Lễ cúng rừng của người Mông xã Nà Hẩu là Di sản quốc gia

Lễ cúng rừng của người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái vừa được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo tin từ Sở VHTT&DL tỉnh Yên Bái, Lễ cúng rừng của người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên năm 2025 dự kiến được tổ chức và công bố quyết định Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 26 - 27/2.

Sự kiện diễn ra với nhiều hoạt động phong phú: Thực hiện nghi lễ cúng rừng; hội thể giữ rừng và ăn tết rừng; phiên chợ quê người Mông…

Lễ cúng rừng, hay còn gọi là "Tết rừng” được tổ chức thường niên vào dịp đầu xuân. Đây là một nghi lễ truyền thống lớn nhất và có ý nghĩa quan trọng nhất trong năm đối với đồng bào Mông ở xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

 Thầy mo thực hiện nghi lễ cúng tế thần rừng. Ảnh: H.Khang

Thầy mo thực hiện nghi lễ cúng tế thần rừng. Ảnh: H.Khang

Theo quan niệm của người Mông, những cánh rừng xanh, rừng cấm, rừng thiêng gần bản là nơi chở che dân bản tránh gió, tránh lũ ống, lũ quét, cho dân bản sản vật để ăn, nguồn nước để uống và tưới tiêu cho đồng ruộng. Giữ cánh rừng luôn tươi tốt cũng chính là giữ cho dân bản luôn bình an, no ấm.

Lễ hội Tết rừng Nà Hẩu được xây dựng dựa trên ý nghĩa lịch sử truyền thống và tập tục lâu đời của dân tộc Mông, với ý niệm cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống người dân no ấm hạnh phúc.

Hàng năm cứ vào dịp cuối tháng Giêng và 3 ngày đầu của tháng Hai âm lịch, lễ hội Tết rừng Nà Hẩu lại được tổ chức. Bà con các bản, làng trong xã Nà Hẩu lại tụ họp về khu rừng cấm, rừng thiêng của thôn để cùng tổ chức Lễ cúng thần rừng.

Lễ hội Tết rừng Nà Hẩu diễn ra gồm có phần lễ và phần hội. Lễ hội mở đầu bằng phần rước lễ vật lên khu rừng cấm. Những nghi thức độc đáo, trang nghiêm của buổi lễ được diễn ra ở cửa rừng, nơi có nhiều cây cổ thụ lớn.

Trên bàn thờ bằng đá, được đặt dưới gốc cây lớn nhất là lễ vật để dâng cúng thần rừng gồm: một con gà trống lông trắng, một con gà mái lông đen, một con lợn đen do 6 thanh niên người Mông chưa lập gia đình rước từ trung tâm xã đến cửa rừng, rượu, hương, giấy bản…

Thầy mo hành lễ đốt 48 nén hương, rót rượu, xôi bày tại 4 góc ban thờ, sau đó thổi một hồi tù và, đánh một hồi mõ để bắt đầu làm lễ. Phần lễ được chia làm hai phần cúng lễ sống và lễ chín; thầy mo khấn cầu mưa thuận gió hòa, nhân dân phát triển kinh tế, bảo vệ rừng, không phá hay khai thác rừng.

Thực hiện xong nghi lễ cúng tế thần rừng, người dân các thôn, bản tập trung dưới khu rừng thiêng của thôn để mổ lợn liên hoan. Sau lễ hội là phong tục cấm rừng trong ba ngày.

Trong ba ngày này, mọi người phải tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ đã được quy định theo luật tục: không đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng…

Cùng với phần lễ, người dân trên địa bàn xã Nà Hẩu và các xã lân cận đã hòa mình trong không khí vui tươi với các tiết mục văn nghệ và hoạt động thể thao mang đậm bản sắc dân tộc như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ...

Tín ngưỡng thờ thần rừng của đồng bào Mông xã Nà Hẩu được truyền qua nhiều thế hệ. Lễ hội này không chỉ là nghi lễ có ý nghĩa tâm linh mà còn góp phần thiết thực vào công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/le-cung-rung-cua-nguoi-mong-xa-na-hau-la-di-san-quoc-gia-post330877.html