'Bất Quản' và 'Bất Du Củ'
Nhà Bất quản yêu cầu con nhận nộp 30% thu nhập, con nhận không đồng ý, thế là sóng gió nổi lên, thế là 'Bất Quản nhi đình chức'.
Nhân vật lịch sử Khổng Tử tên thật là Khổng Khâu, tên chữ (tự) là Trọng Ni người Ấp Trâu thuộc nước Lỗ thời Xuân Thu Chiến Quốc (hơn 550 năm trước công nguyên). Nước Lỗ ngày nay là khu vực thuộc tỉnh Sơn Đông, một phần các tỉnh An Huy, Hà Nam và Giang Tô của Trung Quốc.
Bất Tử là nhân vật bịa, Bất Tử họ Bất tên Quản, tự là Ni Trọng, người xứ Tre Làng, không biết sinh lúc nào và hiện vẫn còn sung sức.
Khổng Tử chia cuộc đời mình thành 6 giai đoạn: “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận và thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ”.
Chữ “nhi” trong các giai đoạn mà Khổng Tử dùng nôm na có nghĩa là “thì”.
(Giải nghĩa: Đến tuổi 15 (thập hữu ngũ – mười cộng thêm năm) (thì) mới chú tâm vào việc học; Đến ba mươi tuổi (thì) phải tự lập – (lập gia, lập thân, lập nghiệp…); Bốn mươi tuổi (thì) hiểu được sự việc trong thiên hạ, cái gì là đúng, cái gì là sai; Năm mươi tuổi tự nhận biết được mệnh trời, trời cho cái gì, không cho cái gì, yên lòng với cái mình có; Sáu mươi tuổi (thì) mọi thứ đều như gió thoảng qua tai, khen chê đều “thuận”; Bảy mươi tuổi có thể nói hoặc làm những điều theo bản tính nhưng vẫn trong khuôn khổ đạo và pháp.
Đời nay, người ta thường quên đi giai đoạn “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học” tức là trẻ con phải đến 15 tuổi mới bắt đầu chú tâm vào học, thế là cả “nguyên khí” lẫn “quan khí” hùa nhau đè đầu cưỡi cổ trẻ con, mới 6, 7 tuổi, ngay từ lớp 1 đã phải học tới 8-9 môn, đã phải ôm hàng đống sách tham khảo, sách bổ trợ,…
Có người hỏi thế con bát thập, cửu thập thì sao?
Người xưa chẳng mấy ai sống đến 80, 90 nên Khổng Tử không đề cập có lẽ cũng là bình thường, ngày nay số thọ trên 80 không ít nên đành mạo phạm nối dài triết lý của ông họ Khổng: “Bát thập nhi bất tri”, “Cửu thập nhi như ấu”.
“Bất tri” là không biết, không rõ, cụ Nguyễn Du nói:
“Bất tri tam bách dư niên hậu; Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?” nghĩa là “Không biết hơn ba trăm năm sau, thiên hạ có ai khóc Tố Như không?”.
Thế nên “Bát thập nhi bất tri” nghĩa là vào tuổi 80 người ta bắt đầu “không biết, không rõ”, bắt đầu lẫn lộn, nói trước quên sau, còn đến tuổi 90 thì phần lớn trở lại như đưa bé con (ấu), ăn phải có người bón, đi phải có người dắt, con cái phải đóng bỉm cho cả ngày…
Dòng họ “Bất Quản” nghe có vẻ Á Đông nhưng thực ra thì tồn tại khắp thế giới.
Bất Quản lấy vợ ở phía Nam sông Kỳ Cùng, sinh nhiều con, tạo nên các chi họ tồn tại đến ngày nay như các chi họ “Bất Quản Cấm”, “Bất Quản Đình”, “Bất Quản Xử”…
Ở Việt Nam có cụ giáo họ Nguyễn lấy tên mình ghép thêm tên cho con cháu tạo nên chi họ nổi tiếng với nhiều giáo sư, tiến sĩ.
Gần đây rộ lên trào lưu đặt tên dài sáu bảy từ nên con cháu chi “Bất Quản Cấm” nảy nòi ra nhánh “Bất Quản nhi cấm tiệt”.
Nhánh “Bất Quản nhi cấm tiệt” đã được nêu danh ít nhất là từ mười năm trước, trang mạng enternews.vn thuộc chủ quản của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có bài mổ xẻ về nhánh họ này theo ngôn ngữ hiện đại: “Không quản được thì … cấm”. [1]
Năm 2017, tờ Tienphong.vn mạnh dạn khẳng định: “Qua rồi thời quản không được thì cấm” [2] nhưng có vẻ cái “thời” ấy vẫn sống rất khỏe, bằng chứng là đến năm 2019, báo Sggp.org.vn vẫn đặt vấn đề: “Không quản được thì cấm?”. [3]
Hãy nghe ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói, rằng “Cái gì nhà nước không cấm thì hãy mở toang cửa cho nhân dân”. [4]
Ông Lê Doãn Hợp nói mạnh thế chứ dân chúng chỉ dám bảo “cái gì không cần quản, không nên quản hoặc không thể quản” thì hãy để phát triển tự nhiên theo quy luật thị trường đầy đủ, có cầu sẽ có cung. Cứ để phát triển tự do một thời gian xem lợi hay hại từ đó hãy nghĩ đến chuyện quản hay cấm hay buông!
Cần kỷ luật hay “Một cuộc tranh luận thẳng thắn và thấu đáo”?
Chẳng hạn chuyện “phố đèn đỏ”, muốn cấm không cấm được, muốn quản lại không quản được vì chưa có chế tài, chưa hợp pháp hóa.
Khối quan chức bảo ở Đồ Sơn, Quất Lâm làm gì có mại dâm, chính quyền vẫn quản lý nghiêm đấy chứ!
Vì sao vẫn cấm, vẫn quản lý nghiêm mà “Bộ Y tế ước tính số người bán dâm khoảng 87.000, đặc biệt một tài liệu nghiên cứu của Liên hợp quốc ước xấp xỉ 300.000 người bán dâm ở Việt Nam”? [5]
Thế “Bất quản” và “Bất du củ” thì liên quan gì với nhau?
Như Khổng Tử giải thích, ở vào tuổi 70 người ta có thể nói và làm những điều mình muốn nhưng không trái đạo pháp, tức là không trái đạo lý và pháp lý, không vượt quá các quy tắc - tức là “Bất du củ”.
Đấy là chuyện nhà họ Khổng bên nước Lỗ, còn với họ “Bất Quản” thì lại khác. Một nhà của họ này có hai người con, mỗi con quản một trường đại học. Con đẻ sinh năm 1992, con nhận sinh năm 1997.
Dư luận đồn thổi nhà ấy nuôi con theo kiểu “Tấm Cám”.
Người con đẻ thì được chăm bẵm, nuông chiều, lo cho đủ thứ, riêng đất cát được cấp tới gần 300 hecta.
Người con đẻ khoe rằng diện tích hội trường, giảng đường/phòng học là trên 24.000 m2, thế nhưng kỳ lạ là diện tích thư viện chỉ có 4,081 m2 (bốn phảy không tám mốt mét vuông?), còn diện tích nhà văn hóa, phòng thí nghiệm và bể bơi đều bằng 0. Tổng số học trò chính quy và không chính quy là 9.000 người (năm 2018).
Năm học 2017-2018, người con đẻ kiếm được gần trăm tỷ, trong đó số tiền bố mẹ cho là gần 30 tỷ. Số tiền thu được từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 0 đồng.
Người con thứ hai là con nhận (không phải là con nuôi) bởi chín năm sau khi sinh ra (năm 2006) nhà Bất Quản mới nhận về.
Dù sống chung mái nhà với người con đẻ song “con nhận” không nhận bất kỳ đồng nào từ nhà Bất Quản. Quy mô học trò ngôi trường người con nhận quản lý đến nay khoảng 27.000 người.
Năm 2017 người con này thu được hơn 570 tỷ đồng, trong đó thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là gần 57 tỷ đồng.
Nhà Bất quản yêu cầu con nhận nộp 30% thu nhập, con nhận không đồng ý, thế là sóng gió nổi lên, thế là “Bất Quản nhi đình chức”.
Lẽ ra khi đã thất thập người ta phải “Bất du củ” nghĩa là nói và làm không trái quy tắc, không trái đạo lý và pháp lý.
Thế thì vì sao lại làm trái đạo lý khi không bỏ ra đồng nào nuôi mà lại bắt “con nhận” phải nộp tới 30% thu nhập, thế thì vì sao lại làm trái pháp lý khi đình chỉ chức vụ không phải do mình bổ nhiệm, không theo quy định nào của pháp luật?
Giáo dục, góc nhìn qua lăng kính “đột phá” (2)
Tình trạng đang diễn ra khiến dư luận hoàn toàn có lý khi cho rằng ngoài chi họ “Bất Quản Cấm” nay lại xuất hiện thêm chi họ “Bất Quản Đình”.
Về chuyện “Bất Quản Xử” thì hãy xem vụ một tòa án ở Kẻ Chợ xử một tờ tạp chí tội “thông tin sai sự thật” khi người ta lấy quy định trong một văn bản quy phạm pháp luật ban hành ngày 05/12/2019 (có hiệu lực từ ngày 20/01/2020) để xử một vụ án mà tòa thụ lý từ 7 tháng trước.
Không hiểu sao các quan tòa lại không biết đến Điều 7, Bộ luật hình sự 2015 quy định hiệu lực về thời gian, theo đó:
1. Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện.
2. Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
Phải chăng không “quản” được thì “xử”?
Họ Bất Quản không phải chỉ có ba chi, nhưng mà viết nhiều sợ … mệt.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://enternews.vn/index.php/khong-quan-duoc-thi-cam-68936.html
[2]https://www.tienphong.vn/kinh-te/qua-roi-thoi-quan-khong-duoc-thi-cam-1163202.tpo
[3] https://www.sggp.org.vn/khong-quan-duoc-thi-cam-576614.html
[4]https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/cai-gi-nha-nuoc-khong-cam-thi-hay-mo-toang-cua-cho-nhan-dan-639703.html
[5]https://nld.com.vn/thoi-su/viet-nam-co-15000-hay-300000-nguoi-ban-dam-0171102065231077.htm#:~:text=(NL%C4%90O)%2D%20B%C3%A1o%20c%C3%A1o%20t%E1%BB%AB,b%C3%A1n%20d%C3%A2m%20%E1%BB%9F%20Vi%E1%BB%87t%20Nam.
Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/bat-quan-va-bat-du-cu-post212742.gd