Bầu cử Mỹ: Lập trường của hai ứng cử viên tổng thống sau màn hỏi đáp
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) trả lời các câu hỏi của cử tri tại thành phố Miami, bang Florida ngày 15/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Sáng 16/10 (giờ Việt Nam), tại các phiên hỏi - đáp phát trực tiếp trên truyền hình, hai ứng cử viên tổng thống năm 2020 đã đề cập tới các vấn đề nổi cộm trong đời sống xã hội và kinh tế của nước Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hoành hành.
Tổng thống đương nhiệm Donald Trump - đại diện Đảng Cộng hòa - và cựu Phó Tổng thống Joe Biden của Đảng Dân chủ cũng đề cập các bước đi tiếp theo sau khi cuộc bầu cử ngày 3/11 ngã ngũ.
Như thường lệ, tham gia sự kiện tại Bảo tàng Nghệ thuật Perez, bang Florida, Tổng thống Trump tiếp tục tích cực bảo vệ các quan điểm phòng chống dịch bệnh của chính quyền và của cá nhân ông. Ông cũng lên án chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, nhóm Antifa và những người theo cánh tả đang kích động biểu tình phá hoại tại nhiều thành phố.
Ông chủ Nhà Trắng cũng bảo vệ quyết định đề cử bà Amy Coney Barrett vào vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao và thúc đẩy thông qua đề cử này trước khi cuộc bầu cử diễn ra.
Nói về bước đi tiếp theo nếu những nỗ lực tái đắc cử sau ngày 3/11 không thành công, Tổng thống Trump cho biết sẽ chấp nhận chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh mong muốn một "cuộc bầu cử trung thực", đồng thời tiếp tục bày tỏ quan ngại về độ tin cậy của các lá phiếu bầu qua đường bưu điện.
Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Trump đã kiên quyết phản đối hình thức bỏ phiếu này do lo ngại gian lận. Bỏ phiếu qua đường bưu điện được cho là sẽ lập kỷ lục về số lượng người tham gia trong cuộc bầu cử năm nay do cử tri lo ngại nguy cơ lây nhiễm bệnh nếu đến các điểm bỏ phiếu.
Về phần mình, ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden tiếp tục chỉ trích cách chính quyền đương nhiệm dẫn dắt các nỗ lực phòng dịch, những chính sách giảm thuế của Washington, hay việc đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn đề cử bà Barrett..
Ông Biden cũng đưa ra các cam kết thay đổi chính sách phòng dịch, loại bỏ chính sách giảm thuế, và tăng cường các kế hoạch hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh. Về những ưu tiên chính sách nếu đắc cử, ông Biden khẳng định sẽ bắt tay ngay vào mục tiêu khắc phục tình trạng chia rẽ đảng phái với lập luận rằng "sự đố kị không mang lại hiệu quả". Ông cho biết sẽ thuyết phục các chính trị gia của hai đảng đoàn kết để "hàn gắn đất nước".
Bên cạnh đó, cựu Phó Tổng thống Biden cũng khẳng định sẽ đảo ngược các sắc lệnh của chính quyền Tổng thống Trump liên quan tới người chuyển giới. Trước đó, Beau Biden - con trai cả của ông Biden qua đời năm 2015 vì ung thư não - từng là tổng chưởng lý của bang Delaware và là người ủng hộ luật mạnh mẽ luật về quyền của người chuyển giới của bang này.
Theo kế hoạch, hai ứng cử viên tổng thống Mỹ năm nay dự kiến có buổi tranh luận trực tiếp thứ hai vào ngày 15/10, nhưng sau khi Tổng thống Trump được xác nhận mắc COVID-19 thì thể thức tranh luận được chuyển sang hình thức hỏi - đáp riêng rẽ phát trực tiếp trên truyền hình. Cả hai sẽ bước vào cuộc tranh luận cuối cùng trong ngày 22/10 tại Nashville, bang Tennessee.
Trên thực tế, nhiều cử tri Mỹ muốn hai ứng cử viên tranh luận trực tiếp hơn là tranh luận trực tuyến. Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn kết quả thăm dò mới của hãng Hill-HarrisX cho thấy 44% số người được hỏi cho rằng các cuộc tranh luận tiếp theo của Tổng thống Trump và ông Biden nên được thực hiện theo hình thức trực tiếp.
Ngược lại, 34% số người được hỏi muốn những sự kiện này được tiến hành bằng hình thức trực tuyến. Và gần 25% số người được hỏi cho rằng không nên có bất kỳ cuộc tranh luận nào nữa. So sánh giữa các nhóm cử tri, khoảng 50% số cử tri ủng hộ Đảng Dân chủ cho rằng cuộc tranh luận của các ứng viên tổng thống Mỹ nên được tổ chức trực tuyến trong khi 64% cử tri ủng hộ Đảng Cộng hòa muốn tổ chức sự kiện trực tiếp. Có khoảng 40% số cử tri độc lập được hỏi trong cuộc thăm dò này ủng hộ việc tổ chức các cuộc tranh luận trực tiếp.
Dù chưa tới ngày bầu cử chính thức nhưng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đã “ngốn” nhiều tiền hơn bất kỳ cuộc bầu cử nào trước đó và có thể sẽ còn “đội” thêm hàng tỉ USD nữa cho các chiến dịch tranh cử trong ba tuần tới.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn dữ liệu của Ủy ban Bầu cử Liên bang cho biết chi tiêu cấp bang và quảng cáo truyền hình cho cuộc bầu cử năm nay đã vượt con số 7 tỉ USD của cuộc bầu cử năm 2016. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số thống kê cho đến cuối tháng 9/2020 và điều này có nghĩa con số thực tế tính đến giờ phút này sẽ còn cao hơn nhiều.
Theo ước tính của Trung tâm Phản ứng Chính trị, tổng số tiền chi cho các cuộc bầu cử liên bang có khả năng lên tới gần 11 tỉ USD. Cả Tổng thống Donald Trump, cựu Phó Tổng thống Joe Biden và các đồng minh có khả năng chi hơn 5,1 tỉ USD để vận động cho cuộc đua vào Nhà Trắng, cao hơn gấp đôi chi phí của cuộc chạy đua năm 2016 và hơn gần 2 tỉ USD so với cuộc đua tổng thống Mỹ đắt giá nhất từ trước đến nay từng được chi vào năm 2008.
Tính đến cuối tháng 8/2020, Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump đã huy động được gần nửa tỉ USD. Từ đó đến nay, Ủy ban quốc gia của đảng Cộng hòa và các ủy ban gây quỹ khác đã tích lũy thêm hàng trăm triệu USD.
Trong khi đó, Chiến dịch tranh cử của ông Biden và Ủy ban quốc gia Đảng Dân chủ huy động được 383 triệu USD chỉ riêng trong tháng 9/2020, lập kỷ lục mới sau con số ấn tượng 364 triệu USD ghi nhận ngay trong tháng trước đó.
Đáng chú ý là mức chi tiêu lớn không chỉ dừng lại trong cuộc đua bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Dữ liệu thu thập bởi Advertising Analytics cho thấy trong 10 cuộc tranh cử tốn kém nhất tại Thượng viện Mỹ thì có tới 7 cuộc diễn ra trong năm nay, ở Bắc Carolina, Iowa, Arizona, Montana, Maine, Nam Carolina và Georgia.
Năm ứng cử viên tranh cử của Đảng Dân chủ huy động được hơn 20 triệu USD/người trong ba tháng qua. Đứng đầu là ông Jaime Harrison, cựu Chủ tịch đảng Dân chủ tại tiểu bang Nam Carolina, với mức thu về 57 triệu USD.