Bầu cử Quốc hội Pháp vòng 2: Khó có các đột biến lớn
Với việc liên minh cánh tả và liên minh trung hữu ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron giành các kết quả sít sao tại vòng 1, bầu cử Quốc hội Pháp vòng 2 được cho là sẽ khó có các đột biến lớn.
Một tuần sau cuộc bầu cử vòng 1, các cử tri Pháp ngày hôm nay (19/6), tiếp tục đi bỏ phiếu vòng 2 quyết định để lựa chọn 577 nghị sĩ Quốc hội Pháp khóa mới. Tại nước Pháp lục địa, các điểm bỏ phiếu đã mở cửa lúc 8h sáng theo giờ địa phương, trong khi tại một số lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Nam Mỹ, Ấn Độ Dương hay Thái Bình Dương, cuộc bầu cử đã kết thúc. Đa số các điểm bỏ phiếu tại nước Pháp sẽ đóng cửa lúc 18h, trừ một số ngoại lệ.
Kết thúc vòng 1 cách đây 1 tuần, kết quả đưa ra hiện vẫn gây nhiều tranh cãi. Theo con số do Bộ Nội vụ Pháp công bố, sau vòng 1, liên minh trung hữu mang tên “Chung sức” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chiến thắng với tỷ lệ phiếu là 25,75%, chỉ cao hơn sít sao con số 25,66% số phiếu của liên minh cánh tả mang tên “Liên minh nhân dân xã hội và sinh thái mới” (Nupes). Tuy nhiên, đa số các cơ quan truyền thông lớn tại Pháp vẫn trích dẫn số liệu từ các hãng thống kê, cho rằng liên minh cánh tả đã chiến thắng với 26,10% số phiếu so với 25,81% phiếu của liên minh ủng hộ Tổng thống Macron.
Các con số này đã gây nên rất nhiều tranh cãi trong tuần qua giữa các đảng phái, khiến ông Jean-Luc Mélenchon, thủ lĩnh của liên minh cánh tả lên tiếng kêu gọi nước Pháp thành lập một cơ quan bầu cử độc lập thay cho Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, các tranh cãi này cũng khó ảnh hưởng đến kết quả vòng 2 bởi tương quan lực lượng giữa hai bên khó có biến động.
Tại vòng 2, các ƯCV của liên minh cánh tả và các ƯCV của liên minh “Chung sức” sẽ đối đầu trực tiếp với nhau tại 278 đơn vị bầu cử và kết quả của các cuộc cạnh tranh này sẽ quyết định đến việc liệu bên nào sẽ chiếm đa số. Đến thời điểm này, hầu hết giới quan sát đều đánh giá, không bên nào chiếm ưu thế nổi trội. Vì thế, theo ông Jean-Daniel Levy, Giám đốc điều hành hãng thăm dò dư luận Harris Interactive, nhiệm vụ giành đa số (trên 289 ghế) là rất khó khăn với Tổng thống Macron.
“Đây là một mục tiêu khó khăn với Tổng thống Macron. Tại vòng 1 cuộc bầu cử vừa qua, liên minh của Tổng thống Macron đã giành kết quả kém hơn rõ rệt so với năm 2017. Tại vòng 1 cuộc bầu cử năm 2017, đã có khoảng 1/3 cử tri bỏ phiếu cho liên minh của Tổng thống Macron, năm nay con số này chỉ khoảng 1/4, một sự suy giảm rất rõ. Và trong bối cảnh hiện nay, tỷ lệ đi bỏ phiếu thấp của cử tri Pháp cũng không thể đảm bảo cho ông Macron chắc chắn có được một đa số tại Quốc hội”.
Theo các con số do các hãng thăm dò dư luận tại Pháp công bố, tỷ lệ cử tri Pháp vắng mặt tại vòng 2 cuộc bầu cử sẽ tiếp tục ở mức cao, từ 53 đến 56%. Bên cạnh các nguyên nhân truyền thống như sự thờ ơ của cử tri, một nguyên nhân khác là nắng nóng gay gắt tại một số địa phương cũng có thể khiến nhiều cử tri quyết định vắng mặt.
Việc cử tri vắng mặt cao được cho là sẽ gây bất lợi cho liên minh “Chung sức” của Tổng thống Emmanuel Macron. Tuy nhiên, theo đánh giá của hầu hết các cuộc thăm dò dư luận, mặc dù có thể ngang ngửa hoặc thua kém liên minh cánh tả về số phiếu phổ thông nhưng liên minh “Chung sức” của ông Macron vẫn được dự đoán sẽ giành nhiều ghế nhất tại Quốc hội Pháp, dao động từ 265 đến 305 ghế. Liên minh cánh tả được dự đoán giành từ 140 đến 200 ghế. Tiếp đến, các đảng cánh hữu là “Những người Cộng hòa” (LR) và “Liên minh dân chủ độc lập” (UDI) dự kiến giành 55 đến 75 ghế. Đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” (RN) của bà Marine Le Pen dự kiến giành 30 đến 50 ghế./.