Bắt tay với doanh nghiệp trong đấu thầu giáo dục là hành vi bán rẻ đạo đức để vụ lợi!

Theo ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc nhiều lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh như Quảng Ninh, Thanh Hóa hay mới đây là Điện Biên bị bắt thực sự rất đau lòng, đây là những con sâu ngành giáo dục, họ đã bán rẻ đạo đức để vụ lợi.

Quan giáo dục liên tục bị "ngã ngựa"

Như báo Nhà báo và Công luận đã đưa tin, ngày 22/9/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định tố tụng để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định pháp luật: Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 53/QĐ-CSKT-P9 về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên và các công ty, đơn vị có liên quan;

Các bị can Nguyễn Văn Kiên, Trịnh Mạnh Cường, Đinh Văn Hữu (từ trái qua)

Bài liên quan

Gói thầu nào khiến Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên bị bắt?

Bắt giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên liên quan hoạt động đấu thầu

Quyết định khởi tố bị can; Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét người, nơi ở, nơi làm việc đối với 06 bị can về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, đặc biệt trong đó có ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên; Trịnh Mạnh Cường, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên...

Chuyện ở Điện Biên không phải là cá biệt khi trước đó nhiều quan giáo dục các tỉnh cũng đã bị xộ khám. Cụ thể, vào tháng 7/2021 Cơ quan cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa và các công ty, đơn vị liên quan.

Bị can Phạm Thị Hằng và một số đồng phạm

Đồng thời C03 ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với bà Phạm Thị Hằng (54 tuổi), nguyên giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa (hiện là phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy).

Cơ quan điều tra cũng khởi tố 8 người khác, trong đó bắt tạm giam 6 người, cho tại ngoại 2 người để điều tra về cùng tội danh. Những người này là cán bộ thuộc phòng kế hoạch - tài chính Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa và 4 người thuộc Công ty cổ phần thẩm định giá BTCValue, Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học tỉnh Thanh Hóa.

Trước đó, vào tháng 6/2021, đơn vị này cũng đã khởi tố vụ án hình sự số 42/QĐ-CSKT-P9 về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các Dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học, quy định tại Khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh khám xét đối với 15 bị can, trong đó: Ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 9 bị can, gồm: Vũ Liên Oanh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh; Ngô Vui, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính; Hà Huy Long, nguyên Phó phòng Kế hoạch Tài chính; Trần Ngọc Thắng và Trần Thị Thanh Xuân, nguyên Tổng Giám đốc Công ty MQF; Ngô Mạnh Hùng, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty MQF; Lê Long Hải và Lê Đại Tấn, Chuyên viên Công ty NSJ; Vũ Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Thẩm định giá Gia Lộc. Ra Lệnh tạm giam đối với 1 bị can (Hoàng Thị Thúy Nga, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ).

Ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 5 bị can, gồm: Phạm Thị Hạnh, nguyên Phó trưởng phòng Kế hoạch tài Chính, Sở Giáo dục và Đào tạo; Phạm Việt Anh, Phó trưởng phòng Dự án; Hoàng Thị Minh Tâm, nhân viên Phòng Dự án, Công ty MQF; Hà Thị Thu Huyền, thẩm định viên và Phạm Đức Chính, nhân viên Công ty Thẩm định giá Gia Lộc...

Bắt tay với doanh nghiệp bán rẻ đạo đức để vụ lợi

Điểm chung của các giám đốc sở này là đều vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Nói cách khác, họ đã chỉ đạo một số cán bộ dưới quyền thông đồng cùng với các doanh nghiệp để thực hiện các hành vi vi phạm Luật Đấu thầu nhằm tạo điều kiện cho các công ty sân sau trúng thầu để hưởng lợi.

Đơn cử như tại Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên Nguyễn Văn Kiên, đã chỉ đạo một số cán bộ dưới quyền thông đồng cùng với Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên (nhà thầu) và Công ty cổ phần thẩm định giá BTCVALUE, Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) tư vấn xây dựng T&C, Công ty TNHH tư vấn thiết kế và xây dựng Tây Đô thực hiện các hành vi vi phạm Luật Đấu thầu để cho Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên trúng 02 gói thầu cung cấp thiết bị dạy học tối thiểu.

Hay chuyện Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Hằng đã chỉ đạo cán bộ thuộc cấp thông đồng với Công ty CP thẩm định giá BTC Value và nhà thầu là Công ty CP sách - Thiết bị trường học Thanh Hóa để thực hiện nhiều hành vi vi phạm quy định của Luật Đấu thầu, 2 gói thầu cung cấp đồ dùng học tập giảng dạy lớp 1 năm học 2020-2021.

Theo tài liệu, ngày 16/4/2020, với tư cách Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, bà Phạm Thị Hằng ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Công ty CP sách - Thiết bị trường học Thanh Hóa (địa chỉ tại phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa) và Công ty CP đầu tư Hoàng Đạo (Hà Nội) thực hiện gói "Mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới từ năm học 2020-2021 cho các trường vùng đặc biệt khó khăn và vận chuyển, lắp đặt thiết bị".

Theo quyết định, gói thầu có tổng trị giá 32,6 tỉ đồng. Trong đó, Công ty CP sách - Thiết bị trường học Thanh Hóa thực hiện 38,5% (tương đương hơn 12,5 tỉ đồng), Công ty CP đầu tư Hoàng Đạo thực hiện 61,5% (khoảng 20 tỉ đồng)...

Đáng nói, sau khi các trang thiết bị này được trang bị cho các trường học thì chỉ trong một thời gian ngắn đã hư hỏng, có nhiều sản phẩm kém chất lượng. Thậm chí nhiều trường còn không thể dùng được đành phải cất vào kho, gây lãng phí tiền của nhà nước.

Ông Vũ Quốc Hùng nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (ảnh st)

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận về vấn đề này, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, đây là việc rất đau đớn, vì trong ngành giáo dục bao giờ người ta cũng thấy đấy là lĩnh vực của đạo đức và lương tri, nơi giáo dục, đào tạo con người nhưng tại sao những người hoạt động trên lĩnh vực này lại chạy theo lợi ích cá nhân.

Dù rất buồn nhưng cũng là hoan ngênh các cơ quan Đảng, cơ quan bảo vệ pháp luật đã nghiêm minh trong loại trừ những phần tử xấu xa trong các cơ quan quản lí nhà nước, nếu để hoành hoàng thì mất tiền, mất của là cũng đáng tiếc nhưng tiếc hơn là mất lòng tin của người dân - ông Hùng nói.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa (ảnh st)

Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa cho biết, một số vụ việc xảy ra vừa qua có thể nói đó là những scandal ngành giáo dục. Đây là những con sâu làm rầu nồi canh, họ đã bán rẻ đạo đức để vụ lợi.

"Nghề Nhà giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nguyên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói và đến nay vẫn còn giá trị, in sâu vào tiềm thức của mỗi con người Việt Nam chúng ta, đặc biệt những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, thật đau đớn khi có những con người thoái hóa biến chất, vụ lợi để mà riêng tư cho cá nhân" - ông Hòa nói.

Cũng theo Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, dù rất đau lòng nhưng cũng cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, bảo vệ pháp luật để trừng trị thích đáng những con người này để phòng ngừa răn đe, cảnh tỉnh không những trong ngành nhà giáo mà những ngành khác, làm sao thể hiện hết vai trò trách nhiệm của mình đối với dân, đối với đất nước, không thể hiện, thực hiện những hành vi cố ý, do tự mình chủ động, hoặc do tác động của những người xung quanh gây ra, để làm tổn hại đến ngân sách nhà nước, đến uy tín của ngành, tổn hại niềm tin của người dân đặt vào mình.

Thành Vinh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bat-tay-voi-doanh-nghiep-trong-dau-thau-giao-duc-la-hanh-vi-ban-re-dao-duc-de-vu-loi-post157770.html