Bắt vẹm xanh trên biển Kiên Lương
Vẹm xanh (còn gọi là con dẹo) từng bị coi là loại hải sản 'bỏ đi' nhưng hiện nay lại được nhiều ngư dân ven biển Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) tìm kiếm. Bởi vẹm xanh hiện rất có giá, thậm chí mang tới nguồn thu nhập khá cho nhiều ngư dân nơi đây.
Theo chân người bắt vẹm
Là loại giáp xác hai mảnh, vẹm xanh xuất hiện gần như dọc chiều dài ven biển các tỉnh phía Nam, đặc biệt là khu vực ven biển có nhiều vách núi đá, đảo ven bờ. Đó chính là nguyên nhân khiến cho vùng biển Kiên Lương được coi là “thủ phủ” của vẹm xanh.
Với hệ thống núi đá vôi ven biển cùng khoảng 40 hòn đảo lớn nhỏ, vẹm xanh gần như có ở khắp nơi tại vùng biển này. Tuy nhiên, trước kia ngư dân địa phương từng khá “thờ ơ” với loại hải sản này. “Ở đây người ta gọi là con dẹo, vì hình dáng con vẹm nó hơi dẹo đi. Vẹm thì nhiều lắm, chúng có gần như quanh năm nhưng từ sau tết tới mùa mưa là lúc béo nhất”, anh Nguyễn Văn Trí (còn gọi là Hai Trí), 39 tuổi, cho biết. Theo anh Hai Trí, trước đây ở khu chợ Ba Hòn hay Bình An, ngư dân thường bỏ đi chứ ít người ăn vẹm lắm, dù thịt chúng khá ngọt. Nguyên nhân bởi trong con vẹm có một nhúm sơ nhỏ rất dai, khi ăn phải lọc ra nên nhiều người không thích. Hiện nay vẹm bán được giá hơn nghêu nhiều vì khách du lịch, người dân thành phố thích ăn.
Ngồi cùng anh Hai Trí trên chiếc ghe vỏ lãi, chúng tôi chạy vòng sang bên kia của khu vực Hang Tiền (ở xã Bình An) để vớt vẹm. Ngoài vùng biển Kiên Lương, rất ít nơi mà ngư dân có thể sử dụng ghe vỏ lãi để di chuyển trên biển, dù là ven bờ. Bởi ghe vỏ lãi có chiều ngang hẹp, thường chỉ khoảng 1m, rất nguy hiểm khi sóng lớn, chỉ thích hợp vùng sông ngòi kênh rạch.
Tuy nhiên, khu vực này mùa sau tết nước êm, những người sông nước lãnh nghề vẫn có thể sử dụng vỏ lãi di chuyển trên biển. Bên phía này dãy núi Hang Tiền là những bán đảo, có vách đá dựng đứng. Nổi trên mặt nước là những thúng nhựa màu xanh lơ, nhìn xa khó thấy. Dưới thúng nhựa đó, anh Hai Trí đặt sẵn các dây thừng buộc nhiều cành, cây, lốp xe… những thứ bỏ đi trên bờ. Mỗi thứ đó vớt lên là chi chít những con vẹm xanh.
Anh bảo, giờ vớt vẹm cho tới đầu tháng 6 thì hết. Vẹm lấy xong lại thả tiếp những vật này xuống để lứa vẹm năm tới bám vào. Điều đặc biệt, chỉ những ngư dân am hiểu vùng biển Kiên Lương mới tới được khu vực này do ven bờ được bao bọc bởi những đỉnh núi, còn người lạ rất ít khi đặt chân tới.
Sinh kế cho người nghèo
Theo nhiều người ngư dân Kiên Lương, vẹm xanh ở đây có tự nhiên. Thường khoảng thời gian nửa cuối năm, vẹm con sinh sôi sẽ theo sóng biển từ ngoài khởi xa dạt vào vùng biển này. Lúc này, ngư dân sẽ sử dụng các loại cây, lốp xe, vỏ sò, vỏ ốc... thả xuống nước.
Đặc tính của vẹm là sẽ bám vào các vật cứng ven bờ để sinh trưởng. Tới sau tết, ngư dân chỉ việc vớt các vật đó lên là có thể bắt được vẹm. Càng để lâu, vẹm càng lớn và giá sẽ cao hơn.
Ngoài ra, vẹm cũng xuất hiện nhiều ở các vách đá tự nhiên ven bờ. Chúng tụ lại thành từng đám, có khi cả trăm con. Những nơi này, ngư dân thường đợi thủy triều xuống để lấy vẹm. Vì chúng bám rất chắc vào vách đá nên khi bắt vẹm, ngư dân cũng phải dùng những chiếc dao móc như khi khai thác hàu tự nhiên vậy.
Anh Hai Trí bảo ở Kiên Lương, ngư dân thả bất kỳ thứ gì xuống biển thì nửa năm sau cũng có vẹm xanh bám vào. Đó là nguyên nhân khiến cho vẹm là loại hải sản được nhiều người khai thác, thậm chí cả phụ nữ cũng có thể bắt được chúng.
Có cách bắt vẹm khá độc đáo là anh Trần Thắng, 35 tuổi, một ngư dân khác ở xã Bình An (huyện Kiên Lương). Anh Thắng là người sinh ra và lớn lên ở vùng biển này. Người tuy nhỏ nhưng có biệt tài lặn dưới nước rất lâu. Nhờ biệt tài này mà anh Thắng thường có cách săn bắt hải sản không giống ai nhưng cũng rất hiệu quả.
“Dân ở đây thường đi lặn hải sâm, lặn cua đá, lặn cá mao ếch chứ không ai đi lặn vẹm cả. Vì giá của chúng rẻ, và lại có nhiều nữa. Thế nhưng tôi ngày nào cũng lặn vẹm. Vẹm ở ngoài hòn Đá Lớn, hòn Rễ, hòn Phụ Tử… rất nhiều. Những con vẹm bám vào đồ ngư dân thả xuống là loại nhỏ. Vẹm bám vào vách đá mới lớn, mà thịt còn ngon nữa. Con nào cũng đỏ như sò huyết, tôi bán giá 20.000 đồng thương lái ngoài thị trấn cũng chịu luôn”, anh Thắng kể.
Theo người ngư dân này, nhiều đám vẹm nằm sâu trong vách đá, thủy triều có rút đi thì chúng vẫn ẩn trong nước nên rất ít người biết. Và cách duy nhất để bắt chúng là lặn xuống và lấy loại dao móc để cạy chúng lên. Đây là công việc vất vả, thậm chí có phần nguy hiểm với nhiều người do khu vực vách đá ven bờ thường có sóng ngầm, sóng dựng rất mạnh.
Tuy nhiên, với những ngư dân lành nghề như anh Thắng, công việc này được thực hiện khá dễ dàng. Anh bảo, lặn vẹm thời gian này rất thích vì trời nắng nên dễ quan sát. Có ngày anh lặn được tới 30kg vẹm xanh, bán được nửa triệu đồng. Đây là số tiền khá lớn với những ngư dân như anh.
Theo một chủ thua mua vẹm xanh của ngư dân ở thị trấn Ba Hòn (huyện Kiên Lương) mỗi ngày bà mua khoảng hơn 400 kg vẹm của ngư dân trong vùng. Ngoài ngư dân ở vùng Kiên Lương, một số ngư dân ở dưới Hà Tiên có vẹm cũng mang lên thị trấn này để bán. Sau đó, các chủ vựa thường gửi vẹm về những đô thị lớn trong vùng như Rạch Giá, Cần Thơ hay TPHCM bằng các chuyến xe khách bởi thời gian di chuyển chỉ khoảng 5 - 6 giờ đồng hồ.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bat-vem-xanh-tren-bien-kien-luong-10277016.html