Đưa cơm cháy 'đi xa'
Với hương vị thơm ngon, giòn rụm, cơm cháy đã dần trở thành món ăn đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, phương pháp sản xuất truyền thống không còn phù hợp vì năng suất thấp, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất cơm cháy đã sử dụng dây chuyền sản xuất hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm. Cơ sở sản xuất cơm cháy chà bông Hưng Thịnh ở phường An Lộc, thị xã Bình Long là một điển hình.
Cơ sở sản xuất cơm cháy chà bông Hưng Thịnh đã và đang cung cấp sản phẩm cơm cháy chà bông khắp các tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Cơ sở hoạt động được gần 5 năm, trung bình mỗi ngày tiêu thụ hơn 1 tấn gạo để làm cơm cháy chà bông. Đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, gồm máy nấu cơm, máy sấy đối lưu, nồi chiên điện, máy nấu nước sốt… để sản xuất cơm cháy, nên sản phẩm của cơ sở luôn đảm bảo chất lượng ATVSTP.
Trong quy trình sản xuất cơm cháy thì máy nấu cơm tự động vừa giúp rút ngắn thời gian vừa nấu được số lượng lớn. Với 6 máy nấu cơm, mỗi máy nấu gần 100kg gạo/lần trong 70 phút là có mẻ cơm thơm ngon, dẻo. Với quy trình nấu tự động, cơm đảm bảo chín đều, chất lượng. “Máy nấu cơm sẽ cho cơm ngon, xốp hơn. Công nhân chỉ cần bỏ các khay gạo đã được vo sạch với mực nước quy định vào máy và cài đặt thời gian nấu. Trong quy trình nấu cơm, máy móc hỗ trợ rất nhiều, khâu sản xuất nhẹ, ít tốn thời gian và đặc biệt chất lượng cao hơn” - chị Văn Kim Phượng, quản lý cơ sở sản xuất cơm cháy Hưng Thịnh cho biết.
Sau khi cơm chín, để nguội thì đưa vào máy sấy đối lưu để làm khô. Với máy này, công nhân chỉ cần điều chỉnh thời gian, nhiệt độ như mong muốn sẽ cho ra thành phẩm cơm khô. Đây là quy trình giúp cơm khô nhanh, đảm bảo ATVSTP. Đối với cách làm truyền thống, việc phơi cơm phải phụ thuộc vào thời tiết, mất nhiều thời gian, tốn nhân công thì máy sấy đối lưu tối ưu được các điều kiện. Đặc biệt, chất lượng sản phẩm khô đồng đều và bảo quản được lâu. Cơ sở có 2 máy sấy đối lưu, công suất 1.500kg/lần, trong khoảng thời gian từ 8-16 tiếng đồng hồ, sấy ở nhiệt độ từ 46-48OC tùy cài đặt ban đầu.
Là người quản lý các công đoạn ở khu vực máy sấy đối lưu, anh Nguyễn Quốc Khánh chia sẻ: “Để bảo đảm cơm khô đều thì sau khi sấy 8 tiếng đồng hồ có thể trở các khay từ trên xuống dưới và đảo từ trong ra ngoài để đạt chất lượng như mong muốn. Trong quy trình chế biến, máy móc tối ưu hóa mọi thứ, giúp giảm nhân công và đảm bảo an toàn lao động, chất lượng sản phẩm”.
Ngoài ra, với nồi chiên điện, công nhân không phải lo canh lửa mà chỉ cần theo dõi nhiệt độ sôi của dầu là có thể chiên và vớt khi đạt độ giòn. Để tạo nên hương vị đặc trưng của cơm cháy chà bông, cơ sở sản xuất cơm cháy Hưng Thịnh cũng rất chú trọng khâu chiên cơm và làm nước sốt... Nước sốt là yếu tố quyết định độ thơm ngon của sản phẩm, đây cũng là khâu quan trọng nhất của quy trình sản xuất.
Quy trình hoạt động của cơ sở phụ thuộc rất nhiều vào các loại máy móc hiện đại, máy móc chiếm hơn 70% sức lao động của con người. Thời gian tới, chúng tôi rất mong các cấp, ngành tạo điều kiện để cơ sở tiếp cận các nguồn vốn nhằm trang bị thêm máy móc mới, mở rộng sản xuất và hoàn thiện quy trình xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP, từ đó lan tỏa thương hiệu cơm cháy đến khắp các tỉnh, thành trong cả nước và tiến tới xuất khẩu chính ngạch.
Chủ cơ sở sản xuất cơm cháy Hưng Thịnh LÊ TUẤN DƯƠNG
Khi làm cơm cháy chà bông quy mô lớn thì việc sử dụng các loại máy móc hiện đại không chỉ giúp đáp ứng số lượng đơn hàng lớn, rút ngắn thời gian sản xuất, tiết kiệm chi phí mà sản phẩm còn đạt chất lượng cao hơn, tiến tới hoàn thiện quy trình đăng ký sản phẩm OCOP. Từ đó, giúp cơ sở xây dựng thương hiệu và có nhiều sản phẩm ngon, đẹp, chất lượng tốt cung cấp tới người tiêu dùng.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/28/165290/dua-com-chay-di-xa