'Bật tivi tìm ký ức': Xúc động về những ngày đầu làm truyền hình
Trong chương trình Quán Thanh xuân tháng 8 với chủ đề 'Bật tivi tìm ký ức' những nhà báo, nhà quay phim, phát thanh viên đã cùng nhau chia sẻ về thời khắc làm chương trình truyền hình đầu tiên và những năm sau đó.
Những người làm chương trình truyền hình đầu tiên cùng nhau kể ký ức về một thời đã qua
Mặc dù hoàn cảnh hết sức khó khăn, thiếu thốn thế nhưng chương trình vẫn được lên sóng trong sự đón nhận hồ hởi của khán giả.
Là một trong những quay phim đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam, nhà báo, nhà quay phim Nguyễn Văn Vinh đến với chương trình và được chứng kiến những thiết bị đã gắn bó với mình cách đây 50 năm, ông đã rất xúc động. Ông bảo, chiếc camera được đặt trong chương trình là camera Ba Lan thế hệ thứ 2, còn buổi truyền hình phát sóng đầu tiên dùng camera Ngựa Trời do chúng ta tự lắp ráp và có vai trò lịch sử trong mấy giờ đồng hồ của buổi tối ngày 7/9/1970. Đó là buổi phát sóng đầu tiên đánh dấu sự ra đời của truyền hình ở miền Bắc Việt Nam. Buổi phát sóng chỉ khoảng 2 giờ, là ngày khai sinh ra Đài Truyền hình Việt Nam sau này.
“Sau khi cammera Ngựa Trời hết nhiệm vụ Chính phủ đã chi 400.000 rúp nhập xe truyền hình lưu động của Ba lan, trong đó có đến 4 camera. Đó là những thiết bị hết sức tối tân, tất cả chúng tôi đều rất ngạc nhiên. Đó có thể coi là sự thay đổi lớn, bước ngoặt, quyết định nhất cho truyền hình của chúng ta. Tôi nhớ Đại hội Đảng lần thứ 4- năm 1976, vẫn sử dụng máy này. Bản thân tôi đã đứng quay máy quay này và hiện còn lưu lại bức ảnh chụp khoảnh khắc ấy. Lúc ấy trông rất huy hoàng, mọi người rất nể. Cái máy quay to như chiếc tủ lạnh. Lúc đó ra ngoài tường thuật, quay, ghi hình thì tất cả mọi người, từ trẻ xem đến người già đều xúm lấy xem cái máy này”, nhà báo Nguyễn Văn Vinh chia sẻ.
Nhà quay phim kỳ cựu cho biết thêm, chúng ta không có thiết bị ghi hình, hoàn toàn là trực tiếp trong quãng thời gian 6 năm. Có những vở kịch rất dài như “Đôi mắt” rất ấn tượng từ cú trượt máy đến cảnh nào đến ai, ở vị trí nào đều đúng như vậy. Sau đó là các chương trình Thời sự rồi Văn nghệ thiếu nhi, ca nhạc, kịch….
Là nữ quay phim đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam, nhà báo, nhà quay phim Thùy Vân cho biết, bản thân bà ngoài công việc của một quay phim thì đạo diễn còn phân công việc mở ảnh. Rất nhiều quay phim khác làm nghề khác, như anh Cao Xuân Điệp làm nghề ánh sáng. Kỷ niệm mà bà nhớ nhất là có hôm do cuống quá nên đã đánh rơi cả ảnh.
Nhà quay phim Thùy Vân cho biết, mỗi khi chuyển hình thì quay phim lại phải lấy tay đậy vào ống kính và đồng thời cũng giữ chặt ống kính để không bị rơi khi đang quay. Sau đó chúng mình được sắm máy của Ba Lan thì tôi đứng quản lý máy Zoom, với lợi thế là chỉ việc ngồi điều khiển ống kính chứ không phải chạy. Một hôm Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm và ngạc nhiên khi thấy có nữ quay phim? Tôi bảo với bác là: “Chúng cháu sử dụng máy to, mất nhiều sức lực nên đói lắm. Vậy là ngay mấy tuần sau chúng tôi được ăn tiêu chuẩn của thợ lò. Bà cũng cho biết, trong ekip quay phim thì mình bà là nữ giới nên mọi người đặt biệt danh là cậu Vân. Các bạn của bà đều là cậu, nên gọi cậu Vân cho cùng một đội.
Nhà báo, nhà quay phim Nguyễn Văn Vinh chia sẻ bên chiếc máy quay Ba Lan, máy quay thế hệ 2 của Đài Truyền hình Việt Nam
Cũng là một trong những quay phim đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam, nhà báo, nhà quay phim Trần Ngọc Hiếu cho biết, thời của tôi lạc hậu lắm, anh em tứ xứ về vừa làm vừa học, mỗi người học một kiểu. Nhưng vì mình có tinh thần yêu nghề, yêu cơ quan, yêu ngành truyền hình mà mình tiến bộ dần thêm. Năm 1975, ông đã được trang bị máy ghi hình băng cối thế nhưng hồi đó đã ghi được cả tiếng. 11 giờ trưa ngày 30/4/1975, khi mọi người đổ bộ ra đường, ông đã ngồi lên xe của đội quân nhạc hát vang bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Khi ấy, ngồi trên xe ông đã quay được nhiều hình ảnh rất quý về không khí hồ hởi của nhân dân đón chào ngày chiến thắng.
Nhắc đến ngày 30/4/1975, ngoài phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam thì cũng có cả những phát thanh viên của Đài truyền hình Việt Nam trong việc báo tin chiến thắng đến toàn thể nhân dân. Có mặt trong chương trình, phát thanh viên Hương Liên cho biết trước khi vào Đài bà là sinh viên Nhạc Viện Hà Nội và thi vào Đài vì ngưỡng mộ phát thanh viên Lan Hương. Bà bảo, nghề phát thanh viên phải có trí nhớ đặc biệt vì không thể cứ nhìn mãi vào văn bản mà không ngẩng mặt lên giao lưu cùng khán giả.
Nhắc đến những người làm truyền hình đầu tiên có lẽ không thể không nhắc đến nhà báo Trần Lâm, Tổng Giám đốc đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam. Thời điểm năm 1970, nhà báo Trần Lâm đã nghĩ ngay đến việc cử một đoàn sang Cu Ba học tập về truyền hình để mai này chiến thắng có thể vào tiếp quản máy móc, thiết bị làm truyền hình hiện đại ở Sài Gòn. Đó là một tầm nhìn xa của một trong những nhà quản lý truyền hình lỗi lạc của Việt Nam. Bởi khi ấy ở trong nước không ai được đào tạo bài bản về truyền hình. Cu Ba đã chân tình dốc hết kiến thức truyền đạt lại cho chúng ta, kể cả cung cấp sơ đồ điện tử của camera để về các kỹ thuật viên có thể tháo lắp. Và quả thực ngay ngày tiếp quản đầu tiên (ngày 1/5/1975) Đài Truyền hình giải phóng đã có chương trình lên sóng.
Có thể nói song song với cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam thì chúng ta có thêm cuộc cách mạng của truyền hình, đó đào tạo lớp người để có thể thực thi nền hòa bình đó trên sóng truyền hình. Nhà báo Trần Lâm với những nỗ lực và tầm nhìn của mình đã mang được truyền hình Việt Nam đến với mỗi người dân Việt Nam.