Bầu cử Quốc hội Pháp: Hóa đơn năng lượng là chủ đề hàng đầu

Một số ứng cử viên từ cả cánh tả lẫn cánh hữu đều nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lượng trong khó khăn về sức mua của các hộ gia đình, một chủ đề được người dân Pháp quan tâm hàng đầu.

Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Golbey, miền Đông Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Golbey, miền Đông Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Các đảng phái đang chạy đua đưa ra những hứa hẹn về việc giảm hóa đơn năng lượng, trong khi Ủy ban Điều tiết Năng lượng của Pháp vừa ra thông báo sẽ tăng giá điện và khí đốt từ tháng 7, biến đây trở thành một thách thức chính trị trong một chiến dịch vận động tranh cử ngắn ngủi.

Trong “hợp đồng lập pháp”, liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) đề xuất “chặn giá các mặt hàng thiết yếu”, trong đó có năng lượng và nhiên liệu. Liên minh này đề xuất bãi bỏ cái gọi là “thuế Macron 10% trên hóa đơn” và cũng hủy bỏ luôn kế hoạch tăng giá khí đốt từ tháng 7. Ngoài “KWh điện đầu tiên miễn phí”, NFP còn hứa hẹn sẽ bãi bỏ lệnh cấm cắt điện, sưởi ấm và khí đốt do chưa thanh toán hóa đơn ngay cả thời gian ngoài kỳ nghỉ Đông.

Về phần mình, đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) hứa với cử tri sẽ “giảm VAT đối với khí đốt, dầu và nhiên liệu”, tức là hạ mức thuế từ 20% xuống 5,5% đối với việc tiêu thụ các sản phẩm này. Chủ tịch RN Jordan Bardella cho biết, ông muốn áp dụng biện pháp này ngay từ mùa Hè nếu đảng của ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử sớm.

Trong số các ứng cử viên của đảng Những người Cộng hòa (LR) từ chối sự liên minh giữa cánh hữu với phe cực hữu, việc giảm giá điện cũng chiếm tỷ lệ cao trong các cuộc thảo luận. Theo chương trình hành động của đảng trung hữu này, biện pháp được đưa ra cũng là điều chỉnh các loại thuế.

Phe Tổng thống, với tên gọi “Chung tay vì

nước Pháp” (Ensemble), cuối cùng cũng đưa ra cam kết. Ngày 15/6, phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Gabriel Attal, ứng cử viên ở tỉnh Hauts-de-Seine, cam kết sẽ giảm 15% hóa đơn tiền điện “từ mùa Đông tới”.

Phản ứng trước tuyên bố của các đảng về chủ đề năng lượng này, trong Chính phủ Thủ tướng Attal đã có những ý kiến chỉ trích tác động tiềm tàng của các biện pháp do RN hoặc NFP đề xuất. Theo Bộ Kinh tế Pháp, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ khiến tài chính công thiệt hại 10 tỷ euro mỗi năm đối với xăng, 4,5 tỷ đối với điện và 2,3 tỷ đối với khí đốt. Theo tính toán của Ensemble, điện miễn phí trong kilowatt giờ đầu tiên, việc hủy bỏ kế hoạch tăng giá khí đốt và giảm thang giá điện sẽ tiêu tốn lần lượt 8,5 tỷ euro, 7 tỷ euro và 6 tỷ euro.

Ngày 10/6, Ủy ban Điều tiết Năng lượng Pháp đã công bố giá khí đốt trung bình tại nước này sẽ tăng 11,7% trong tháng 7 so với tháng 6. Thông báo được đưa ra ở thời điểm không thể tồi tệ hơn và đủ để chất thêm gánh nặng vào những lo toan của các hộ gia đình, khi mà cuộc bầu cử sớm sẽ diễn ra vào ngày 30/6 và 7/7.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc họp báo ở Kiev, Ukraine, ngày 8/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc họp báo ở Kiev, Ukraine, ngày 8/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Từ nửa cuối năm 2021, giá năng lượng bắt đầu tăng cùng với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19, sau đó tốc độ tăng nhanh hơn vào mùa Xuân năm 2022 tại châu Âu, khi xung đột bùng nổ ở Ukraine, dẫn đến tình trạng nhảy vọt về giá. Mặc dù các “lá chắn thuế” phần nào đã làm giảm bớt cú sốc nhưng hiệu quả của chúng vẫn chưa trọn vẹn. Tổng chi phí của biện pháp này được ước tính là khoảng 72 tỷ euro cho tài chính công của Pháp kể từ mùa Thu năm 2021.

Nguyễn Tuyên (P/v TTXVN tại Paris)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bau-cu-quoc-hoi-phap-hoa-don-nang-luong-la-chu-de-hang-dau/338213.html