Bắt tội phạm ma túy là cuộc chiến cam go và khốc liệt không hồi kết
Lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy được thành lập trong bối cảnh tình hình tệ nạn và tội phạm ma túy diễn biến hết sức phức tạp, hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, vì lợi nhuận, do đó chúng không từ bất kỳ thủ đoạn nào, kể cả mua chuộc, đe dọa, trả thù, chống trả quyết liệt để trốn tránh pháp luật.
Xóa bỏ cây thuốc phiện, cuộc đổi thay vô cùng gian khó
Trước tình hình tái trồng cây có chứa chất ma túy ngày càng tăng, với trách nhiệm được giao, lực lượng Công an phối kết hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Ủy ban nhân dân các tỉnh đưa công tác xóa cây thuốc phiện vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh để chỉ đạo các Sở, ban, ngành thực hiện gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; có nhiều quyết sách, giải quyết kiên quyết trong công tác vận động cấm tái trồng, chuyển đổi thay thế, xóa bỏ cây chứa các chất ma túy. Nhiều nơi, đồng bào tham gia tự giác, ở nhiều địa phương đã đưa công tác xóa bỏ và thay thế cây thuốc phiện vào Nghị quyết của cấp ủy và xây dựng chương trình hành động của chính quyền và các tổ chức đoàn thể, có mục tiêu, bước đi, cách làm bằng các kế hoạch, phương án thực hiện cụ thể.
Đây là việc làm vô cùng khó khăn, bởi nơi trong cây thuốc phiện chủ yếu vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người. Để thay đổi được tư duy cổ hủ ăn sâu, bám dễ bao đời của người dân vùng sâu, xa là điều hết sức gian truân. Ngoài việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho nhân dân địa phương thì lực lượng Công an, Biên phòng và chính quyền sở tại có nhiệm vụ rất quan trong trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật để người dân dần đổi thay.
Cùng với đó là việc phát triển kinh tế phải phù hợp, đem lại được cuộc sống ấm no hơn để người dân tin tưởng, làm theo. Cho đến nay, hành trình xóa bỏ cây thuốc phiện ở vùng sâu, xa đã đạt kết quả rẽ nét. Nhưng nương thuốc phiện đã thay thế bằng hoa màu, củ quả… Số người sử dụng thuốc phiện cũng đã giảm đi rất nhiều, thậm chí nhiều vùng đã không còn người nghiện thuốc phiện nữa.
Tuy nhiên, tình hình tệ nạn và tội phạm ma túy luôn diễn biến hết sức phức tạp, hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, vì lợi nhuận, do đó chúng không từ bất kỳ thủ đoạn nào, kể cả mua chuộc, đe dọa, trả thù, chống trả quyết liệt để trốn tránh pháp luật; bên cạnh đó sự thiếu thốn, khó khăn về mọi mặt luôn là thách thức lớn đối với lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát (khi chưa xóa bỏ các Tổng cục), lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chú trọng thúc đẩy công tác nghiệp vụ cơ bản, các biện pháp nghiệp vụ trinh sát, nắm tình hình, rà soát điều tra cơ bản tình hình hoạt động của tội phạm ma túy và người nghiện ma túy trên địa bàn cả nước; tập trung vào các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; ưu tiên đảm bảo phương tiện, công cụ hỗ trợ và kinh phí cho phòng, chống tội phạm ma túy.
Xây dựng kế hoạch đánh án chuyên sâu trên tuyến trọng điểm
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an đã phối hợp với Công an các địa phương xây dựng kế hoạch, tập trung lực lượng đấu tranh chống tội phạm ma túy chuyên sâu vào 6 tuyến và cụm địa bàn trọng điểm có nhiều phức tạp là: tuyến Hà Nội - Tây Bắc; tuyến Hà Nội - Nghệ An - Quảng Trị; tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - các tỉnh biên giới Tây Nam; cụm 12 tỉnh Bắc Bộ; cụm 6 tỉnh Đông Bắc, cụm miền Trung và Tây Nguyên và đồng thời triển khai phương án đấu tranh chống vận chuyển ma túy dọc tuyến biên giới Việt Nam - Lào.
Nhờ đó, công tác phòng, chống tội phạm ma túy từ 1997 đến 2005 đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chủ trì, phối hợp cùng lực lượng chức năng từ Bộ đến cơ sở phát hiện, bắt giữ 95.026 vụ; 163.335 đối tượng; thu giữ 1.169 kg heroin, 3.408 kg thuốc phiện; 9.404 kg cần sa; 757.731 viên ma túy tổng hợp; gần 13,2 triệu viên, ống thuốc tân dược gây nghiện; 51 khẩu súng; 370 ô tô, hơn 1.000 xe máy cùng tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Đi đôi với đấu tranh bóc gỡ các đường dây, Công an các địa phương, nhất là các thành phố, thị xã đã chú trọng xóa các tụ điểm phức tạp về tổ chức sử dụng và bán buôn, bán lẻ ma túy. Trong 5 năm 2001-2005, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã triệt xóa trên 3.200 điểm và tụ điểm buôn bán lẻ và tổ chức sử dụng ma túy phức tạp, trong đó đã triệt phá nhiều tụ điểm đặc biệt phức tạp, kéo dài nhiều năm như Thôm Mòn, Pa Háng, Cò Nòi, Loóng Sập (Sơn La), Na Ư (Điện Biên); Quan Hóa, Mường Lát (Thanh Hóa), Cống Vị, Thanh Nhàn, Tăng Bạt Hổ, Tân Triều, thị trấn Gia Lâm (Hà Nội), Đồng Đăng, Tân Thanh (Lạng Sơn), phường Cầu Kho, Phạm Ngũ Lão (TP. Hồ Chí Minh), Hồng Hà (Yên Bái), Quỳnh Hồng - Quỳnh Phụ (Thái Bình), xã Hưng Long và thị trấn Đô Lương (Nghệ An), Minh Đức và khu vực đường tàu (Hải Phòng).v.v…
Điển hình các vụ án, triệt phá đường dây mua bán ma túy do Nguyễn Văn Tám, Nguyễn Văn Quyết ở Điện Biên cầm đầu có liên quan đến 190 đối tượng, các đối tượng đã mua bán, vận chuyển 750 bánh heroin, 289kg thuốc phiện vào tháng 10/1998. Triệt phá đường dây mua bán ma túy do Nguyễn Đức Lượng ở Nghệ An cầm đầu, làm rõ các đối tượng trong đường dây đã buôn bán, vận chuyển 112 bánh heroin, 254 kg thuốc phiện, thu giữ vàng cùng nhiều tài sản giá trị hàng tỷ đồngvào tháng 9/1999.
Đặc biệt, đầu năm 2004, triệt xóa tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng ma túy đặc biệt phức tạp tại phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội do Cao Thị Lan cầm đầu. Tại tụ điểm này, hàng ngày có trên dưới 300 con nghiện đến mua ma túy từ 5 giờ sáng đến 21 giờ. Cơ quan điều tra đã khởi tố 75 đối tượng; đến cuối 2006 đã đưa truy tố 56 bị cáo, mở rộng giai đoạn 2 chuyên án đấu tranh, đã bắt 19 đối tượng, trong đó có một số cán bộ Công an.
Năm 2001, phá chuyên án do Hải (luận), Dũng (lừng), Hạnh (cầm) cầm đầu, chúng đã móc nối với các đối tượng đưa heroin từ Lào, Campuchia vào TP Hồ Chí Minh, các đối tượng buôn bán trót lọt trên 3.000 bánh heroin.
Đấu tranh, phá chuyên án 402M do Nguyễn Đức Minh (tức Minh sứt) cầm đầu; chuyên án 502T do Trần Văn Thanh (tức Thanh tứ) cầm đầu và chuyên án 034H do Nguyễn Minh Hoàng (tức Tòng Hoàng) cầm đầu.
Ba đường dây này đã buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, liên quan đến Lào, Campuchia, Singapore, Nhật Bản và nhiều tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh...
Kết thúc toàn bộ các vụ án trên, Cơ quan điều tra đã đưa ra xét xử 117 đối tượng, với trên 20 đối tượng bị án tử hình. Các đối tượng buôn bán trót lọt gần 1.000 bánh heroin và nhiều cần sa, ma túy tổng hợp; tài sản thu giữ trị giá gần 30 tỷ đồng.