Bầu cử Quốc hội Đức: Bước ngoặt chính trị và những kịch bản tương lai
Ngày 23/2 tới đây, nước Đức sẽ bước vào một cuộc bầu cử quốc hội liên bang quan trọng, đánh dấu bước ngoặt mới trong chính trường quốc gia đầu tàu của châu Âu.
Cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz đã tan rã, kéo theo những tranh luận gay gắt về các vấn đề kinh tế, di cư và tương lai của đất nước.
Không chỉ thu hút sự quan tâm của người dân Đức, cuộc bầu cử này còn nhận được sự chú ý đặc biệt từ cộng đồng quốc tế.

Ứng cử viên bảo thủ hàng đầu của Đức Friedrich Merz cam kết sẽ xây dựng lại nền kinh tế để ngăn chặn sự trỗi dậy của đảng cực hữu AfD. Ảnh: Le Monde
Cơ chế bầu cử Quốc hội Đức
Cuộc bầu cử liên bang vào ngày 23/02 tới diễn ra sớm hơn 7 tháng so với dự kiến sau khi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz sụp đổ hồi cuối năm 2024 vừa qua.
Có thể nói cơ chế bầu cử tại Đức có đôi chút khác biệt so với một số nước ở châu Âu. Mỗi cử tri sẽ được quyền bỏ hai phiếu: một phiếu bầu cho ứng cử viên địa phương và một phiếu cho đảng mà họ ủng hộ, trong đó lá phiếu thứ hai đóng vai trò quyết định trong việc xác định “sức mạnh” của các đảng. Bất cứ đảng nào giành được ít nhất 5% số phiếu bầu sẽ xuất hiện trong Quốc hội Đức và chia sẻ một số ghế nhất định trên tổng số 630 ghế tùy theo tỷ lệ phiếu. Nếu không đủ tỷ lệ này, đảng vẫn có thể nhận ghế tại Quốc hội nếu có ít nhất 3 ứng viên đảng đó chiến thắng tại 299 khu vực bầu cử.
Trong đại đa số các trường hợp, các ứng cử viên giành chiến thắng tại khu vực của họ sẽ có một ghế trong Quốc hội. Nhưng lá phiếu bầu thứ 2 sẽ là cơ sở để xác định tổng số ghế mà các đảng giành được tại Quốc hội. Thế nên đây sẽ là con số được truyền tải và thu hút được sự quan tâm rộng rãi của dư luận trong đêm bầu cử. Các đảng sẽ lấp đầy các ghế mà họ giành được thông qua phiếu bầu thứ hai dựa trên danh sách ứng cử viên khu vực.
Sau khi tổng số 630 ghế tại Quốc hội được xác định, Tổng thống liên bang sẽ đề xuất một ứng cử viên, thường là từ đảng chính trong liên minh giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Về lý thuyết, ông có thể chọn một ứng cử viên khác, nhưng trên thực tế, hệ thống này đảm bảo tính ổn định và hiệu quả của nhiệm kỳ: chỉ ứng cử viên đảm bảo giành được đa số phiếu bầu tuyệt đối trong Quốc hội, tức là nhiều hơn 315 số phiếu ủng hộ, mới được đề xuất.
Theo Điều 63 của Luật cơ bản, trong vòng 14 ngày kể từ ngày bầu cử và sau khi ứng cử viên được chỉ định, các đại biểu Quốc hội Đức sẽ bầu Thủ tướng mà không cần tranh luận trước và bằng cách bỏ phiếu kín. Nếu ứng viên không đạt được sự tín nhiệm của Quốc hội (ít hơn 315 phiếu) sau 2 lần, một cuộc bỏ phiếu mới sẽ được tổ chức và ứng cử viên giành được số phiếu bầu cao nhất sẽ trúng cử, ngay cả khi ứng cử viên đó chỉ giành được đa số phiếu bầu tương đối. Sau đó, Tổng thống có bảy ngày để bổ nhiệm thủ tướng.
Trên thực tế, việc ứng viên không nhận được sự tín nhiệm từ Quốc hội ít khi xảy ra. Bởi trong trường hợp có một đảng giành được đa số tuyệt đối, ứng cử viên cho vị trí Thủ tướng sẽ là người của đảng này. Trong các trường hợp còn lại, các đảng có số phiếu ủng hộ cao nhất sẽ liên minh với nhau để thỏa thuận và đàm phán cùng nhau trị vì đất nước. Mục tiêu của các đảng giành chiến thắng là hạn chế tối đa số đảng cần phải liên minh để đảm bảo các chính sách và đề xuất của đảng mình được thực thi cũng như tránh việc xung đột nội bộ. Như trong nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã cần phải liên minh với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) để có thể đạt được đa số tuyệt đối tại Quốc hội. Chính điều này đã dẫn đến nhiều mối bất hòa trong nội các chính phủ và khiến nước Đức bị trì trệ, làm suy giảm sức mạnh của đảng cầm quyền và Thủ tướng, gia tăng nguy cơ Chính phủ sụp đổ.
Thực tế cho thấy, sự sụp đổ của Liên minh 3 đảng cầm quyền đã ép Thủ tướng Đức đi tới quyết định tiến hành bầu cử sớm trước thời hạn thay vì vào cuối tháng 9/2025 như dự tính.
Mối quan tâm của cử tri Đức và tương quan giữa các đảng
Theo các số liệu thăm dò mới nhất, cuộc bầu cử lần này gần như chắc chắn sẽ mang đến sự thay đổi cho vị trí lãnh đạo đất nước, khi Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) do ông Friedrich Merz lãnh đạo đang tạo được cách biệt lớn. Khảo sát của YouGov ngày 17/2 cho thấy CDU/CSU duy trì thế dẫn đầu với 27% người ủng hộ, bỏ xa vị trí thứ 2 là đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) của bà Alice Weidel với 20% tỷ lệ ủng hộ. Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của đương kim Thủ tướng Đức Olaf Scholz và đảng Xanh của ông Robert Habeck lần lượt xếp sau với 17% và 12% tỷ lệ ủng hộ.
Các đảng này giành được sự ủng hộ của cử tri Đức nhờ nêu bật lập trường về các vấn đề nóng như kinh tế và nhập cư đang được đại đa số quan tâm. Trước tình hình nền kinh tế lớn nhất châu Âu liên tục ghi nhận suy thoái 2 năm liên tiếp cùng sự cạnh tranh khắc nghiệt của xe điện Mỹ và Trung Quốc, Đức đang phải gồng mình bước qua giai đoạn khó khăn. Lạm phát và giá năng lượng cao đang tác động tiêu cực đến đời sống của người dân cũng như các doanh nghiệp.
3 đảng có số người ủng hộ lớn là CDU/CSU, SPD và đảng Xanh nhất trí với ý tưởng đầu tư năng lượng tái tạo để bù đắp sự thiếu hụt. Tuy nhiên, lập trường và cách thức triển khai của các đảng này là hoàn toàn khác biệt. Trong khi đó, AfD không đồng tình với việc trợ cấp cho dự án năng lượng tái tạo. Thậm chí, CDU và AfD còn tìm đến phương án tái khởi động các nhà máy năng lượng hạt nhân. Ý tưởng này nhanh chóng vấp phải sự phản đối kịch liệt của 2 đảng còn lại.
Vấn đề nhập cư tại Đức cũng đang nóng lên từng ngày với những vụ tấn công nghiêm trọng tại đây có nghi phạm là người nước ngoài, đơn cử như vụ tông xe tuần trước ở Munich khiến 2 người tử vong hay vụ tông xe vào khu chợ giáng sinh khiến nhiều người thiệt mạng hồi cuối năm ngoái. Cử tri Đức cảm thấy không an toàn và ráo riết yêu cầu Chính phủ phải có biện pháp thiết thực. Cả 4 đảng dẫn đầu đề nhất trí về việc siết chặt nhập cư.
Tuy nhiên, AfD đang thu hút được một số cử tri nhất định khi có quan điểm cứng rắn như kêu gọi đóng cửa biên giới, từ chối tiếp nhận dân tị nạn. Dù vậy, đảng này cũng vấp phải sự phản đối của số đông khi một số thành viên cấp cao trong AfD nêu ý tưởng muốn trục xuất hàng triệu người có gốc nước ngoài, bao gồm cả những người đã có quyền công dân Đức.
Điều đáng chú ý ở đây là ứng cử viên tiềm năng cho chức Thủ tướng của Liên minh CDU/CSU, ông Friedrich Merz đã đệ trình hồi cuối tháng 1 lên Quốc hội một dự luật 5 điểm chống nhập cư cùng với các lá phiếu ủng hộ của AfD. Thủ tướng Olaf Scholz và nhiều người khác sau đó đã cáo buộc ông Merz “vi phạm điều cấm kỵ”, khi vượt qua “tường lửa”, một lập trường chính trị được thiết lập kể từ sau Thế chiến thứ 2, theo đó các chính đảng tại Đức sẽ không công khai ủng hộ hay hợp tác với các đảng cực hữu. Điều này đã khiến các cử tri phẫn nộ và kéo theo đó là tỉ lệ ủng hộ Liên minh CDU/CSU liên tục bị sụt giảm trong 1 tháng vừa qua, từ hơn 35% xuống còn 27% như hiện nay.
Sự trỗi dậy của các đảng cực hữu
Theo nhiều chuyên gia phân tích, việc đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) ngày càng có nhiều cử tri ủng hộ khiến giới quan sát lo ngại. Đầu tiên, AfD đã và đang có sự ảnh hưởng nhất định đến các chính sách của nước Đức, đơn cử như mới đây ứng cử viên sáng giá của Liên minh CDU/CSU đã cần đến sự ủng hộ của đảng này để có được đủ số phiếu ủng hộ trong việc đệ trình dự luật liên quan đến nhập cư.
Như vậy, với tỷ lệ ủng hộ tại thời điểm hiện tại là 20%, khả năng đảng cực hữu AfD tác động đến các quyết sách tương lai của nước Đức là rất cao, nhất là trong các vấn đề nổi cộm như ủng hộ Ukraine hay duy trì chính sách cứng rắn với nước Nga. Trái với các đảng phái truyền thống, AfD có xu hướng muốn kết thúc sớm cuộc xung đột Nga - Ukraine và có chính sách mềm mỏng hơn đối với Moscow. Mặc dù AfD sẽ khó có thể tạo ra những thay đổi mang tính đột biến nhưng đây cũng là động lực cho phong trào ủng hộ Nga, nhất là đối với các nước Đông Âu.
Về đối ngoại, theo các nhà phân tích, cuộc bầu cử của Đức sẽ có hiệu ứng lan tỏa vượt ra ngoài biên giới của nước này. Đối với châu Âu, thành tích mạnh mẽ của AfD có thể thúc đẩy các phong trào cánh hữu trên khắp lục địa già, ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử sắp tới ở các nước láng giềng.
Về quan hệ với EU, AfD có xu hướng bài xích Liên minh châu Âu, họ ủng hộ việc rời khỏi Khối 27 cũng như khu vực đồng tiền chung châu Âu. Với quan điểm này, AfD có thể gây ra một số sóng gió nhất định trong vấn đề ủng hộ Liên minh cũng như làm chậm lại sự ủng hộ của Đức trong nội khối. Thêm vào đó, AfD có xu hướng thiên về các dòng chảy phương Bắc (North Stream), ủng hộ việc duy trì sử dụng khí đốt từ Nga. Như vậy, AfD sẽ là nhân tố cản trở sự tiến triển trong quan hệ của Đức nói riêng và châu Âu nói chung với đồng minh xuyên Đại Tây Dương.
Đến thời điểm hiện tại, các chính trị gia Đức đang lo ngại liên minh CDU/CSU không đủ sức để kìm hãm sự ảnh hưởng của phe cực hữu, cho dù mới đây, ứng cử viên bảo thủ hàng đầu của Đức Friedrich Merz cam kết sẽ xây dựng lại nền kinh tế để ngăn chặn sự trỗi dậy của đảng cực hữu AfD.
Với hệ thống bầu cử phức tạp và truyền thống liên minh cầm quyền, kết quả cuối cùng không chỉ phụ thuộc vào lá phiếu của cử tri mà còn vào những cuộc đàm phán hậu bầu cử giữa các đảng phái.
Dù đảng nào giành chiến thắng, chính phủ mới sẽ phải đối mặt với áp lực lớn trong việc khôi phục niềm tin của cử tri, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì sự ổn định chính trị. Kết quả của cuộc bầu cử này không chỉ tác động đến tương lai của nước Đức mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ châu Âu, trong bối cảnh những chuyển động địa chính trị ngày càng phức tạp.