Bắt nhịp để xúc tiến thương mại hiệu quả sang thị trường Hàn Quốc
Với nhiều điểm mới trong chính sách thương mại của Hàn Quốc, doanh nghiệp cần thay đổi phương thức xúc tiến thương mại phù hợp với bối cảnh thị trường để xuất khẩu đạt hiệu quả cao.
Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, với nhiều điểm mới trong chính sách thương mại của thị trường này, doanh nghiệp cần thay đổi phương thức xúc tiến thương mại cho phù hợp với bối cảnh thị trường được cho là rất cần thiết để xuất khẩu đạt hiệu quả cao.
Theo đó, năm 2023 và những năm tiếp theo, các bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, phát triển sản phẩm thông qua việc đề nghị phía Hàn Quốc hỗ trợ phân tích thị trường, sản phẩm với một số sản phẩm cụ thể; hỗ trợ marketing trên nền tảng mảng xã hội.
Đặc biệt, nhằm tăng cơ hội bán hàng vào hệ thống các siêu thị và kênh phân phối cần đẩy mạnh hoạt động giao lưu, hợp tác giữa các hiệp hội ngành hàng trong nước với các hiệp hội ngành hàng của Hàn Quốc cũng như với các tập đoàn phân phối như như Lotte Mart, E-Mart, Home Plus, CJ Home Shoping.
Ngoài ra, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam quảng bá, bán sản phẩm tại các trang thương mại điện tử lớn của Hàn Quốc như Coupang, Gmarket …để từng bước thâm nhập thị trường thương mại điện tử Hàn Quốc.
Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cũng lưu ý việc gia tăng hoạt động xúc tiến thương mại bằng cách tham dự các hội chợ chuyên ngành, uy tín cao. Điều này nhằm quảng bá một cách hiệu quả sản phẩm của Việt Nam tại thị trường nước sở tại và hỗ trợ kết nối thương mại bằng nhiều hình thức như online/offline giữa doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp hai nước.
Hơn nữa, trực tiếp thu xếp đưa đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc có nhu cầu hợp tác thương mại và đầu tư với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng Việt Nam trong lĩnh vực công thương.
Ngoài ra, theo Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, Việt Nam cần có cơ chế mạnh mẽ hơn nữa thu hút doanh nghiệp Hàn Quốc hợp tác, đầu tư sản xuất các mặt hàng nông sản để xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Mặt khác, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp để đón làn sóng đầu tư của Hàn Quốc vào ngành công nghiệp hỗ trợ; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường kết nối đầu tư, giao thương, nhất là trong lĩnh vực ô tô, cơ khí, điện tử, dệt may.
Cùng đó, chuẩn bị nguồn lực tham gia sâu vào chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, chế biến khoáng sản và phụ tùng trọng yếu của Hàn Quốc…
Thống kê cho thấy, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam- Hàn Quốc đạt khoảng 88 tỷ USD, tăng 12,3% so với năm 2021; trong đó Việt Nam xuất khẩu 24,4 tỷ USD, tăng 11,14%. Đáng lưu ý, các nhóm mặt hàng Việt Nam xuất sang Hàn Quốc đều có sự tăng trưởng.
Cụ thể, nhóm hàng chế biến chế tạo tăng 7,5%, đạt 19,2 tỷ USD; nông thủy sản đạt 1,4 tỷ USD, tăng 18%; vật liệu xây dựng đạt 1 tỷ USD, tăng 37,2%; nhiên liệu khoáng sản tăng trưởng mạnh ở mức 112,8%, đạt 194 triệu USD.
Cũng trong năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ ba cho Hàn Quốc, đạt 161,9 nghìn tấn, trị giá 915,8 triệu USD, tăng 3,6% về lượng và tăng 15,3% về trị giá so với năm 2021. Thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc ổn định ở mức 10,2%.
Theo dự báo của các chuyên gia, trong nửa đầu năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc sẽ tiếp tục chậm lại theo xu hướng trong quý cuối năm 2022 do kinh tế gặp khó khăn.
Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng thủy sản ở Hàn Quốc có sự thay đổi theo xu hướng giảm chi tiêu của người tiêu dùng lại là cơ hội để thủy sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm thủy sản có mức giá phù hợp.
Bộ Công Thương cho biết, tại Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng Việt Nam-Hàn Quốc và Kỳ họp lần thứ 6 Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc diễn ra mới đây, Việt Nam và Hàn Quốc nhất trí hoàn thành mục tiêu kim ngạch song phương 100 tỷ USD vào năm 2023.
Cùng đó, hai bên thống nhất tăng cường tạo thuận lợi hóa thương mại, mở cửa thị trường, tháo gỡ khó khăn cho hàng nông sản, thực phẩm của nhau; thúc đẩy hỗ trợ lẫn nhau tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, các hội thảo giao thương, các đoàn tham dự Hội chợ tổ chức ở mỗi nước.
Đặc biệt, hai bên thiết lập một khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử và kinh tế số; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phòng vệ thương mại; nghiên cứu chung để thiết kế một dự án hỗ trợ của Hàn Quốc dành cho Việt Nam nâng cao năng lực trong lĩnh vực dịch vụ phân phối…góp phần hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2023./.