Bát Xát bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Huyện Bát Xát có 23 nhóm ngành dân tộc, sở hữu kho tàng văn hóa, nghệ thuật lớn, với nhiều di sản văn hóa phi vật thể, như: Nghi lễ cấp sắc của người Dao; Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy; Lễ hội Khô Già Già của người Hà Nhì đen; Nghệ thuật múa khèn của người Mông; Lễ Khoi Kìm của người Dao; Lễ Gạ Ma Do của người Hà Nhì; Nghi lễ Then của người Giáy; Lễ hội Pút Tồng của người Dao đỏ; Tri thức dân gian trong canh tác ruộng bậc thang của người Hà Nhì...
Ngoài ra, đồng bào các dân tộc huyện Bát Xát còn bảo tồn, trao truyền và phát triển các nghề thủ công truyền thống độc đáo, như đan lát tre, mây, nứa, vầu; ủ bia của người Hà Nhì, chạm khắc bạc, nấu rượu của người Dao; may thêu, dệt vải, rèn nông cụ của người Mông, Dao…
Ông Phạm Văn Tâm, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bát Xát cho biết: Để văn hóa các dân tộc ngày càng đậm đà bản sắc, các cấp, ngành chức năng của huyện đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu gìn giữ, phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa.
Huyện Bát Xát đã triển khai Đề án 05 về “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bát Xát giai đoạn 2020 - 2025”; phối hợp với các sở, ngành đẩy nhanh công tác quy hoạch, trọng tâm là khu vực Y Tý; rà soát thống kê, quản lý các tài nguyên du lịch; xây dựng Đề án phát triển du lịch Y Tý đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thành lập Ban Chỉ đạo du lịch cấp huyện, Tổ quản lý du lịch Y Tý - Mường Hum và xây dựng Đề án thành lập Ban Quản lý Di tích và phát triển du lịch cấp huyện. Đồng thời, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch trên các kênh truyền thông, qua các sự kiện, hội nghị; bước đầu hình thành và gắn kết chuỗi sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương, làng nghề truyền thống với các hoạt động du lịch…
Đến nay, huyện Bát Xát có 2 di tích được công nhận cấp quốc gia và 7 di tích cấp tỉnh. Thời gian tới, huyện Bát Xát tập trung nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tạo thuận lợi để đội ngũ nghệ nhân ở địa phương sáng tạo, trao truyền nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ và tham gia các hoạt động quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống, góp phần thúc đẩy du lịch địa phương phát triển theo phương châm “biến di sản thành tài sản”.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bat-xat-bao-ton-phat-huy-ban-sac-van-hoa-dan-toc-post396190.html