Bất ổn tại Kazakhstan: Cần nhiều thời gian để giải quyết tận gốc

Trong những ngày đầu năm mới 2022, Kazakhstan phải đối mặt với làn sóng bất ổn, khi hàng nghìn người xuống đường biểu tình, đốt phá, gây bạo loạn, đẩy quốc gia Trung Á vào cuộc khủng hoảng lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Mặc dù dưới sự giúp sức của các thành viên Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), đặc biệt là Nga, Kazakhstan đã dần lấy lại kiểm soát, tuy nhiên, để giải quyết gốc rễ vấn đề, chính quyền nước này phải cần thêm không ít thời gian.

Lực lượng an ninh được tăng cường trên nhiều tuyến phố tại Kazakhstan.

Lực lượng an ninh được tăng cường trên nhiều tuyến phố tại Kazakhstan.

Theo Hãng tin France 24, ngày 9-1, tình hình tại Kazakhstan đã yên tĩnh trở lại. Quân đội được điều động tăng cường trên nhiều đường phố khắp đất nước. Cựu tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev đã kêu gọi người dân ủng hộ chính phủ của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev để vượt qua cuộc khủng hoảng này và bảo đảm sự toàn vẹn của đất nước. Cùng ngày, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cho biết, trật tự hiến pháp cơ bản đã được khôi phục ở tất cả khu vực và các chính quyền địa phương đang kiểm soát tình hình. 26 đối tượng có vũ trang đã bị tiêu diệt, 3.000 đối tượng đã bị bắt giữ, trong đó có cựu Giám đốc cơ quan tình báo Kazakhstan Karim Massimov. 18 thành viên lực lượng thực thi pháp luật đã thiệt mạng. Nhiều phần tử khủng bố vẫn có hành vi gây hư hại tài sản của người dân, do vậy nước này cần duy trì lực lượng an ninh đến khi các hoạt động phá hoại chấm dứt.

Tình hình hiện tại ở Kazakhstan đặt ra thách thức lớn đối với Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev - người lên nắm quyền chưa đầy 3 năm, đồng thời tác động tiêu cực tới an ninh khu vực Trung Á vốn đầy biến động. Theo Thời báo New York, biểu tình ở Kazakhstan nổ ra khi Chính phủ Kazakhstan chấm dứt chính sách trợ giá khí hóa lỏng (LPG), một nhiên liệu carbon thấp mà nhiều người Kazakhstan sử dụng cho ô tô thay xăng. Vì thế, từ ngày 1-1-2022, giá mặt hàng này lập tức tăng gấp đôi, từ 0,14 USD/lít lên 0,28 USD/lít. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, nguyên nhân sâu xa của cuộc biểu tình dẫn tới bạo loạn là do người dân bất mãn với tình trạng kinh tế - xã hội ngày càng trở nên trầm trọng do dịch Covid-19. Khi làn sóng biểu tình lên cao trào, yêu cầu của người biểu tình cũng mở rộng hơn, từ đòi hỏi giảm giá nhiên liệu tới các yêu sách chính trị như yêu cầu bầu cử trực tiếp thống đốc vùng thay vì cơ chế lãnh đạo địa phương do tổng thống bổ nhiệm như hiện nay.

Sở dĩ phong trào biểu tình, bạo loạn đang diễn ra ở nước này thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế bởi Kazakhstan được coi là một trong những quốc gia độc lập phát triển nhất kể từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ và trở thành trụ cột cho ổn định chính trị và kinh tế tại Trung Á. Tình trạng hỗn loạn tại Kazakhstan nếu kéo dài có thể đe dọa làm suy yếu ảnh hưởng của Nga trong khu vực, nhất là vào thời điểm Mátxcơva đang nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng ở biên giới với Ukraine. Trong khi đó, không gian hậu Xô Viết luôn là khu vực Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tìm cách mở rộng ảnh hưởng. Suy luận này không phải không có cơ sở bởi từ năm 2000 đến nay, không ít lần các quốc gia thuộc Liên Xô cũ như Ukraine, Gruzia, Uzbekistan rung chuyển bởi các cuộc đảo chính mang hơi hướng “cách mạng màu”, có bóng dáng sự ủng hộ của phương Tây. Gần đây, vai trò của Kazakhstan ngày càng trở nên quan trọng trong chiến lược năng lượng của Mỹ. Exxon Mobil và Chevron, hai công ty dầu khí lớn của xứ Cờ hoa, ở phía Tây Kazakhstan là nơi cuộc biểu tình bắt đầu bùng phát.

Để xoa dịu tình hình, chính quyền Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã chấp thuận phương án giải tán quốc hội để tiến hành bầu cử sớm, đồng thời cũng thành lập một ủy ban của chính phủ xem xét vấn đề giá khí đốt và khẳng định sẽ giảm giá nhiên liệu. Tuy nhiên, nguy cơ bất ổn sẽ chỉ thực sự được loại trừ khi Kazakhstan cải tổ mạnh mẽ, mang tới những thay đổi tích cực cho lợi ích của người dân.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/1022110/bat-on-tai-kazakhstan-can-nhieu-thoi-gian-de-giai-quyet-tan-goc