BAT Việt Nam áp dụng giải pháp dựa vào thiên nhiên trong xây dựng nguồn cung nguyên liệu như thế nào?

Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) định nghĩa giải pháp dựa vào thiên nhiên (NbS) là 'các hành động bảo vệ, quản lý bền vững và phục hồi những hệ sinh thái tự nhiên hoặc đã bị tác động, giải quyết những thách thức xã hội một cách hiệu quả và có tính thích ứng, đồng thời tạo ra các lợi ích cho cuộc sống và hệ sinh thái'.

Một số vấn đề về môi trường và xã hội mà các giải pháp dựa vào thiên nhiên hướng đến bao gồm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước và an ninh lương thực cũng như giảm thiểu rủi ro thiên tai. Hội nghị Thượng đỉnh về hành động vì khí hậu của Liên hợp quốc năm 2019 nhấn mạnh, các giải pháp dựa vào thiên nhiên là một phương pháp hiệu quả để chống lại biến đổi khí hậu.

Ngày nay, nhiều doanh nghiệp cũng đang tích cực áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giảm thiểu các tác động của doanh nghiệp đến môi trường, thúc đẩy sự hồi phục và bảo vệ cho thiên nhiên, cũng như tạo ra các giá trị xã hội tích cực, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Xây dựng nguồn cung nguyên liệu bền vững

Là một doanh nghiệp cam kết mạnh mẽ trong phát triển bền vững tại Việt Nam, BAT Việt Nam luôn chú trọng đến việc bảo đảm tính cân bằng giữa phát triển kinh doanh và các yếu tố môi trường, xã hội, đặc biệt là tính bền vững trong hoạt động canh tác trong chuỗi cung ứng khi lĩnh vực sản xuất - kinh doanh của BAT Việt Nam liên quan mật thiết đến vùng trồng nguyên liệu.

Đầu tiên, BAT Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ cùng nhà cung cấp và người nông dân trong chuỗi cung ứng thực hiện quản lý môi trường trong các hoạt động trồng, thu hoạch và xử lý nguyên liệu thông qua nhiều sáng kiến thực tiễn, tập trung vào quản lý tài nguyên đất và nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Cụ thể, để quản lý tài nguyên đất trong hoạt động canh tác, BAT Việt Nam thực hiện lấy mẫu đất để phân tích, từ đó xây dựng chế độ phân bón phù hợp nhằm hạn chế thất thoát phân bón vào môi trường, triển khai việc bón vôi để cải thiện độ chua (PH) của đất nhằm tăng hiệu quả sử dụng phân bón của cây.

Đối với việc quản lý nguồn nước, BAT Việt Nam đã nghiên cứu và thử nghiệm hệ thống tưới nhỏ giọt từ năm 2021 nhằm mục đích tiết kiệm nước, hạn chế rửa trôi, thất thoát nước tưới. Đến nay, hệ thống tưới nhỏ giọt đã được áp dụng trên 1.748ha (chiếm gần 90% diện tích có sử dụng phương pháp tưới), góp phần tiết kiệm khoảng 1.200m3 nước trên mỗi hécta - tương đương khoảng 25% lượng nước tưới so với phương pháp tưới rãnh truyền thống. Doanh nghiệp đặt mục tiêu năm 2025 sẽ đạt 100% diện tích có sử dụng phương pháp tưới sẽ áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt.

Trong hoạt động trồng nguyên liệu, BAT Việt Nam cũng thực hiện nhiều giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ cùng các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng nguyên liệu thực hiện truy xuất nguồn nhiên liệu sấy bền vững. Đồng thời triển khai hệ thống lò sấy bán tự động từ năm 2021 và đến nay đã đạt 150 lò sấy, giúp tiết kiệm khoảng 33% nhiên liệu sấy so với lò sấy thủ công truyền thống.

Ngoài ra trong năm nay, BAT Việt Nam còn thử nghiệm lò sấy điện, khởi đầu với 3 lò sấy sử dụng 100% điện, không sử dụng nhiên liệu củi, góp phần giảm phát thải CO2 thuộc phạm vi 3, cũng như giảm thiểu các rủi ro liên quan đến phá rừng.

BAT triển khai lò sấy điện giúp giảm phát thải CO2 thuộc phạm vi 3, cũng như giảm thiểu các rủi ro liên quan đến phá rừng.

BAT triển khai lò sấy điện giúp giảm phát thải CO2 thuộc phạm vi 3, cũng như giảm thiểu các rủi ro liên quan đến phá rừng.

Bên cạnh những nỗ lực trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, BAT Việt Nam còn thúc đẩy bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Cụ thể, doanh nghiệp bảo đảm tuân thủ bộ tiêu chuẩn vận hành đa dạng sinh học mới của Tập đoàn BAT, trong đó quy định và hướng dẫn liên quan đến các nội dung như phòng, chống phá rừng, chuyển đổi hệ sinh thái tự nhiên, tác động tích cực ròng lên rừng, truy xuất nguồn nhiên liệu sấy và nhiên liệu sấy bền vững, kế hoạch quản lý đa dạng sinh học.

Đồng thời, BAT Việt Nam còn phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia thực hiện dự án trồng rừng thông qua khoanh nuôi 120ha rừng ngập mặn tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và dự kiến sẽ đón chào gần 450.000 cây mắm trong năm 2030, và phủ xanh 4ha rừng với 2.000 cây xanh tại Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai. Hoạt động này góp phần giảm phát thải khí nhà kính, chống xói mòn, tăng cường đa dạng sinh học… và mang lại các lợi ích thiết thực khác cho cộng đồng địa phương. Đây cũng là nỗ lực của BAT Việt Nam trong việc hiện thực hóa cam kết trung hòa carbon vào năm 2030 và phi phát thải vào năm 2050 của Tập đoàn BAT.

Nhân viên BAT dựng hàng rào và khoanh nuôi các cây mắm trắng.

Nhân viên BAT dựng hàng rào và khoanh nuôi các cây mắm trắng.

Nỗ lực tạo ra giá trị xã hội tích cực

Những giải pháp dựa vào thiên nhiên của BAT Việt Nam còn tạo ra các giá trị xã hội tích cực thông qua cải thiện thu nhập và bảo đảm an toàn của người nông dân trong chuỗi cung ứng.

Để cải thiện thu nhập của người nông dân, BAT Việt Nam đã thực hiện dự án Chín Ngọn, tập trung vào việc sản xuất các cấp lá đúng chín, chất lượng cao thông qua việc áp dụng các tác động về mặt kỹ thuật cũng như chăm bón. Người nông dân tham gia dự án này sẽ bán được sản phẩm với giá cao hơn 10% trên 1kg, thông qua đó giúp bà con tăng thêm thu nhập. Dự án được thử nghiệm vào năm 2022 góp phần tăng thêm thu nhập cho hơn 120 người dân tại Đắk Lắk và Gia Lai.

BAT Việt Nam đã thực hiện dự án Chín Ngọn, tập trung vào việc sản xuất các cấp lá đúng chín, chất lượng cao.

BAT Việt Nam đã thực hiện dự án Chín Ngọn, tập trung vào việc sản xuất các cấp lá đúng chín, chất lượng cao.

BAT Việt Nam cũng nghiêm ngặt tuân thủ không sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức trong hoạt động canh tác thuộc chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người nông dân khi tất cả nông dân trong chuỗi cung ứng được cung cấp và được yêu cầu mang bảo hộ lao động trong quá trình phun thuốc bảo vệ thực vật và thu hoạch lá thuốc.

BAT Việt Nam luôn tin rằng, các giá trị tích cực mà doanh nghiệp cam kết và nỗ lực thực hiện cho môi trường và xã hội sẽ là động lực tăng trưởng bền vững cho hoạt động kinh doanh của BAT Việt Nam nói riêng và góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam nói chung.

Có rất nhiều yếu tố dẫn đến sự thành công cho việc xây dựng nguồn cung nguyên liệu bền vững. Trong đó, sẽ bao gồm các yếu tố như: Doanh nghiệp cần đặt ra mục tiêu cụ thể, sẵn sàng nghiên cứu tìm tòi và đầu tư vào xây dựng chiến lược, chính sách… cũng như thúc đẩy công tác triển khai trong dài hạn và bảo đảm công tác quản trị hiệu quả.

“Bên cạnh đó, chúng tôi luôn tin rằng sự thành công của việc thúc đẩy các hoạt động phát triển bền vững, mà cụ thể ở đây là xây dựng nguồn cung nguyên liệu bền vững, cần xuất phát từ sự quyết tâm và tinh thần cam kết mạnh mẽ của doanh nghiệp. Từ đó, tất cả sự đầu tư và nỗ lực đều được cam kết thực hiện trong dài hạn, hướng đến tạo ra tác động tích cực lâu dài và đủ tầm ảnh hưởng”, bà Đỗ Hoàng Anh, Giám đốc Đối ngoại vùng Đông Á của BAT chia sẻ.

Huyền Trang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bat-viet-nam-ap-dung-giai-phap-dua-vao-thien-nhien-trong-xay-dung-nguon-cung-nguyen-lieu-nhu-the-nao-675324.html