Bất ổn ở Syria: Nội chiến tái diễn hay chỉ là khủng hoảng tạm thời?

Trong bối cảnh sự hỗ trợ từ các đồng minh của Syria suy yếu, bất ổn lần này đang đặt ra nhiều nguy cơ lớn, từ hỗn loạn nội bộ đến sự can thiệp từ bên ngoài.

Phương tiện bị phá hủy trong một vụ tấn công ở thành phố Idlib, Syria ngày 1/12/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Phương tiện bị phá hủy trong một vụ tấn công ở thành phố Idlib, Syria ngày 1/12/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Theo nhận định của Tiến sĩ Carmit Valensi, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) có trụ ở tại Israel ngày 1/12, trong những ngày gần đây, Syria đã chứng kiến những sự kiện chấn động, đánh dấu bước ngoặt mới trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ.

Tại Tây Bắc Syria, các nhóm phiến quân thuộc liên minh “al-Fatah al-Mubin", được dẫn dắt bởi nhóm thánh chiến “Hayat Tahrir al-Sham” đã mở một cuộc tấn công lớn vào lực lượng chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, phe phiến quân đã chiếm lại lãnh thổ từ tay quân đội Syria, trong đó có thành phố chiến lược Aleppo. Thành phố này từng được chính quyền Syria tái kiểm soát vào năm 2016, đánh dấu chiến thắng lớn trong cuộc nội chiến.

Tuy nhiên, cuộc phản công mới đây của phiến quân đã tạo ra cục diện khó lường. Dù chính quyền Syria và các lực lượng đồng minh đã ngăn chặn được sự chiếm đóng hoàn toàn tại Hama, tình hình vẫn đang ở trạng thái căng thẳng.

Cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh các lực lượng ủng hộ Syria đang gặp nhiều khó khăn. Sau các cuộc giao tranh căng thẳng với Israel, lực lượng Hezbollah và các nhóm dân quân người Shiite đã bị suy yếu, một phần phải rút quân khỏi Syria để tập trung vào Liban. Đồng thời, Nga – đối tác quan trọng của Syria – lại đang dồn nguồn lực cho chiến trường Ukraine, khiến chính quyền Tổng thống Assad thêm cô lập.

Ngoài khía cạnh hoạt động, còn có một chiều hướng tâm lý - phiến quân ở Syria đã phá vỡ rào cản sợ hãi.

Trong khi đó, Tiến sĩ Valensi lưu ý Thổ Nhĩ Kỳ, với vai trò hỗ trợ lâu dài cho phiến quân ở Idlib, được cho là có liên quan đến chiến dịch này. Chính sách của Ankara dường như nhằm gia tăng áp lực lên Tổng thống Assad để đạt được lợi ích chiến lược, từ việc kiềm chế người Kurd ở Đông Bắc Syria cho đến tạo điều kiện hồi hương hàng triệu người tị nạn Syria. Cuộc tấn công mới trên cũng có thể là quân bài mặc cả của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm buộc chính quyền Assad phải nhượng bộ.

Những hệ lụy tiềm tàng

Tuy đây là tin vui cho phe đối lập ở Syria, nhưng nó cũng đồng thời mở ra nguy cơ lớn. Các nhóm phiến quân hiện nay không phải là các lực lượng thế tục như “Quân đội Syria Tự do” trước đây mà mang tư tưởng thánh chiến, dù không cực đoan như al-Qaeda nhưng vẫn xa lạ với các giá trị ôn hòa.

Nếu chính quyền của Tổng thống Assad sụp đổ, Syria có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn, trở thành mảnh đất màu mỡ cho những mối đe dọa mới. Điều này có thể thúc đẩy sự can thiệp sâu hơn của Iran, làm gia tăng sự hiện diện quân sự của Tehran tại khu vực và kéo theo những căng thẳng mới với Israel.

Trước tình hình đó, Israel có thể sẽ phải cân nhắc can thiệp để bảo vệ lợi ích an ninh và ngăn chặn các mối đe dọa trực tiếp từ Syria. Tuy nhiên, việc hành động vội vàng có thể gây phản ứng ngược, khiến khu vực này thêm bất ổn. Hiện tại, sự kiên nhẫn và quan sát kỹ lưỡng là điều cần thiết.

Như vậy, những ngày tới sẽ mang tính quyết định liệu đây chỉ là một chiến dịch giới hạn hay là khởi đầu của một cuộc nội chiến mới tại Syria. Với những toan tính của các bên liên quan, tương lai của Syria trở nên khó đoán định hơn bao giờ hết.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo inss.org.il)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/bat-on-o-syria-noi-chien-tai-dien-hay-chi-la-khung-hoang-tam-thoi-20241202221258758.htm