Bất ổn địa chính trị khiến thị trường vàng trở nên 'lấp lánh' hơn

Sự quan tâm đến vàng của các nhà đầu tư tư nhân đã tăng lên. Lý do cho hành động như vậy là mong muốn phòng ngừa bất ổn chính trị và lạm phát, cũng như 'thoát khỏi' đồng USD.

Vàng miếng được trưng bày tại sàn giao dịch ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Vàng miếng được trưng bày tại sàn giao dịch ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Báo Thương gia của Nga cho biết, nhu cầu vàng kỷ lục trên thị trường thế giới trong năm 2022, lần đầu tiên đạt 1.140 tấn sau nửa thế kỷ, phần lớn xuất phát từ các ngân hàng trung ương nhiều quốc gia. Ngoài ra, sự quan tâm đến vàng của các nhà đầu tư tư nhân đã tăng lên. Lý do cho hành động như vậy là mong muốn phòng ngừa bất ổn chính trị và lạm phát, cũng như "thoát khỏi" đồng USD.

Theo Hội đồng vàng thế giới (WGC), trong quý IV/2022, nhu cầu vàng trên thị trường thế giới đã tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 1.337,4 tấn. Mức cầu cao nhất trong hơn 30 năm qua. Cuối năm 2022, nhu cầu vàng đã tăng 18%, lên 4.741 tấn, cao nhất kể từ năm 2011. Dữ liệu của WGC cho thấy vào cuối năm 2022, cũng như trong nửa cuối năm nói chung, lý do chính khiến cầu tăng trưởng là do sự quan tâm ngày càng tăng của các cơ quan quản lý tài chính.

Trong quý IV/2022, các ngân hàng trung ương đã mua hơn 417 tấn vàng, gấp hơn 12 lần so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, trong năm 2022, các ngân hàng trung ương đã mua gần 1136 tấn vàng, mức cao nhất trong 56 năm. Đồng thời, năm thứ hai liên tiếp quỹ ETF bán ròng vàng. Tuy nhiên, nếu năm 2021 họ bán được gần 190 tấn, thì năm 2022 họ bán được hơn 110 tấn.

Những người mua vàng nhiều nhất là các ngân hàng trung ương của Thổ Nhĩ Kỳ (mua 145 tấn, nâng lượng dự trữ lên 542 tấn) và Trung Quốc (trong quý IV/2022 đã thông báo dự trữ tăng thêm 62 tấn, lên hơn 2.000 tấn). Các ngân hàng trung ương Ai Cập (47 tấn), Qatar (35 tấn), Iraq (34 tấn), Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (25 tấn) và Oman (2 tấn) đã thực hiện các giao dịch mua quy mô lớn.

Giám đốc danh mục đầu tư của Alfa Capital, Dmitry Skryabin cho biết, một trong những yếu tố chính đằng sau việc tăng mua vàng là đa dạng hóa dự trữ, cả do giá trái phiếu chính phủ giảm trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước phát triển thắt chặt chính sách tiền tệ và rủi ro lạm phát. Ngoài ra, theo ông Skryabin, "tiền lệ đóng băng dự trữ vàng của Nga cũng ảnh hưởng đến quyết định tăng mức độ tiếp cận với vàng".

Ngân hàng trung ương Nga đã rút khỏi xu hướng và giảm tỷ trọng vàng. Sau khi đóng băng một nửa dự trữ vàng và ngoại hối của Nga, Ngân hàng trung ương Nga từ ngày 28/2/2022 đã nối lại hoạt động mua vàng trên thị trường nội địa. Tuy nhiên, ngày 24/3, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với bất kỳ giao dịch nào của Ngân hàng trung ương Nga với vàng.

Bà Oksana Lukicheva, chuyên gia phân tích thị trường hàng hóa tại công ty tư vấn đầu tư Otkritie Investments, cho biết: "Những cá nhân và công ty trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào các giao dịch với vàng của Ngân hàng trung ương (Nga) hoặc liên quan đến việc vận chuyển vàng cũng bị trừng phạt, điều này dẫn đến việc ngừng mua vàng trong kho dự trữ ngoại hối và vàng của Nga từ ngày 15/3/2022".

Các cá nhân cũng ghi nhận sự quan tâm cao đối với vàng. Trong năm 2022, các khoản đầu tư vào vàng thỏi và tiền xu vàng đã tăng lên 1217 tấn, mức cao nhất kể từ năm 2013, hơn 353 tấn đã được mua chỉ trong quý IV/2022.

Trong số các nước dẫn đầu về tăng dự trữ vàng có Iran (tăng 16 tấn, lên 41,8 tấn), Thổ Nhĩ Kỳ (tăng 23 tấn, lên 84,8 tấn), Ai Cập (tăng 2 tấn, lên 4,4 tấn). Các nhà đầu tư tư nhân Nga cũng hiện diện trong xu hướng chung này, tăng đầu tư gấp 5 lần, từ 5 tấn lên 25 tấn.

Theo ông Valery Emelyanov, một chuyên gia về thị trường chứng khoán tại ngân hàng đầu tư BCS World of Investments, động cơ chính đối với các cá nhân cũng giống như đối với các ngân hàng trung ương là bảo vệ bản thân khỏi sự bất ổn trong chính trị toàn cầu, giảm thiểu rủi ro khi sở hữu đồng USD, bảo vệ bản thân khỏi lạm phát toàn cầu, và mua vàng rẻ hơn.

Ông Yemelyanov nói thêm, người Nga được thúc đẩy mạnh mẽ bởi thực tế là thuế VAT đã được bãi bỏ khi mua vàng thỏi; thêm vào đó, chính quyền và cơ quan quản lý đã nỗ lực lưu ý người dân rằng việc sở hữu đồng USD và euro hiện là "nguy hiểm".

Trong năm 2023, sự quan tâm đến kim loại này từ phía những người mua chính sẽ tiếp tục. Ông Skryabin lưu ý: "Những rủi ro toàn cầu về các kế hoạch kinh tế và địa chính trị hiện hữu sẽ góp phần vào việc tiếp tục mua vàng". Tuy nhiên, theo ông Valery Yemelyanov, những người mua thông thường và các ngân hàng trung ương hiện có nguồn dự trữ hạn chế, vì vậy khối lượng mua sẽ giảm dần trong năm nay./.

Duy Trinh (P/v TTXVN tại Moskva)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bat-on-dia-chinh-tri-khien-thi-truong-vang-tro-nen-lap-lanh-hon/279696.html