Bắt tay làm việc ngay khi nhập tỉnh
Cách đây 49 năm, tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên. Thời điểm đó, ông Mai Xuân Thu (SN 1950, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Bình) cùng nhiều cán bộ khác đầy háo hức vào Huế công tác. Tại đây, ông đã nhận được sự cưu mang, giúp đỡ tận tình từ cán bộ, người dân Huế, nhờ đó, nhanh chóng bắt tay vào công việc, tiếp tục rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.

Ông Mai Xuân Thu kể lại ký ức những ngày nhập tỉnh Bình Trị Thiên.-Ảnh: X.V
Trước năm 1974, chàng trai trẻ Mai Xuân Thu làm việc tại một hợp tác xã ở huyện Lệ Thủy (cũ). Trong quá trình làm việc, anh đã thể hiện tốt năng lực, sự nhiệt huyết trong công việc nên được chuyển về Tỉnh đoàn Quảng Bình công tác, giữ chức Phó ban Nông nghiệp. Sau khi giải phóng miền Nam, năm 1976, tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên. Lúc đó, cán bộ và nhân dân 3 tỉnh vô cùng phấn khởi, nhất là tuổi trẻ. Hành trang của cán bộ vào Huế công tác là vài bộ quần áo cũ và trái tim đầy nhiệt huyết.
Sau khi đến Huế, dù tỉnh còn đối mặt với nhiều khó khăn, cán bộ vẫn được bố trí chỗ ở, làm việc rất chu đáo, giúp họ sớm ổn định và bắt tay vào công việc. Ngày 16-17/6/1976, Ban Chấp hành Tỉnh đoàn tổ chức họp phiên thứ nhất nhằm đề ra nhiệm vụ cho công tác Đoàn và phong trào Thanh niên tỉnh, củng cố tổ chức Đoàn vững mạnh về mọi mặt, đoàn kết các tầng lớp thanh niên thành các đội xung kích cách mạng...
Khi tổ chức đã ổn định, Tỉnh đoàn phát động các chiến dịch hành động cách mạng, cùng nhân dân thực hiện công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế. Tiêu biểu là chiến dịch “Bình Trị Thiên quật khởi” được Tỉnh đoàn phát động, thu hút đông đảo thanh niên tham gia. Chiến dịch tập trung vào 4 mũi nhọn chính, gồm: Thủy lợi, khai hoang, phân bón và trồng rau màu. Chỉ sau một tuần triển khai, chiến dịch đã đạt được những kết quả ấn tượng: Có trên 100.000m3 đất được đào đắp, nạo vét 37 con hói dài trên 38km, khai hoang 2.548ha đất sản xuất, thu gom và sản xuất được 310 tấn phân xanh...
Sau khi chia tách tỉnh, ông Mai Xuân Thu chuyển về Quảng Bình (cũ) giữ chức Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy rồi nghỉ hưu. Theo ông, trong thời kỳ nào cũng vậy, sau khi nhập tỉnh cần phải bố trí nơi ăn, chốn ở cho cán bộ ở xa đến; sắp xếp cán bộ sao cho khoa học, đúng năng lực, sở trường, công tâm. Cán bộ khi nhận nhiệm vụ mới phải bắt tay ngay vào công việc, sẵn sàng dấn thân, không ngại gian khó đến vùng đất mới công tác, cống hiến. Cán bộ và nhân dân các nơi nhập lại phải đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc, cuộc sống... Nếu làm tốt các vấn đề này, mọi việc sẽ trở nên hanh thông, kinh tế-xã hội của tỉnh sẽ phát triển, chính trị tỉnh nhà ngày càng ổn định...
Một trong những dấu ấn đáng nhớ của tuổi trẻ Bình Trị Thiên lúc bấy giờ là việc huy động lực lượng tham gia xây dựng công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn. Mặc dù là một công trình quy mô lớn, nhưng việc thi công chủ yếu dựa vào sức người cùng các phương tiện thô sơ. Có thời điểm, quân số thường trực trên công trường lên đến hàng chục nghìn thanh niên.
Thời gian đó, Tỉnh đoàn đã cử ông Mai Xuân Thu và một đồng chí Phó Bí thư trực tiếp ra chỉ đạo, động viên thanh niên làm việc trên công trường. Trong 3 năm (1977-1980), đại công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn cơ bản hoàn thành. Ngoài đập chính, toàn bộ công trình còn có 16,4km tuyến kênh chính, hàng trăm kênh mương nhỏ, bảo đảm tưới tiêu cho 9.000ha lúa vụ đông-xuân, gần 5.500ha lúa vụ hè-thu trên địa bàn.
Ông Thu chia sẻ: “Thời đó, những cán bộ Đoàn như chúng tôi ai cũng nhiệt huyết, tích cực về cơ sở để vừa chỉ đạo, vừa thực hiện chiến dịch, phong trào cùng thanh niên. Đi đến đâu, chúng tôi cũng được nhân dân, đoàn viên xem như người nhà, anh em ruột thịt. Do vậy, chúng tôi tình nguyện dấn thân đến vùng đất mới công tác, trải nghiệm, đồng hành cùng thanh niên và người dân phát triển kinh tế-xã hội”. Với sự nỗ lực của bản thân, nhiệt huyết với công việc, năm 1978, ông Mai Xuân Thu được bầu giữ chức Trưởng ban Nông nghiệp Tỉnh đoàn; năm 1981, được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bình Trị Thiên.
Trong giai đoạn này, ông Mai Xuân Thu cùng với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn luôn thể hiện được sự đoàn kết, thống nhất, triển khai nhiều hoạt động sôi nổi, góp phần tích cực vào hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Trên lĩnh vực kinh tế, hàng nghìn thanh niên nhận ruộng làm khoán, bán cho Nhà nước hàng trăm tấn lương thực ngoài nghĩa vụ.
Các phong trào như: Tuổi trẻ tiết kiệm, sáng tạo, tham gia bảo vệ Tổ quốc, phong trào Đoàn, Đội trong trường học... được triển khai hiệu quả. Năm 1985, tuổi trẻ toàn tỉnh đã sản xuất được 4,5 triệu tấn phân bón, xây dựng 24 công trình thủy lợi cấp huyện. Những năm tiếp theo, các cấp bộ Đoàn đã bám sát nghị quyết của tỉnh, Trung ương Đoàn, chuyển hướng các phong trào vào việc phát triển cây công nghiệp xuất khẩu, thu mua hải sản xuất khẩu...
Trải qua 14 năm cống hiến cho phong trào Đoàn tỉnh Bình Trị Thiên, dù trong điều kiện quốc tế và trong nước có nhiều biến đổi, nhưng dưới ánh sáng của Đảng, sự chỉ đạo sát sao và quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, ông Mai Xuân Thu cũng như tuổi trẻ toàn tỉnh đã góp công sức không nhỏ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/bat-tay-lam-viec-ngay-khi-nhap-tinh-194728.htm