Bầu cử Quốc hội Liên bang Đức: Mở ra những cơ hội mới
Cuộc bầu cử Quốc hội (QH) Liên bang Đức đã khép lại với ưu thế nghiêng về đảng Dân chủ Xã hội đối lập. Sau 16 năm cầm quyền liên tiếp của Thủ tướng Angela Merkel và đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU), người dân Đức đã chứng kiến một sự thay đổi lớn trên thượng tầng chính trị.
Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã giành chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử QH Đức khóa 20 được đánh giá là kịch tính tới phút chót, với chỉ vỏn vẹn 1% số lá phiếu ủng hộ nhiều hơn so với CDU/CSU cầm quyền. Đây là lần đầu kể từ năm 2005, SPD của ứng cử viên thủ tướng Olaf Scholz đã trở lại là chính đảng mạnh nhất ở Đức. Ngoài ra, đảng Xanh được 14,8% số phiếu bầu, kết quả cao nhất trong lịch sử của đảng này và trở thành chính đảng mạnh thứ ba ở Đức; trong khi đảng Dân chủ Tự do (FDP) được 11,5% số phiếu. Đây được coi là thất bại cay đắng của CDU/CSU, bởi trong 16 năm cầm quyền liên tục, đảng của Thủ tướng Merkel luôn giành thế áp đảo trong các cuộc bầu cử, nhất là khi bà Merkel - nữ Thủ tướng quyền lực nhất thế giới trong hơn một thập kỷ qua - đã quyết định rời khỏi chính trường trong sự tiếc nuối của người dân Đức và cộng đồng quốc tế.
Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, ông Olaf Scholz tuyên bố SPD sẽ tìm kiếm liên minh cầm quyền với đảng Xanh và FDP, nhằm chiếm đa số ghế tại QH, qua đó có quyền đứng ra thành lập chính phủ mới ở Đức. Giới phân tích đặt ra ba tình huống trong việc thành lập chính phủ mới ở Đức. Khả năng thứ nhất là liên minh “đèn giao thông” Đỏ - Vàng - Xanh giữa SPD, FDP và đảng Xanh, chiếm 52% số ghế tại QH. Song từ trước tới nay, FDP luôn thể hiện mong muốn liên minh với CDU/CSU. Để có được “cái gật đầu” của FDP, nhiều khả năng SPD và đảng Xanh phải “nhường” chức bộ trưởng tài chính cho FDP.
Lựa chọn thứ hai sẽ đẩy SPD thành đảng đối lập, đó là khi một liên minh Đen - Vàng - Xanh giữa CDU/CSU, FDP và đảng Xanh được hình thành. Một liên minh như vậy cũng chiếm đa số ở QH, song CDU/CSU và FDP sẽ phải kiềm chế đảng Xanh trong các chính sách về vấn đề xã hội hay bảo vệ khí hậu. Khả năng thứ ba sẽ là một liên minh giữa SPD, đảng Xanh và đảng Cánh tả. Ngoài việc ba đảng này bắt tay nhau vẫn chỉ là một chính phủ thiểu số, đảng Cánh tả có nhiều khác biệt với hai đảng còn lại về chính sách đối ngoại như phản đối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mức chi tiêu 2% cho quốc phòng hay triển khai lực lượng vũ trang cho các sứ mệnh ở nước ngoài.
Kỷ nguyên của nữ Thủ tướng Merkel sắp kết thúc. Tuy nhiên, sự lui vào hậu trường của nữ chính khách có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trên thế giới này lại mở ra cơ hội cho các chính đảng khác tại nước Đức.