Bắt trend đúng cách chứ đừng 'bắt pen' | Hà Nội tin mỗi chiều
Những ai dùng mạng xã hội video ngắn TikTok mấy ngày nay có lẽ không còn xa lạ với những clip trên top thịnh hành với từ khóa 'bắt pen'. Thế nhưng, nếu bạn đã từng bắt trend và có ý định sáng tạo nội dung theo từ khóa này thì hãy dừng lại.
"Bắt pen" - cái tên nghe rất giống thuật ngữ liên quan tới bóng đá nhưng thực ra lại là một trò chơi nguy hiểm chết người vừa được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đưa ra cảnh báo vào ngày 15/10. Đây là một trào lưu đang được lan truyền trên mạng xã hội TikTok trong vài ngày nay.
Trong nhiều clip được đăng tải, khi chơi trò này, một người sẽ ấn mạnh vào hai bên mạch máu cổ của người khác để tìm kiếm cảm giác lâng lâng hoặc phê pha giả tạo. Người bị "bắt pen" sẽ có tình trạng không tỉnh táo, thậm chí ngất xỉu, khiến người xung quanh phải lay, tát vào mặt để trở lại trạng thái bình thường. Tuy cảm giác thích thú chỉ diễn ra trong mấy giây nhưng hậu quả của nó là vô cùng nguy hiểm. Một số hậu quả của trào lưu "bắt pen" có thể kể đến như: thiếu máu não, ngưng tim, chấn thương mạch máu, thần kinh vùng cổ... Trong một số trường hợp nghiêm trọng, người chơi còn có thể bị tử vong.
Không chỉ trò "bắt pen" gây nguy hiểm tính mạng, trên nền tảng mạng xã hội TikTok còn có không ít trò chơi hay thử thách là xu hướng nhưng không hề an toàn; thậm chí đã có người tử vong khi tham gia thử thách. Theo đó, có ít nhất 7 trẻ em, tất cả đều ở độ tuổi dưới 15 đã thiệt mạng sau khi thực hiện theo một thử thách "blackout" (bất tỉnh) nguy hiểm được lan truyền trên nền tảng TikTo. Hay như thử thách "skull-breaker challenge" (thử thách đập hộp sọ) cũng nguy hiểm không kém - trò chơi này được cho rằng bắt nguồn từ Venezuela với cách chơi là mọi người cùng nhảy múa, đến đoạn giữa video một người sẽ giả vờ vấp ngã và đập đầu mình xuống đất. Thử thách tách lõi ngô bằng cách cắm ngô vào mũi khoan, đắp mặt nạ bằng sáp, giũa răng... được rất nhiều người tham gia nhưng theo các chuyên gia y tế chúng đều là những việc làm thực sự có hại mà mọi người nên tránh thì tốt hơn.
Chỉ vì mấy lượt bấm thích, vài người xem mà họ sẵn sàng làm những thứ rất phản cảm, vô thức, còn chưa kể rủi ro gây hại hoặc làm cản trở người khác - một vài bạn trẻ đã nói với PV như vậy khi họ chọn cách thanh lọc các nội dung trên mạng.
Thế nhưng, lý do để bắt trend có thể chưa dừng lại ở đó. Những clip được lan truyền liên tục trên mạng xã hội cho thấy, ngày càng nhiều TikToker trở nên giàu có, thậm chí rất giàu nhờ cái gọi là sáng tạo nội dung. Viễn cảnh cuộc sống lên đời xa hoa của các nhà sáng tạo nội dung càng như liều doping khiến cộng đồng mạng, đặc biệt là giới trẻ lao vào cuộc đua sáng tạo nội dung một cách bất chấp mọi chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục. Như thế để thấy, mạng xã hội đã thấm sâu, tác động tới xã hội, mọi ngành nghề lớn tới mức khó có thể đo đếm được.
Trên thực tế, bắt trend nếu xét ở những nội dung tích cực sẽ tạo nên hiệu ứng lan tỏa rất tốt. Mục đích sử dụng đầu tiên là tò mò, mục đích nữa là để chia sẻ về khoảnh khắc trong công việc, cuộc sống của mình. Nắm bắt xu hướng trên mạng xã hội là không sai nhưng có lẽ với nhiều người cần thực sự tỉnh táo để bảo vệ chính mình và cộng đồng.