Bắt tay với doanh nghiệp để nâng chất lượng trường nghề
Một trong những tiêu chí trong Dự thảo Thông tư quy định chi tiết tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận trường cao đẳng (CĐ) chất lượng cao, vừa được Bộ LĐTBXH đưa ra lấy ý kiến đó là các trường phải đạt tiêu chí về liên kết doanh nghiệp trong đào tạo.
Nhà trường “bắt tay” với doanh nghiệp
Tính đến nay cả nước có 1.909 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) (gồm: 399 trường CĐ, 458 trường trung cấp (TC), 1.052 trung tâm GDNN). Trong 9 tháng đầu năm, hệ thống tuyển sinh được 52,6% kế hoạch với 1,4 triệu người, gồm: CĐ, TC: 61% (300 nghìn người); sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác: 63% (1,065 triệu người; trong đó số lao động nông thôn là 600 ngàn người với 200 ngàn người được hỗ trợ theo Đề án 1956). Ước thực hiện năm 2020, phấn đấu tuyển sinh đạt 100% kế hoạch đề ra.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng, công tác tuyển sinh giai đoạn 2016 - 2019 có chuyển biến tích cực, nhất là tuyển sinh trình độ TC có đầu vào tốt nghiệp THCS.
Kết quả, ước giai đoạn 2016 - 2020, cả nước tuyển sinh GDNN các cấp trình độ khoảng 11.077 nghìn người, đạt 103%; trong đó: Trình độ CĐ, TC khoảng 2.472 nghìn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 8.605 nghìn người.
Tuy nhiên, một trong những tồn tại, hạn chế của việc đào tạo ở các trường nghề đó là sự liên kết với doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) Vũ Mạnh Tiêm, theo điều tra từ năm 2019, hiện nay, công nhân, lao động cả nước ở trình độ tiểu học, THCS vẫn còn khoảng hơn 30%; trình độ THPT trở lên là 68%.
Về đào tạo nghề cho công nhân, lao động, mặc dù doanh nghiệp cố gắng tham gia đào tạo nhưng mới dừng lại ở 43%, đặc biệt là trình độ tay nghề, bậc thợ (từ bậc 4 đến bậc 7) còn rất là khiêm tốn, công nhân bậc cao rất ít, hiếm.
Cơ sở GDNN “bắt tay” với doanh nghiệp không còn là câu chuyện mới, vấn đề này đã được đề cập lâu nay nhưng không phải cơ sở giáo dục nào cũng tạo được mối quan hệ chặt chẽ với DN ngoài việc chủ yếu đưa sinh viên đến… thực tập.
Trong khi đó, Dự thảo Thông tư quy định chi tiết tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận trường CĐ chất lượng cao, vừa được Bộ LĐTBXH đưa ra lấy ý kiến có đề cập đến việc các trường phải đạt tiêu chí về liên kết doanh nghiệp trong đào tạo.
Cụ thể, tiêu chuẩn 1 và 5 của tiêu chí gắn kết nhà trường doanh nghiệp, dự thảo nhấn mạnh: Doanh nghiệp phải tham gia chặt chẽ vào quá trình đào tạo của nhà trường, trong đó doanh nghiệp hợp tác trực tiếp đào tạo ít nhất 1 nghề; Ít nhất 90% tổng số người học có việc làm phù hợp với ngành, nghề được đào tạo hoặc tiếp tục học nâng cao trong vòng 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp.
Thí điểm hợp tác toàn diện
Ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông TP HCM nêu thực tế tại trường mình đó là bên cạnh các giảng viên hàn lâm, nhà trường mời những giảng viên là các nhà quản trị, các kỹ thuật viên ở các công ty khởi nghiệp.
Chính họ, khi tham gia vào giảng dạy, sẽ mang những yếu tố mới, đòi hỏi của doanh nghiệp đưa ngay vào trong chương trình đào tạo của nhà trường. Như vậy, doanh nghiệp có lợi, và nhà trường cũng có lợi.
“Điều này có nghĩa là, DN có được đội ngũ lao động chuẩn, thay vì phải đào tạo lại hay đào tạo bổ sung. Mối quan hệ ở đây không còn là quan hệ người sử dụng lao động và người lao động nữa, mà là quan hệ thầy trò, cô trò, hết sức bền chặt, và gắn bó ít nhất cũng phải từ ba năm đến năm năm”, ông Hải nhấn mạnh. Đây chính là bước đệm rất tốt cho sinh viên của nhà trường đạt được thành công.
Là một trong những cơ sở GDNN có hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội (HCEM) cho rằng, doanh nghiệp cũng như xã hội cần thay đổi cái nhìn về chất lượng của trường nghề.
“Bây giờ, người học tại các trường CĐ là kỹ thuật viên. Thậm chí có những trường đưa sinh viên đi thi tay nghề khu vực và thế giới, giành cả giải thưởng cấp độ thế giới, thì các bạn sinh viên ấy đã đạt cấp chuyên gia chứ không còn là công nhân, kỹ thuật viên nữa”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Còn theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp và khu chế xuất TPHCM Trần Thiên Long, các hiệp hội cũng cần có sự quan tâm, đưa vào chương trình hành động của hiệp hội việc hỗ trợ kết nối giữa nhà trường và các doanh nghiệp.
Ông Long cũng đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nên làm thí điểm, như một vài địa phương có doanh nghiệp lớn ký kết liên tịch, hợp tác toàn diện gắn kết nhu cầu thực tiễn đào tạo của các trường dạy nghề. Bởi vì qua ký kết thí điểm, Tổng cục GDNN sẽ có cái nhìn rõ hơn, có số liệu cụ thể để đưa ra dự báo đào tạo.
Trên thực tế, doanh nghiệp vừa là người sử dụng lao động, vừa là người đặt hàng đối với các cơ sở GDNN, đồng thời là nơi trực tiếp sử dụng lao động và tạo ra các giá trị cho xã hội. Thay đổi cái nhìn về trường nghề từ phía các doanh nghiệp, điều này cần không chỉ sự chủ động của các trường nghề mà còn có vai trò của các hiệp hội.