Bất thường một dự án 'khơi thông dòng chảy' tại Quảng Nam
Một dự án nạo vét sông tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam với gần chục máy múc, máy hút cát hoạt động vượt phép… Nhiều ý kiến hoài nghi cho rằng dự án mang tên 'Nạo vét khơi thông dòng chảy khu vực hạ lưu cầu Chìm huyện Duy Xuyên' thực chất chỉ 'núp bóng', được một số cán bộ địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp sai phạm?
Từ trung tâm huyện Duy Xuyên đi về hướng di tích Mỹ Sơn, dễ dàng bắt gặp một đại công trường với hàng chục máy múc, máy hút cát đang hoạt động ở lưu vực sông cầu Chìm (một nhánh của sông Thu Bồn chảy qua huyện - NV).
Theo tìm hiểu của PV, ngày 19/12/2008 UBND huyện Duy Xuyên do ông Nguyễn Công Dũng khi đó làm Chủ tịch UBND huyện (nay là Bí thư Huyện ủy) có tờ trình xin UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án “Nạo vét khơi thông dòng chảy khu vực hạ lưu cầu Chìm”. Mục đích để khơi thông dòng chảy thoát lũ, tạo nguồn nước phục vụ cho nông nghiệp… với kinh phí thực hiện hơn 6 tỷ đồng, thời gian thực hiện 12 tháng.
Đến ngày 2/5/2019, Công ty CP Xây dựng phát triển công nghệ Thanh Quảng đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam do ông Nguyễn Hữu Kỳ làm GĐ, có tờ trình gửi UBND huyện Duy Xuyên, “đề nghị” xin nhận thầu dự án trên và được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận. Dự án được thực hiện trên diện tích 11,44ha, công suất khai thác 212.476m3/năm được chính thức giao thực hiện.
UBND tỉnh Quảng Nam quy định rõ đơn vị thực hiện thi công chỉ được phép khai thác 2 xe máy múc; 4 máy hút cát; ô tô vận chuyển không quá 20 chiếc loại trọng tải không quá 10 tấn/xe. Thế nhưng thực tế, Thanh Quảng đang sử dụng đến 6 máy bơm hút cát dưới sông lên bờ (tỉnh chỉ cho 4) và 6 máy múc cát (tỉnh chỉ cho 2), còn phương tiện vận chuyển có nhiều xe có trọng tải lên đến 30 tấn.
Ngoài hoạt động vượt phép, dư luận còn đặt dấu hỏi có hay không việc chính quyền tạo điều kiện để doanh nghiệp khai thác cát “núp bóng” dự án khơi thông? Bởi trong quy định về khai thác tài nguyên khoáng sản, quy trình để xin một mỏ cát từ quy hoạch đến khai thác mất ít nhất hai năm và trải qua rất nhiều khâu thẩm định từ các sở, ban ngành. Nhưng chỉ với cái tên “dự án nạo vét”, DN có thể đưa nhiều máy móc vào khai thác hàng ngàn khối cát mỗi ngày và đưa đến các trạm trộn bê tông, công trình xây dựng để bán. Trong vai người mua cát, PV nhận được báo giá khoảng 120.000 đồng/m3.
Để có câu trả lời từ phía chính quyền địa phương, PV đã liên hệ ông Phan Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên và được biết “đã có nhiều người về tìm hiểu dự án rồi. PV muốn có thông tin cụ thể, phải đăng ký làm việc theo đúng quy định, sau đó huyện sẽ sắp xếp”.