Bầu cử Singapore: Các đảng đối lập cùng công bố cương lĩnh tranh cử
'Hãy làm cho lá phiếu của bạn trở nên có ích' là khẩu hiệu tranh cử năm nay của WP, còn đảng Singapore Tiến bộ (PSP) công bố cương lĩnh tranh cử với khẩu hiệu 'Bạn xứng đáng có cuộc sống tốt đẹp hơn.'
Ông Pritam Singh, Tổng Thư ký đảng Công nhân (WP) - đảng đối lập duy nhất có ghế trong Quốc hội Singapore, đã công bố cương lĩnh tranh cử của WP, trong đó tập trung nhấn mạnh các vấn đề an sinh xã hội.
“Hãy làm cho lá phiếu của bạn trở nên có ích” là khẩu hiệu tranh cử năm nay của WP. Ông Singh cho biết sở dĩ WP lựa chọn khẩu hiệu này bởi họ muốn có sự kiểm soát và cân bằng trong Quốc hội để tăng cường tính dân chủ và tiến trình chính trị của Singapore.
Cương lĩnh tranh cử của WP đã đưa ra tầm nhìn của đảng này đối với Singapore theo bốn chủ đề gồm đề ra các chính sách xã hội và giáo dục giúp người dân Singapore đạt được những ước mơ của mình; tạo việc làm có giá trị cho người lao động; giải quyết các vấn đề về sinh hoạt phí và thiết lập các thể chế chính trị, quản lý và bảo vệ vững mạnh.
Trong khi đó, đảng Singapore Tiến bộ (PSP) công bố cương lĩnh tranh cử với khẩu hiệu “Bạn xứng đáng có cuộc sống tốt đẹp hơn."
Tổng thư ký PSP Tan Cheng Bock cho biết cương lĩnh tranh cử của PSP vạch ra tầm nhìn của đảng đối với Singapore trong ba lĩnh vực rộng lớn là kinh tế, xã hội và chính trị.
Về kinh tế, PSP sẽ thực hiện “chiến lược tái nổi lên” hậu dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với các chính sách kích thích kinh tế táo bạo hơn và sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lĩnh vực tuyển dụng 70% lực lượng lao động Singapore.
Trên mặt trận xã hội, mục tiêu của PSP là thiết lập mạng lưới an sinh xã hội mạnh mẽ hơn giúp người dân Singapore vượt qua khủng hoảng, bằng việc nâng cao trợ giúp tài chính cho người thất nghiệp và ngừng tăng thuế phí trong năm năm tới, với việc miễn thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) cho các lĩnh vực thiết yếu.
Về chính trị, PSP sẽ theo đuổi những thay đổi như cắt giảm lương của bộ trưởng, xem xét lại Luật bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến (POFMA), luật về chống tin giả của Singapore được thông qua hồi tháng 5/2019.
Về phần mình, đảng Nhân dân Singapore (SPP) lại muốn tập trung giải quyết không chỉ các vấn đề thường ngày truyền thống mà còn việc cải thiện sức khỏe tinh thần cho người dân Singapore, cũng như chiến đấu chống biến đổi khí hậu và các chính sách cho thanh niên.
Theo đó, SPP đề ra các chính sách như giảm tuổi bầu cử từ 21 xuống 18, nâng cao khả năng tiếp cận với các chuyên gia và cơ sở điều trị chuyên về sức khỏe tinh thần, tăng trợ cấp cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần, các công ty hoạt động tại Singapore phải công khai chỉ số khí thải carbon.
Ngoài ra, SPP cũng đưa ra đề xuất chính sách như giảm sinh hoạt phí, tăng cường lực lượng lao động và thúc đẩy dân chủ lớn hơn. Khẩu hiệu “Một ngày mai tốt đẹp hơn” của SPP đưa ra ba giá trị chính gồm trách nhiệm, cam kết và cảm thông.
Trong khi đó, với khẩu hiệu “Xây dựng lại tốt đẹp hơn, công bằng hơn," đảng Cải cách (RP) lại tập trung vào việc tái thiết Singapore sau khi nước này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sức khỏe và kinh tế toàn cầu chưa từng có.
RP cũng đưa ra một số chính sách như ngừng tăng GST trong năm nay và năm 2021, cũng như xem xét miễn GST đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm, thuốc men và hàng hóa tiện dụng; các chương trình chăm sóc sức khỏe toàn dân, giáo dục đại học miễn phí cho những đối tượng phục vụ trong các lĩnh vực dịch vụ quốc gia…
Theo kế hoạch, cuộc bầu cử Quốc hội Singapore sẽ diễn ra vào ngày 10/7 tới. Đến thời điểm này, đã có 11 đảng tuyên bố sẽ tham gia tranh cử, tăng hai đảng so với bầu cử 2015. Trong số 10 đảng đối lập đã tuyên bố sẽ tham gia bầu cử năm 2020, giới quan sát chính trị nhận định chỉ có đảng Công nhân (WP) và đảng Singapore Tiến bộ (PSP) mới có thể tạo ra thách thức nhất định cho đảng Hành động Nhân dân (PAP)./.