Bất ổn tại Biển Đỏ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động tại kênh đào Suez?

Phiến quân Houthi của Yemen đã tiến hành các cuộc tấn công vào tàu thương mại đi qua phía nam Biển Đỏ, khiến nhiều công ty vận tải điều chỉnh lại lộ trình, tránh tuyến đường đưa họ đi qua Kênh đào Suez của Ai Cập ở phía bắc và tuyến nối với Biển Địa Trung Hải.

Các cuộc tấn công của Houthi vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ đã làm gián đoạn thương mại toàn cầu, khiến các công ty vận tải hàng đầu phải chuyển hướng hoạt động ra khỏi Kênh đào Suez. (Ảnh Shutterstock)

Các cuộc tấn công của Houthi vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ đã làm gián đoạn thương mại toàn cầu, khiến các công ty vận tải hàng đầu phải chuyển hướng hoạt động ra khỏi Kênh đào Suez. (Ảnh Shutterstock)

Nhóm phiến quân do Iran hậu thuẫn cho biết họ tổ chức tấn công nhằm hỗ trợ người Palestine trong cuộc xung đột Israel - Hamas.

Kênh đào Suez, dài 192 km, là tuyến đường biển ngắn nhất giữa châu Á và châu Âu. Kênh đào này là một trong bảy địa điểm quan trọng nhất đối với hoạt động buôn bán dầu mỏ trên toàn thế giới. Đây cũng là tuyến đường thường xuyên xảy ra tắc nghẽn hoặc nạn cướp biển. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ và dữ liệu của Vortexa: Trong nửa đầu năm 2023, có 9,2 triệu thùng dầu lưu thông qua kênh đào mỗi ngày, chiếm 9% nhu cầu toàn cầu. Cũng theo công ty tư vấn Energy Aspects, trong năm 2023, có khoảng 4% lượng LNG nhập khẩu toàn cầu lưu thông qua kênh đào này (ước tính 391 triệu tấn). Phí đi qua kênh, do các chủ tàu trả, là nguồn thu nhập quan trọng cho nền kinh tế Ai Cập. Tính đến ngày 30/06/2023, thu nhập đạt mức kỷ lục 9,4 tỷ USD. Kênh đào có thể tiếp nhận hơn 60% tổng số tàu chở dầu trên thế giới khi đầy tải, và hơn 90% tàu chở hàng rời. Kênh cũng có thể tiếp nhận tất cả các tàu chở container, tàu chở ô tô và tàu chở hàng tổng hợp.

Do vậy, điều chỉnh lộ trình sẽ làm tăng thêm chi phí và thời gian hành trình của tàu. Kết quả, giá dầu và phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh tăng vọt. Ví dụ, một con tàu chở dầu thô Ả Rập Xê-út có thể đi từ Vịnh Trung Đông đến Rotterdam trong vòng 6.436 hải lý nếu đi qua kênh đào. Thế nhưng, nếu phải đi vòng qua châu Phi, hành trình sẽ kéo dài 11.169 hải lý, làm tăng thêm thời gian và chi phí cho chủ tàu.

Vào ngày 17/12, Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) cho biết: Kể từ ngày 19/11, có 55 tàu đã điều chỉnh lộ trình sang Mũi Hảo Vọng. Trong thời gian đó, 2.128 tàu khác tiếp tục đi qua kênh này. Thật vậy, hai công ty vận tải hàng hóa lớn - bao gồm hãng vận tải container lớn nhất thế giới MSC, đã quyết định tránh đi qua kênh đào Suez trong thời điểm phiến quân Houthi tăng cường tấn công.

Theo Chủ tịch SCA Osama Rabie, trong ngày 17/12, chỉ có 77 tàu đã đi qua kênh. trong đó có một số tàu thuộc về những hãng tàu đưa quyết định chuyển hướng tạm thời. Tuy nhiên, chúng đã có mặt tại Biển Đỏ trước khi thông báo được đưa ra. Vào ngày 18/12, gã khổng lồ dầu mỏ BP cũng cho tạm dừng tất cả các chuyến tàu quá cảnh sang Biển Đỏ.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/bat-on-tai-bien-do-anh-huong-nhu-the-nao-den-hoat-dong-tai-kenh-dao-suez-702404.html