Bát Xát: Ðưa cá nước lạnh thành sản phẩm chủ lực

Hơn 10 năm kể từ khi hình thành tại một số xã vùng cao của huyện Bát Xát, nghề nuôi cá nước lạnh đã phát triển khá mạnh và đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Huyện Bát Xát đang định hướng phát triển cá nước lạnh thành sản phẩm chủ lực trong phát triển kinh tế.

Năm 2015, xã Nậm Pung bắt đầu có cơ sở nuôi cá hồi, cá tầm. Đến nay, xã có 7 cơ sở nuôi với 76 bể cá, hơn 4.500 m2 mặt nước nuôi. Anh Hoàng Mạnh Tiến, kỹ sư thủy sản có nhiều kinh nghiệm nuôi cá tại xã Nậm Pung cho biết: Nuôi cá nước lạnh ban đầu rất khó nhưng khi có kinh nghiệm thì việc nuôi sẽ thuận lợi hơn. Điều quan trọng nhất để nuôi được cá là phải có nguồn nước sạch.

Mô hình nuôi cá nước lạnh ở xã Phìn Ngan (Bát Xát).

Mô hình nuôi cá nước lạnh ở xã Phìn Ngan (Bát Xát).

Tại trại nuôi cá nơi anh Tiến làm việc có 24 bể nuôi, bình quân mỗi năm thả nuôi hơn 30.000 con cá giống, mỗi bể nuôi từ 1.000 đến 1.200 con. Vụ nuôi kéo dài khoảng 8 tháng, mỗi năm cơ sở xuất ra thị trường hơn 35 tấn cá, giá bán bình quân từ 270.000 đến 300.000 đồng/kg. “Có thời điểm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cá hồi thương phẩm chỉ còn 140.000 đồng/kg nhưng người nuôi vẫn có lãi” - anh Tiến cho biết.

Tại xã Phìn Ngan, năm 2016, một thanh niên tên là Vàng Láo Sử đã mạnh dạn đưa cá hồi về nuôi thử tại thôn Láo Vàng. Cuối năm 2017, Vàng Láo Sử thu lứa đầu tiên với 1,2 tấn cá hồi, thu lãi gần 100 triệu đồng. Cách làm của Vàng Láo Sử là đào bể đất rồi trải bạt để nuôi, từ đó giảm được vốn đầu tư ban đầu so với xây bể bê tông. Từ thành công của Vàng Láo Sử, năm 2018 tại thôn Láo Vàng đã có thêm 4 hộ nuôi cá hồi và đều thành công.

Ông Vàng Láo Lở, Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan cho biết: Đến tháng 7/2020, tại thôn Láo Vàng đã có 8 trại nuôi cá hồi với khoảng 20 hộ chung nhau đầu tư bể nuôi theo mô hình của Vàng Láo Sử. Các trại nuôi có 35 bể, 1.864 m2 mặt nước nuôi, bể nuôi của các hộ ở Phìn Ngan chủ yếu là bể đất trải bạt. Qua đánh giá của xã thì việc nuôi cá nước lạnh những năm gần đây phát triển mạnh và đem lại hiệu quả.

Tính đến đầu tháng 8/2020, huyện Bát Xát có 41 cơ sở nuôi cá nước lạnh tại các xã Y Tý, Dền Sáng, Nậm Pung, Phìn Ngan, Pa Cheo, trong đó phát triển mạnh nhất là xã Dền Sáng - địa phương đầu tiên của huyện nuôi thử nghiệm cá nước lạnh (năm 2010). Đến nay, Dền Sáng đã có 19 cơ sở nuôi cá nước lạnh, với 154 bể nuôi, 15.464 m2 mặt nước nuôi.

Trao đổi với phóng viên, ông Sí Trung Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết: Những năm qua, nghề nuôi cá nước lạnh tại Bát Xát phát triển rất nhanh, mặc dù đây là nghề có nhiều rủi ro nhưng lại có thu nhập cao. Với việc phát triển mạnh nghề nuôi cá nước lạnh, huyện đang định hướng quy hoạch vùng nuôi để đảm bảo phát triển bền vững, đưa cá nước lạnh trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Huyện sẽ kêu gọi đầu tư chế biến sản phẩm từ cá nước lạnh, xây dựng sản phẩm OCOP từ cá nước lạnh. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 1 cơ sở sản xuất được sản phẩm như ruốc cá hồi, cá hồi hun khói… và 5 cơ sở đã đăng ký sản xuất sản phẩm cá nước lạnh theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo định hướng, huyện Bát Xát sẽ căn cứ nhu cầu đăng ký của các hộ tại các xã vùng cao, vùng có điều kiện phù hợp để nghiên cứu quy hoạch vùng nuôi hợp lý, giúp người dân mở rộng diện tích nuôi cá nước lạnh.

Đức Nguyễn

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/bat-xat-ua-ca-nuoc-lanh-thanh-san-pham-chu-luc-z3n20200909081623388.htm