'Ông trùm kín tiếng' Lê Thành Công cùng hoa hậu Thùy Tiên tham gia loạt doanh nghiệp là ai?

Không chỉ bắt tay với Hoa hậu Thùy Tiên, Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs... trong vụ bán kẹo Kera, 'ông trùm kín tiếng' Lê Thành Công còn làm chủ một loạt công ty với quy mô và hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Hoa hậu Thùy Tiên được chia gần 7 tỷ đồng từ bán kẹo Kera

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, quá trình điều tra mở rộng, căn cứ tài liệu điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với: Nguyễn Thúc Thùy Tiên (Hoa hậu Hòa bình quốc tế năm 2021) về tội “Lừa dối khách hàng” với vai trò đồng phạm với các bị can thuộc Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt.

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt được thành lập vào tháng 11/2024 tại TP Thủ Đức, TP.HCM, với vốn điều lệ ban đầu 5 tỉ đồng.

Doanh nghiệp gồm 6 cổ đông góp vốn gồm Lê Thành Công góp 950 triệu đồng tương đương với 19% vốn góp, Lê Tuấn Linh góp 750 triệu đồng tương đương 15% vốn góp, Nguyễn Thị Thái Hằng góp 1,25 tỷ đồng tương đương 25% vốn góp, Phạm Thị Nhật Lệ, Phạm Quang Linh và Trần Chí Tâm mỗi người góp 683 triệu đồng tương đương 13,66% vốn góp.

Hoa hậu Thùy Tiên bị tạm giam liên quan đến vụ bán kẹo Kera. Ảnh: Bộ Công an

Thời điểm thành lập, ông Lê Tuấn Linh sinh năm 1989, giữ vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.

Đến đầu tháng 12/2024, Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt tăng mạnh vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng lên 15 tỷ đồng. Cơ cấu góp vốn cụ thể của các cổ đông không được công bố chi tiết.

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra sơ bộ mới công bố, C01 xác định kẹo Kera là của Thùy Tiên và các cổ đông Công ty Chị Em Rọt (CER) hợp tác làm ăn chung. Trong đó Thùy Tiên được hưởng lợi nhuận theo thỏa thuận góp vốn tương đương 30%, còn các cổ đông còn lại góp 70%.

Đến thời điểm sai phạm bị phát hiện, Công ty CER bán hơn 135.000 hộp kẹo Kera cho hơn 30.000 khách hàng, thu về gần 18 tỉ đồng. Theo tỉ lệ góp vốn, số tiền Thùy Tiên nhận về là gần 7 tỉ đồng.

C01 cho rằng sau khi ra mắt sản phẩm kẹo Kera, Tiên cùng Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục) và Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) đưa ra các thông tin không đúng sự thật để phóng đại công dụng của sản phẩm.

Đến cuối tháng 2/2025, mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin tranh luận liên quan hàm lượng chất xơ có trong kẹo Kera. Để tránh ảnh hưởng, Thùy Tiên đề nghị ký hợp đồng hợp thức về việc hợp tác quảng cáo, để loại bỏ vai trò của Tiên với tư cách là cổ đông.

Trước đó, Nguyễn Thị Thái Hằng (tức Hằng Du Mục), Lê Tuấn Linh, Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) và Lê Thành Công... đều bị khởi tố với cáo buộc sản xuất hàng giả và lừa dối khách hàng.

Cùng với hoa hậu Thùy Tiên, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can đối với 4 đối tượng là lãnh đạo trong Công ty CP Asia Life, gồm: Nguyễn Phạm Hồng Vy, Giám đốc, đại diện pháp luật; Phạm Thị Diễm Trinh, Trưởng Phòng nghiên cứu và Phát triển sản phẩm; Trương Thị Lê, Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng kiêm Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng và Trần Thị Lệ Thu, Trưởng phòng Sản xuất cùng về tội “Sản xuất hàng giả là thực phẩm”.

Cổ đông Lê Thành Công làm chủ một loạt doanh nghiệp

Liên quan đến vụ kẹo Kera, trong khi hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên, Quang Linh Vlogs hay Hằng Du Mục thường xuyên tham gia các phiên livestream bán hàng và nổi tiếng trên mạng xã hội, bị cáo Lê Thành Công lại khá kín tiếng.

Không chỉ cùng tham gia vào Công ty Chị Em Rọt, Lê Thành Công và Hoa hậu Thùy Tiên đã góp vốn, thành lập Công ty CP Pharco Việt Nam vào tháng 6/2021, thời điểm trước khi Thùy Tiên đăng quang Hoa hậu Hòa bình quốc tế năm 2021.

Theo đăng ký, Pharco Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực bán buôn thực phẩm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh. Đây là đơn vị phân phối độc quyền một thương hiệu nước hoa tại Việt Nam.

Doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội, vốn điều lệ ban đầu là 4 tỉ đồng. Trong đó, Lê Thành Công góp 55%, Hoa hậu Thùy Tiên và Đào Thị Hà mỗi người góp 10% vốn, cổ đông Nguyễn Ngọc Sáng góp 25%. Người đại diện pháp luật kiêm giám đốc là bà Võ Thị Lộc (sinh năm 1997).

Dù chỉ góp 10% vốn, tuy nhiên trên các phương tiện truyền thông, Thùy Tiên thường được nhắc đến là "chủ tịch" của Công ty CP Pharco Việt Nam.

Theo tỉ lệ góp vốn, số tiền Thùy Tiên nhận về là gần 7 tỉ đồng từ vụ bán kẹo Kera. Ảnh: Bộ Công an

Đến tháng 10/2022, Công ty CP Pharco Việt Nam tăng vốn điều lệ từ 5 tỉ đồng lên 8 tỉ đồng, nhưng cơ cấu góp vốn của các cổ đông không được công bố chi tiết.

Ngoài 2 doanh nghiệp kể trên, bị cáo Lê Thành Công (sinh năm 1989) có địa chỉ thường trú tại TP Vinh, Nghệ An còn đứng tên với vai trò người đại diện pháp luật hoặc cổ đông sáng lập tại một loạt doanh nghiệp khác, có thể kể đến như Công ty TNHH Boxi Việt Nam; Công ty cổ phần 6Inch Việt Nam; Công ty cổ phần ADS Group Việt Nam; Công ty cổ phần Sen Property.

Trong đó, Công ty TNHH Boxi Việt Nam được thành lập vào tháng 11/2015 với vốn điều lệ 600 triệu đồng, Lê Thành Công góp 3 triệu đồng tương đương 0,5% vốn góp nhưng được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.

Công ty cổ phần 6Inch Việt Nam có tiền thân là Công ty TNHH thương mại dịch vụ Thấy Là Ham, được thành lập tháng 11/2015, có trụ sở chính tại Quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ban đầu, công ty có vốn điều lệ 1 tỷ đồng do ông Nguyễn Anh Võ sinh năm 1991 giữ vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Công ty TNHH thương mại dịch vụ Thấy Là Ham đổi tên thành Công ty CP 6Inch Việt Nam vào tháng 3/2016. Vốn điều lệ vẫn giữ nguyên 1 tỷ đồng nhưng cơ cấu cổ đông thay đổi lớn khi Công ty TNHH Boxi Việt Nam là cổ đông lớn nhất góp 80% vốn, số vốn còn lại thuộc về 3 cổ đông khác gồm Nguyễn Anh Võ, Lê Ngọc Sơn và Nguyễn Hữu Thanh.

Đến tháng 9/2016, ông Lê Thành Công thay thế ông Nguyễn Anh Võ giữ vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp, vốn điều lệ và cơ cấu góp vốn của các cổ đông không được công bố chi tiết.

Công ty CP ADS Group Việt Nam có tiền thân là Công ty CP công nghệ truyền thông ADSBNC được thành lập tháng 5/2014. Thời điểm tháng 11/2016, ông Lê Thành Công là cổ đông lớn nhất khi góp 960 triệu đồng, tương đương 48% vốn. Phần vốn còn lại thuộc về các cổ đông khác. Bà Lê Thị Mai Liên sinh năm 1991 giữ vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Doanh nghiệp đổi tên thành Công ty cổ phần ADS Group Việt Nam từ tháng 6/2018. Cùng với đổi tên, ông Lê Thành Công cũng được bổ nhiệm giữ vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.

Tháng 7/2018, vốn điều lệ công ty tăng mạnh từ 2 tỷ đồng lên 24,675 tỷ đồng. Ông Lê Thành Công là cổ đông lớn nhất khi góp hơn 10,2 tỷ tương đương 41,65% vốn. Phần vốn còn lại thuộc về các cổ đông khác và không được công bố chi tiết. Ông Công vẫn giữ vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.

Công ty cổ phần Sen Property được thành lập tháng 7/2022, với vốn điều lệ 6 tỷ đồng. Trong đó, ông Lê Thành Công góp 2,4 tỷ đồng tương đương 40% vốn, cổ đông Lê Tuấn Anh góp 540 triệu đồng tương đương 9% vốn và Công ty cổ phần Tập đoàn Sengroup, doanh nghiệp thành lập tháng 9/2018, với vốn điều lệ 500 tỷ đồng là cổ đông lớn nhất, góp 3,06 tỷ đồng tương đương 51% vốn góp. Ông Lê Thành Công giữ vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.

Hoàng Nam

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bat-tay-hoa-hau-thuy-tien-ban-keo-kera-ong-trum-bi-an-le-thanh-cong-con-lam-chu-mot-loat-doanh-nghiep-204252005152202764.htm