Bát Xát dành 30.000 m2 đất thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp trong các trường học

Đây là giải pháp quan trọng của huyện Bát Xát nhằm đáp ứng nhu cầu về rau xanh cho bữa ăn của học sinh bán trú trong bối cảnh học sinh một số xã vùng cao đã đạt chuẩn nông thôn mới không còn được hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước.

Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bát Xát, năm học 2021 -2022, huyện Bát Xát tiếp tục triển khai thực hiện mô hình trường học gắn với thực tiễn, trong đó nét nổi bật là tổ chức rà soát quỹ đất để phục vụ cho việc thực hiện mô hình đảm bảo mỗi trường học đều có vườn rau xanh. Tổng số quỹ đất thực hiện mô hình là 30.000 m2. Qua rà soát, một số trường học cần mở rộng thêm diện tích trồng rau tập trung ở các xã: Quang Kim, Cốc Mỳ, Bản Vược, A Mú Sung, Nậm Pung, Sàng Ma Sáo, Pa Cheo, Mường Vi,… với tổng diện tích hơn 8.000 m2.

Để thực hiện mô hình, UBND huyện Bát Xát đã ban hành kế hoạch tập huấn và thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp trong các trường học của huyện năm 2021. Trong thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chủ trì chỉ đạo các trường học xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp để tạo nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho học sinh; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp trong các trường học và kế hoạch tập huấn về sản xuất cho giáo viên, học sinh; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện biên soạn tài liệu, cử cán bộ tập huấn kỹ thuật trồng rau, cung cấp một phần giống rau để các trường học thực hiện mô hình.

UBND huyện Bát Xát cũng chỉ đạo UBND các xã, thị trấn có trách nhiệm bố trí quỹ đất gần trường học để giáo viên và học sinh tham gia sản xuất nông nghiệp cung cấp rau, củ, quả cho trường học và xây dựng các mô hình thực nghiệm sản xuất nông nghiệp phục vụ việc thực hành của học sinh.

Những vườn rau, vườn hoa trong trường học làm đẹp cảnh quan và tạo ra môi trường học tập tốt cho học sinh.

Những vườn rau, vườn hoa trong trường học làm đẹp cảnh quan và tạo ra môi trường học tập tốt cho học sinh.

Hiện nay, huyện Bát Xát có 36 trường học đăng ký thực hiện mô hình, chủ yếu là trường học có học sinh bán trú. Tổng kinh phí thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp trong các trường học gần 100 triệu đồng trích từ ngân sách huyện.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/345897-bat-xat-danh-30000-m2-dat-thuc-hien-mo-hinh-san-xuat-nong-nghiep-trong-cac-truong-hoc