Bầu cử tổng thống Iran bước vào giai đoạn nước rút
Dư luận quốc tế rất quan tâm tới những chuyển động chính trị này tại Iran bởi nó có thể hé lộ những thay đổi tại quốc gia có tầm ảnh hưởng ở Trung Đông này, nhất là trong bối cảnh hồ sơ hạt nhân Iran vẫn chưa bao giờ hết nóng.
Thực tế chính trị - xã hội trước thềm bầu cử ở Iran
Từ 600 ứng cử viên, Hội đồng Giám hộ Iran đã chọn ra 7 ứng cử viên cuối cùng để cạnh tranh chức tổng thống trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 6 này. Sự kiện kéo dài 3 giờ hôm 5/6 tập trung vào nền kinh tế, nền kinh tế đã chịu ảnh hưởng lớn trong ba năm qua dưới các lệnh trừng phạt của Mỹ, tình trạng lạm phát tràn lan và tỷ lệ thất nghiệp cao.
Trong cuộc tranh luận ngắn ngủi (mỗi người có 3 phút) trên truyền hình vừa qua đã cho thấy các ứng cử viên công kích lẫn nhau và thảo luận về những điều của họ đã làm để giúp đỡ nền kinh tế dù các ứng cử viên còn 2 vòng tranh cử trước khi cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 18/6 tới.
Cựu Giám đốc ngân hàng trung ương Abdolnasar Hemmati và cựu Phó chủ tịch theo chủ nghĩa cải cách Mohsin Mehralizadeh là những người theo đường lối cải cách, trong khi 5 ứng viên còn lại theo đường lối cứng rắn. Bốn ứng cử viên bảo thủ và cứng rắn gồm quan chức an ninh cấp cao Saeed Jalili; Thư ký, Hội đồng Khẩn cấp Mohsin Rezai; nhà lập pháp Alireza Zakani và Amir Hussein Ghazizadeh Hashmi thay vì nói lên chương trình hành động trong tương lai lại đưa ra các tuyên bố ủng hộ Giám đốc cơ quan tư pháp Iran, Ebrahim Raisi.
Mọi sự chú ý đang tập trung vào ông Raisi và ông đang được coi là ứng cử viên sáng giá nhất trong cuộc tranh cử lần này đồng thời đã từng là người đứng thứ hai trong cuộc bầu cử năm 2017. Các ứng viên cải cách chỉ trích các cử viên khác khi bao che cho ông Raisi, đồng thời cho rằng ông này chưa có kinh nghiệm lãnh đạo điều hành kinh tế đất nước, mới chỉ có chuyên môn với tư cách là thẩm phán. Tuy nhiên, ông Raisi nói rằng chỉ trích sẽ không giải quyết được các vấn đề của đất nước và nhấn mạnh ông không có tham vọng về vị trí và quyền lực cũng như sẵn sàng trả lời các cuộc gọi công khai.
Hội đồng Giám hộ Iran đã chọn nhiều người theo đường lối cứng rắn hơn là người ôn hòa cho cuộc chạy đua tổng thống. Điều này phản ánh cấu trúc quyền lực đang tranh chấp của đất nước và sự phân chia chính trị giữa những người ôn hòa và cứng rắn đã trở nên rõ nét trong những năm qua.
Ứng cử viên nào đang giành lợi thế?
Giới phân tích nhận định Giám đốc cơ quan tư pháp Iran, Ebrahim Raisi là người đang giành lợi thế. Ông đã giành được hơn 15 triệu phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017 và là chính trị gia bảo thủ duy nhất có khả năng tạo ra sự thống nhất các đảng phái.
Trên thực tế, hầu hết các ứng cử viên từ các khối bảo thủ đã rút lui để ủng hộ ông trong năm nay. Các cuộc thăm dò do các viện nghiên cứu khác nhau thực hiện cho thấy ông Raisi đang dẫn đầu với tỷ lệ chênh lệch lớn. Chính sách gây áp lực tối đa và việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của cựu Tổng thống Donald Trump đã củng cố cho phe cứng rắn trong cơ cấu quyền lực của Iran như tư pháp, Hội đồng Giám hộ và Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC).
Hơn nữa, việc Tổng thống Rouhani không thực hiện được những lời hứa phát triển kinh tế quan trọng đã mất uy tín những người theo chủ nghĩa cải cách. Ông Raisi đã hứa sẽ thiết lập một "Iran mạnh" và tập trung vào việc củng cố nền kinh tế của đất nước. Ông cũng cam kết tăng cường quan hệ kinh tế với các nước láng giềng của Iran.
Ông Raisi được coi là người kế vị lãnh tụ Khamenei, được kỳ vọng sẽ tăng cường hơn nữa các yếu tố của "nền kinh tế kháng chiến", nhằm giúp Iran đạt được khả năng tự túc về kinh tế. Bên cạnh đó, những người theo đường lối cứng rắn được sự hậu thuẫn của Lãnh tụ tối cao của đất nước, người muốn Raisi chiến thắng. Những người bảo thủ khác rút lại để tránh phân chia phiếu bầu vào thời điểm cuối cùng có lẽ là điều không thể tránh khỏi.
Dự đoán chính sách đối ngoại của Iran sau bầu cử
Các chuyên gia cho rằng, một tổng thống cứng rắn có thể giúp Iran có thể tự tin hơn trong việc đối phó với phương Tây và ít bị sa lầy hơn bởi đấu đá nội bộ. Nếu phe bảo thủ giành chiến thắng, Iran sẽ có một hệ thống quản trị thống nhất, có thể kiềm chế các thể chế quyền lực của đất nước như Lực lượng Vệ binh Cách mạng, một lực lượng ủng hộ các chính sách cứng rắn. Việc thành lập quân đội Iran có thể sẽ tuân theo những thay đổi chính sách của chính phủ do phe cứng rắn lãnh đạo.
Theo các chuyên gia, giờ đây, ngay cả hầu hết những người theo đường lối cứng rắn của Iran cũng ủng hộ việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Dưới thời chính quyền mới của Joe Biden, Washington cũng đã đưa ra chính sách quan hệ hợp tác với Tehran để khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Tehran. Trong tám tuần qua, cả hai bên cùng với các đối tác châu Âu, Nga và Trung Quốc đã đàm phán để khôi phục Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) tại Vienna, thủ đô của Áo. Đó là một trong những cuộc đàm phán nhanh nhất từ trước đến nay giữa Iran và các nước phương Tây.
Iran cũng quan tâm đến việc giữ cho thỏa thuận hạt nhân tồn tại để giảm bớt những khó khăn kinh tế của đất nước, vốn đã trở nên tồi tệ hơn dưới các lệnh trừng phạt của Mỹ và đại dịch, đã ảnh hưởng nặng nề đến đất nước, lạm phát đến 50%. Ngoài ra, các chuyên gia không nghĩ rằng những cuộc đàm phán hạt nhân sẽ đạt được kết quả trước cuộc bầu cử. Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei không muốn bất kỳ ai sử dụng nó như một công cụ trong các cuộc bầu cử.
Cuối cùng, sau khi khôi phục thỏa thuận hạt nhân, Tehran có thể chọn cách ít đối đầu hơn với phương Tây ngay cả dưới một chính phủ cứng rắn. Những người theo chủ nghĩa cứng rắn coi chính sách đối ngoại như một cuộc chiến hơn là một cuộc trò chuyện.
Điều quan trọng nhất là Lãnh tụ Khamenei đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa bất kỳ mục nào trong chương trình nghị sự của chính sách đối ngoại. Hay nói cách khác rằng toàn bộ chính sách đối ngoại nằm dưới sự kiểm soát 100% của Lãnh tụ Tối cao./.