Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý các dự án luật
Phó Chánh án TAND tỉnh Lương Văn Hùng đề nghị giữ nguyên hình phạt tử hình đối với 3 tội danh: Tội vận chuyển trái phép chất ma túy, tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Chiều 20/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại Tổ, góp ý đối với các dự thảo luật gồm: Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tham dự phiên thảo luận có Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội.

Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: V.TÂN
Phó Chánh án TAND tỉnh Lương Văn Hùng bày tỏ sự đồng thuận với việc bỏ hình phạt tử hình đối với 5 tội danh: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh; phá hoại hòa bình gây chiến tranh xâm lược; gián điệp. Đồng thời đề nghị giữ nguyên hình phạt tử hình đối với 3 tội danh: Tội vận chuyển trái phép chất ma túy, tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ.
Đại biểu Hùng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc giữ nguyên hình phạt tử hình đối với 3 tội danh nêu trên bởi các lý do: Đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy: Bộ luật Hình sự hiện hành quy định hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy ngoài mục đích răn đe, phòng ngừa tội phạm còn hướng tới mục tiêu không để Việt Nam trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển và tiêu thụ ma túy. Nếu bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này sẽ làm giảm tính răn đe, tạo kẽ hở để tội phạm ma túy phát triển phức tạp. Đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ: hiện nay tình hình tham nhũng đang diễn biến hết sức phức tạp.

Phó Chánh án TAND tỉnh Lương Văn Hùng trao đổi tại buổi thảo luận. Ảnh: V.TÂN
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án là hình phạt chính đối với 8 tội danh dự kiến bỏ hình phạt tử hình và 10 tội danh vẫn duy trì hình phạt tử hình. Đại biểu Hùng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc về sự cần thiết bổ sung hình phạt này. Bởi vì, đây là chính sách lớn cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở tổng kết, đánh giá cả về lý luận và thực tiễn đồng thời cần có sự tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia có sự tương đồng về hệ thống pháp luật.
Góp ý về thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự nêu tại khoản 15 Điều 1 dự thảo, đại biểu Hùng đề nghị quy định thẩm quyền xét xử sơ thẩm theo hướng TAND khu vực xét xử sơ thẩm tất cả những vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đến 20 năm tù, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm ít nghiêm trọng.
Về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm (Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 346), đại biểu Hùng đề nghị đối với các vụ án về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt từ trên 15 đến 20 năm tù thì phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.
Về thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND, đại biểu Hùng đề nghị chỉ quy định TAND khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đến 20 năm tù, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm ít nghiêm trọng mà không loại trừ các trường hợp quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 268 BLTTHS.
Tin, ảnh: PV - CTV
Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/doan-dbqh-tinh-gop-y-cac-du-an-luat-52845.htm