Bầu cử tại Pháp: 4 kịch bản về phản ứng của các thị trường
Theo báo Les Echos, các thị trường của Pháp sẽ đối diện với 4 kịch bản, cùng những hậu quả rất khác nhau, sau khi nước này tiến hành xong cuộc bầu cử sớm vào cuối tháng Sáu và đầu tháng Bảy.
Các cuộc bầu cử ở Pháp đang khiến thị trường lo lắng. Sau khi việc giải tán Quốc hội gây chấn động các thị trường tại Pháp, khiến chứng khoán lao dốc và lãi suất tăng vọt, kết quả cuộc bầu cử sớm lần này sẽ được các nhà đầu tư quốc tế mổ xẻ rất kỹ, bởi đơn giản Pháp là một thị trường trọng điểm tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Hơn nữa, xét đến tình hình ngân sách của Pháp, ác mộng sẽ là chênh lệch lợi suất trái phiếu giữa nước này với Đức tăng vọt và một cuộc khủng hoảng nợ mới nổ ra.
Có 4 kịch bản chính xuất hiện vài ngày trước vòng bầu cử đầu tiên. Mỗi kịch bản đều có những hậu quả riêng đối với các thị trường. Kịch bản đầu tiên, có ba khối trong Quốc hội với đa số tương đối của đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN). Theo các cuộc thăm dò, đây là kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất. Trong trường hợp này, Chủ tịch RN Jordan Bardella tuyên bố ông sẽ từ chối làm Thủ tướng trong một chính phủ thiểu số, nên một chính phủ chuyển tiếp sẽ được thành lập.
Nguy cơ bất ổn chính trị sẽ gia tăng. Nếu không có đa số tuyệt đối trong Quốc hội, việc viện dẫn tới điều 49.3 (không cần thông qua Quốc hội) của Hiến pháp sẽ thường xuyên hơn, với nguy cơ hiện hữu và lặp đi lặp lại của việc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Và các thị trường sẽ trở nên căng thẳng hơn mỗi khi các cuộc tranh luận về ngân sách cho năm tiếp theo đến gần.
Ngược lại, khả năng thực hiện chương trình của RN sẽ tương đối hạn chế, ngoại trừ một số biện pháp đồng thuận về sức mua. Kỷ luật ngân sách luôn là điểm nhạy cảm đối với các thị trường. Ngày 19/6, Ủy ban châu Âu đã mở thủ tục về việc giải quyết thâm hụt quá mức liên quan đến Pháp, theo đó Pháp phải nộp đề xuất ngân sách nhiều năm của mình cho thể chế này trước ngày 20/9.
Hơn nữa, cách đây chưa đầy một tháng, S&P đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Pháp xuống mức “AA-” (tương đương với xếp hạng Aa3 của Moody’s, chỉ bậc đầu tư chất lượng cao và rủi ro thấp). Sự kết hợp giữa những khó khăn trong việc thực hiện cải cách mà ông Emmanuel Macron mong muốn, tình hình chính trị ngày càng bất ổn và sự trượt dốc về ngân sách sẽ đẩy thị trường vào tình trạng không chắc chắn.
Không thể loại trừ những đỉnh điểm biến động mới. Để tránh điều tồi tệ nhất, RN sẽ buộc phải điều chỉnh các tham vọng của mình về mặt ngân sách. Như vậy, chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Pháp và Đức có thể thu hẹp đôi chút, đạt mức từ 60 đến 70 điểm cơ bản, với mức cao nhất có thể xảy ra là khoảng 80 điểm cơ bản.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Paris vẫn có thể ổn định, ngay cả khi các ngân hàng vẫn dễ bị tổn thương. Các ngân hàng này không chỉ nắm giữ số lượng lớn Trái phiếu Kho bạc Pháp, mà hoạt động tín dụng của họ cũng có thể bị giảm nếu các doanh nghiệp trở nên do dự hơn khi đầu tư vào một môi trường không chắc chắn.
Kịch bản thứ hai, đa số tuyệt đối cho RN. Đây là kịch bản không chắc chắn nhất vì ngay cả với những con số đầu tiên, chương trình hành động của RN vẫn còn rất mơ hồ. Ngoài ra, vẫn còn phải xem liệu chính phủ mới có tăng chi tiêu để thực hiện chương trình của mình hay không. Trong trường hợp này, phản ứng của thị trường sẽ rất mạnh.
Mức chênh lệch (giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Pháp và Đức) có thể dễ dàng tăng lên 100-150 điểm cơ bản. Một khả năng khác có vẻ phù hợp với giọng điệu thay đổi trong các diễn văn tranh cử là RN sẽ áp dụng một cách tiếp cận thực dụng, có lợi cho doanh nghiệp và hòa giải với Brussels.
Theo giới phân tích kinh tế, việc hiện thực hóa các biện pháp chính trong chương trình hành động của RN sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách tăng thêm 1% mỗi năm, trong khi nguồn tài chính mà đảng này nêu ra hiện nay vẫn còn rất mơ hồ.
Do vậy, các nhà đầu tư sẽ yêu cầu bảo hiểm rủi ro gắn với nguy cơ trượt dốc về ngân sách. Hơn nữa, nếu vào cuối năm, Moody's có chung đánh giá với Fitch và S&P và đánh tụt xếp hạng tín nhiệm của Pháp, các nhà đầu tư có thể sẽ bắt đầu dự đoán sự suy giảm tiếp theo và điều chỉnh lợi suất của Pháp. Nhưng nếu chính phủ mới tôn trọng các quy định ngân sách của Brussels, thì mức chênh lệch lợi suất trái phiếu có thể vẫn được giới hạn trong khoảng 80 đến 120 điểm cơ bản.
Tác động đối với thị trường chứng khoán là khó đánh giá hơn, nhưng do sự thay đổi về bảo hiểm rủi ro đối với tài sản của Pháp (và chi phí tài chính) và những bất ổn về môi trường kinh tế, thuế và quy định, cổ phiếu có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, xây dựng và dịch vụ cộng đồng.
Kịch bản thứ ba, Liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) có sự đột phá và chiếm đa số tương đối. Về lý thuyết, đây là kịch bản xấu nhất đối với các thị trường. Chương trình hành động của liên minh cánh tả kêu gọi tăng chi tiêu rất lớn, với một phần ngân sách lấy từ việc tăng thuế và một tốc độ tăng trưởng mạnh hơn. Điều này sẽ gây lo sợ cho các nhà đầu tư, những người nghi ngờ tính thực tế của những nguồn thu trong tương lai này.
Nhưng một lần nữa, tất cả phụ thuộc vào việc những lời hứa này có được thực hiện hay không. Thực tế cho thấy có rất ít khả năng chương trình được thực hiện sẽ là chương trình đã được trình bày trong chiến dịch tranh cử. Những cải cách được thực hiện sẽ nằm trong khuôn khổ ngân sách hạn chế. Và sự lựa chọn của người đứng đầu chính phủ cũng đóng một vai trò lớn. Do đó, tình trạng trượt dốc đáng lo ngại về tài chính công sẽ không xảy ra.
Nhưng dù thế nào thì cánh tả cũng thay đổi bằng việc tăng thuế và thực thi một chính sách ít “thân doanh nghiệp” hơn nhiều so với chính phủ hiện tại. Điều này chắc chắn sẽ được phản ánh trong lợi nhuận mà các nhà đầu tư đạt được. Trường hợp này sẽ kết thúc bằng việc duy trì chênh lệch (giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Pháp và Đức) ở các mức hiện tại.
Giới phân tích tin rằng khó có khả năng mức chênh lệch lợi suất giảm xuống dưới 60 điểm cơ bản - mức được thấy trước khi có thông báo giải tán Quốc hội. Chỉ số này thậm chí có thể trải qua một số rung lắc với đỉnh điểm từ 80 đến 100 điểm cơ bản.
Ngược lại, sự yên ả này sẽ không được giữ vững khi Mặt trận Bình dân Mới giành được một chiến thắng lớn hơn. Nếu liên minh này đạt được đa số tuyệt đối, chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Pháp và Đức thể tăng cao hơn, vượt quá 100 điểm cơ bản, thậm chí lên tới 150 điểm – bằng mức chênh lệch hiện tại giữa Italy và Đức.
Về mặt cổ phiếu, thị trường chứng khoán sẽ phản ứng rất mạnh mẽ với kết quả bỏ phiếu mà nó hoàn toàn không lường trước được này. Một số chuyên gia thậm chí còn dự đoán chỉ số CAC 40 sẽ giảm 20%.
Kịch bản cuối cùng, đa số tương đối dành cho các đồng minh của Tổng thống Macron. Đây là giải pháp được thị trường chờ đợi nhất cho đến thời điểm này. Nhưng nó cũng là kịch bản ít có khả năng xảy ra nhất nếu dựa trên kết quả các cuộc thăm dò mới nhất.
Điều có vẻ chắc chắn là ngay cả khi phe của Tổng thống có giành được đa số ghế trong Quốc hội, thì họ thậm chí còn yếu hơn hiện tại. Các đại biểu thuộc phe đa số của Tổng thống đã thực sự bị sốc trước quyết định giải tán Quốc hội đầy bất ngờ của ông Macron. Do vậy, việc thực hiện cải cách sẽ trở nên phức tạp hơn.
Tuy nhiên, chương trình hành động của phe Tổng thống có đề cập đến việc dành một khoản chi tiêu mới để củng cố sức mua của tầng lớp trung lưu. Nếu vậy, tỷ giá sẽ ổn định trở lại, nhưng với triển vọng kém thuận lợi hơn một chút. Mức chênh lệch (giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Pháp và Đức) trong trường hợp này sẽ dao động từ 50 đến 65 điểm cơ bản.
Trong khi chờ đợi các thành phần chính trị định hình Quốc hội mới, các thị trường chắc chắn sẽ rất chú ý đến kết quả của vòng bầu cử đầu tiên ngày 30/6. Nếu kịch bản đa số tương đối cho RN xuất hiện, tình hình trên thị trường sẽ không xấu đi quá nhiều. Thậm chí có khả năng thị trường sẽ "bình tĩnh" lại phần nào. Nhưng trong trường hợp xảy ra bất cứ điều gì gây bất ngờ, phản ứng có thể sẽ rất cực đoan.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bau-cu-tai-phap-4-kich-ban-ve-phan-ung-cua-cac-thi-truong/338834.html