ Ethiopia, theo Bộ trưởng Amente cho biết, quốc gia của ông đã có giải pháp tổng thể để bảo đảm an ninh lương thực, hướng tới giải quyết được các thách thức trong hệ thống cung ứng. Khoảng 80% sáng kiến quốc gia của Ethiopia tương đồng với các nước, tích hợp với các sáng kiến về khí hậu có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ là điều quan trọng giúp tăng năng suất trong nông nghiệp. "Sử dụng nông nghiệp thông minh, thân thiện với khí hậu sẽ giúp tăng cường năng suất ở đồng bằng, hỗ trợ khu vực trung nguyên, cao nguyên", ông nói.

Ngoài ra, cần có các biện pháp nâng cao năng lực cho người dân địa phương, mở rộng cơ khí hóa nông nghiệp, hỗ trợ và ưu đãi thuế quan. Cần xây dựng các chương trình dịch vụ để cung cấp đào tạo kỹ năng cho lao động nông nghiệp, xây dựng mục tiêu khí hậu nhắm tới giảm phát thải carbon, xây dựng nông nghiệp thông minh thân thiện với khí hậu.

Thứ trưởng Môi trường, Lâm nghiệp và Thủy sản Nam Phi Narend Singh (ngoài cùng bên trái) tại phiên thảo luận. (Ảnh: Thu Hà)

Thứ trưởng Môi trường, Lâm nghiệp và Thủy sản Nam Phi Narend Singh (ngoài cùng bên trái) tại phiên thảo luận. (Ảnh: Thu Hà)

Chia sẻ kinh nghiệm từ Nam Phi, Thứ trưởng Môi trường, Lâm nghiệp và Thủy sản Narend Singh, cho biết, một số công ty khởi nghiệp ở nước này đã đưa ra sáng kiến về áp dụng công nghệ để thu thập dữ liệu, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các điều luật hợ lý, hay sử dụng năng lượng Mặt trời và tái tạo để bảo vệ nông nghiệp.

Ông Singh lưu ý, trong một thế giới đang phân mảnh, đối mặt nhiều vấn đề địa chính trị, kinh tế, nhiều quốc gia đang bị bỏ lại phía sau vì biến đổi khí hậu, trong đó, các ngành nông lâm nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề đòi hỏi phải có những lựa chọn sáng suốt để bảo đảm môi trường bền vững

Thứ trưởng Nam Phi đề xuất một số giải pháp như áp dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng nước bền vững, bảo vệ sức khỏe đất và tìm ra biện pháp bảo đảm bền vững đất, cùng với đó, giúp đỡ, hỗ trợ các hộ dân nhỏ tiếp cận các kiến thức về bảo vệ nguồn đất, nước,

"Cần bảo đảm cơ hội cả hai bên cùng thắng để thay đổi được nền nông nghiệp và có các tác động tích cực với môi trường", ông nói.

Trong khi đó, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Viện Tài nguyên thế giới Ani Dasgupta cho rằng, cần ứng dụng những bằng chứng khoa học như những phương án trồng lúa gạo năng suất cao, phát thải thấp mà Việt Nam đang thử nghiệm không chỉ vào quy trình sản xuất mà còn quy trình lưu trữ để tránh lãng phí. Tuy nhiên, để ứng dụng được những kết quả khoa học vào thực tiễn cần phải có sự hợp tác liên ngành, liên bộ cũng như khối doanh nghiệp, tư nhân.

Đổi mới sáng tạo 'chạm' đúng điểm đến

Phó Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) Donal Brown (ngoài cùng bên trái) trao đổi bên lề phiên thảo luận. (Ảnh: Thu Hà)

Phó Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) Donal Brown (ngoài cùng bên trái) trao đổi bên lề phiên thảo luận. (Ảnh: Thu Hà)

Theo đại diện IFAD, Phó Chủ tịch Donal Brown, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp chỉ có thể hiệu quả khi đến đúng điểm, trong đó, các hộ nông dân nhỏ cũng cần phải tiếp cận được với các công nghệ mới này. Bộ Nông nghiệp cần biến những ý tưởng thành hành động, có các chính sách để giúp người nông dân, người nghèo, dân tộc thỉeu số không bị bỏ lại phía sau.

"Các chính sách này đảm bảo ngành nông nghiệp không chỉ có sản lượng tốt mà còn bền vững", ông Brown nhấn mạnh.

Lưu ý Cách mạng Xanh 4.0 không chỉ là câu chuyện về đổi mới sáng tạo – mà còn là hành trình trao quyền cho người dân, bảo vệ hành tinh và không để ai bị bỏ lại phía sau, Phó Chủ tịch IFAD kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng cam kết thúc đẩy đổi mới sáng tạo để chuyển đổi hệ thống lương thực, bảo đảm rằng công nghệ sẽ là cầu nối – chứ không phải rào cản.

Phó Chủ tịch Brown nõi rõ: "Chúng ta hãy cùng cam kết xây dựng những chính sách táo bạo hỗ trợ nông dân và phát triển bền vững, kiến tạo một hệ sinh thái nơi nông nghiệp có thể phát triển mạnh mẽ. Hãy cùng cam kết củng cố quan hệ đối tác để triển khai giải pháp trên quy mô lớn, vun đắp tinh thần hợp tác vượt qua mọi ranh giới".

Quan chức IFAD nhấn mạnh, thành công của Cách mạng xanh 4.0 sẽ phụ thuộc vào cam kết tập thể đối với sự toàn diện và phát triển bền vững.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã lắng nghe các diễn giả đến từ các chính quyền địa phương, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, quỹ đầu tư… Từ đó, đề xuất các giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên, nâng cao năng suất, chất lượng và đặc biệt là giảm phát thải.

Bài toán toàn cầu

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Bộ trưởng Đào Đức Duy bày tỏ ấn tượng đặc biệt với những phát biểu tâm huyết và cụ thể của các đại biểu về sáng kiến chính sách lồng ghép đổi mới sáng tạo vào chương trình nông nghiệp vì người nông dân; bảo đảm công lý khí hậu và công lý lương thực; nguồn lực và cơ chế tài chính hỗ trợ nông dân sản xuất quy mô nhỏ và cộng đồng dễ bị tổn thương; vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Phiên thảo luận cho thấy một thực tế rằng, chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm không còn là câu chuyện của từng quốc gia, mà là bài toán toàn cầu; không chỉ là việc của ngành nông nghiệp, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống – từ chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, đến từng người nông dân.

Bộ trưởng Đào Đức Duy và Bộ trưởng Nông nghiệp Ethiopia Girma Amente bên lề phiên thảo luận. (Ảnh: Thu Hà)

Bộ trưởng Đào Đức Duy và Bộ trưởng Nông nghiệp Ethiopia Girma Amente bên lề phiên thảo luận. (Ảnh: Thu Hà)

Qua phiên thảo luận, các đại biểu đã gợi mở nhiều giải pháp cụ thể có thể hành động ngay. Một là, tăng cường đầu tư cho chuyển đổi số và công nghệ xanh trong nông nghiệp, gắn với mục tiêu giảm phát thải, nâng cao năng suất và minh bạch chuỗi cung ứng.

Hai là, phát triển hệ thống tài chính xanh và thị trường Carbon công bằng, hiệu quả và dễ tiếp cận cho nông dân và doanh nghiệp quy mô nhỏ.

Ba là, tăng cường năng lực địa phương – từ chia sẻ dữ liệu mở, đào tạo kỹ năng số, đến chính sách hỗ trợ phù hợp với đặc thù vùng và đối tượng yếu thế.

Bốn là, phát triển các mô hình hợp tác công – tư – cộng đồng (PPCP: Public-Private-Community Partnership), tận dụng thế mạnh của từng bên để chia sẻ rủi ro, đồng hành trong hành động.

Cuối cùng, hợp tác đa phương thực chất là con đường duy nhất để cùng nhau vượt qua các khủng hoảng lương thực, khí hậu, sinh kế và môi trường.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng tái khẳng định cam kết tiếp tục là một đối tác hành động tích cực và trách nhiệm cùng các quốc gia, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực toàn cầu theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Trích câu hát "Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay" trong bài hát Hát về cây lúa hôm nay của Việt Nam, Bộ trưởng Đào Đức Duy kêu gọi: "Chúng ta hãy cùng biến những cam kết hôm nay thành hành động cụ thể ngày mai, vì một tương lai nơi mọi người dân – từ vùng cao Ethiopia đến đồng bằng Nam Phi, từ đồng ruộng Cần Thơ - Việt Nam đến trang trại hữu cơ Ireland – đều được hưởng lợi từ hệ thống thực phẩm công bằng, thông minh và xanh".

Xem thêm các bài viết về Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025 trên TG&VN tại đây.

Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư năm 2025, diễn ra từ ngày 14-17/4.

Đây là cơ chế hợp tác đa phương do Đan Mạch khởi xướng từ năm 2017 và có sự tham gia của 8 nước thành viên khác là Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Indonesia, Nam Phi và 5 tổ chức đối tác là Viện Tài nguyên thế giới (WRI), Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), mạng lưới C40 (C40 cities), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC).

P4G đã trải qua 3 kỳ Hội nghị thượng đỉnh do Đan Mạch, Hàn Quốc và Colombia tổ chức, nhằm thúc đẩy hợp tác đối tác công-tư và tạo ra một liên minh các nhà lãnh đạo chính trị thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững 2030.

Việc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh năm nay được xem là cơ hội để Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng quảng bá du lịch xanh, tăng cường quan hệ với các đối tác, tranh thủ nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của đất nước.

Thu Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bat-nhip-cach-mang-xanh-40-trong-chuyen-doi-he-thong-luong-thuc-ngay-mai-bat-dau-tu-ngay-hom-nay-311355.html