Bầu cử Nghị viện châu Âu: 373 triệu người dân đi bỏ phiếu và những điều đáng lưu ý

Khoảng 373 triệu cử tri từ 27 quốc gia khắp Liên minh châu Âu (EU) sẽ tham gia bỏ phiếu từ ngày 6 - 9/6 để bầu ra 720 đại biểu của Nghị viện châu Âu, những người đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các ưu tiên và định hướng chính trị của khối trong 5 năm tới.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra vào thời điểm then chốt đối với EU, nơi đang phải vật lộn với hàng loạt vấn đề từ cuộc chiến ở Ukraine và Gaza cho đến nhập cư và biến đổi khí hậu.

 Biểu ngữ treo trên tòa nhà Nghị viện Châu Âu ở Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP

Biểu ngữ treo trên tòa nhà Nghị viện Châu Âu ở Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP

Cuộc bầu cử diễn ra như thế nào?

Cuộc bầu cử được tổ chức trong 4 ngày, cứ 5 năm một lần vào tháng 6. Năm nay, nó diễn ra từ ngày 6 - 9/6. Dù là cuộc bầu cử vào một khối EU chung, nhưng mỗi nước trong số 27 quốc gia thành viên EU sẽ sắp xếp và quản lý như những cuộc bỏ phiếu cấp quốc gia.

Do được quản lý ở cấp quốc gia nên các cuộc bầu cử sẽ không hoàn toàn thực hiện theo cùng một cách. Tuy nhiên, tất cả đều phải sử dụng một hệ thống đại diện theo tỷ lệ, trong đó số lượng nhà lập pháp được bầu vào quốc hội tương quan trực tiếp với tỷ lệ người bỏ phiếu cho họ.

Sau khi tất cả các phiếu bầu đã được kiểm, mỗi đảng chính trị quốc gia sẽ được chỉ định một số thành viên Nghị viện Châu Âu (MEP) tương ứng với tỷ lệ phiếu bầu của họ.

Sau khi được bổ nhiệm vào quốc hội, MEP có thể tham gia một đảng chính trị châu Âu, cho phép họ ngồi trong một nhóm trong quốc hội. Các đảng và nhóm này có tính chất đa quốc gia. Nhóm càng lớn thì càng có nhiều ảnh hưởng trong quốc hội.

Kết quả sẽ bắt đầu có vào cuối ngày 9/6, nhưng kết quả đầy đủ sẽ không được tiết lộ cho đến ít nhất là ngày 10/6.

Những vấn đề trong cuộc bỏ phiếu là gì?

Nhập cư, biến đổi khí hậu, an ninh và hỗ trợ cho Ukraine là những vấn đề quan trọng trên toàn khối EU. EU phần lớn thống nhất ủng hộ Ukraine.

Mặc dù số liệu di cư bất thường thấp hơn so với thời kỳ khủng hoảng di cư 2015 - 2016, nhưng đây vẫn là một vấn đề nhạy cảm trên toàn EU vì một số quốc gia phải chịu phần gánh nặng không cân xứng trong khi những quốc gia khác không muốn thực hiện phần việc của mình.

Làm chậm tác động của biến đổi khí hậu và làm cho châu Âu xanh hơn là ưu tiên lâu dài hàng đầu. Tuy nhiên, một số quốc gia hiện nay tỏ ra không sẵn sàng cho cái giá phải trả khi cắt giảm khí thải từ nhiên liệu hóa thạch.

Những nhóm chính trị của Nghị viện châu Âu?

Nghị viện châu Âu có 7 nhóm chính, từ cực hữu đến cực tả.

Hai nhóm chiếm ưu thế là Đảng Nhân dân Châu Âu (EPP) bảo thủ trung hữu và Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ (S&D) trung tả. Do tính đại diện theo tỷ lệ, không một nhóm nào có thể đạt được đa số và do đó họ phải thành lập các liên minh rộng rãi để hoàn thành mọi công việc trong quốc hội. EPP và S&D (hoặc các tổ chức tiền thân) đã thống trị liên minh này trong nhiều thập kỷ.

Trong khi hai đảng này vẫn được cho là sẽ lớn nhất sau cuộc bầu cử, mọi con mắt đều đổ dồn vào các nhóm cánh hữu chính khác, Đảng Bảo thủ và Cải cách Châu Âu (ECR) và Đảng Bản sắc và Dân chủ (ID) theo chủ nghĩa dân túy, cực hữu.

Đảng Nhân dân Châu Âu (EPP) và Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ (S&D) được kỳ vọng sẽ nắm giữ phần lớn. Đảng Bảo thủ và Cải cách Châu Âu (ECR) và Đảng Bản sắc và Dân chủ (ID) cũng được kỳ vọng sẽ đạt được những lợi ích đáng kể có nhiều quyền lực hơn trong quốc hội tiếp theo.

Ngọc Ánh (theo CNN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bau-cu-nghi-vien-chau-au-373-trieu-nguoi-dan-di-bo-phieu-va-nhung-dieu-dang-luu-y-post298412.html