Bầu cử Tổng thống Mỹ: Giới doanh nghiệp trước quyết định 'chọn phe'

Sẽ không quá ngạc nhiên nếu giới doanh nghiệp Mỹ dành sự ưu ái cho cựu Tổng thống Donald Trump, bởi trong nhiệm kỳ trước, ông đã giảm đáng kể thuế doanh nghiệp và hạn chế các quy định về thuế.

Ứng cử viên đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại chiến dịch vận động tranh cử ở Bozeman, Montana, Mỹ, ngày 9/8/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Ứng cử viên đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại chiến dịch vận động tranh cử ở Bozeman, Montana, Mỹ, ngày 9/8/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Theo nhật báo kinh tế Hospodářské noviny, các doanh nhân là những người sẽ biết rõ nên ủng hộ ai trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Trong nhiều thập kỷ, đảng Cộng hòa đã thúc đẩy giảm thuế, phản đối các quy định quá mức của chính phủ và ít nhất, dù chỉ bằng lời nói, họ ủng hộ việc hạn chế chi tiêu chính phủ. Đây cũng là điều mà các doanh nghiệp lớn quan tâm.

Do đó, có vẻ như không quá ngạc nhiên nếu giới doanh nghiệp Mỹ dành sự ưu ái cho cựu Tổng thống Trump, bởi vì trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã thực sự giảm đáng kể thuế doanh nghiệp (bất kể điều kiện của ngân sách liên bang như thế nào) và ông cũng đã cố gắng hạn chế các quy định về thuế.

Các động cơ khác để doanh nghiệp lựa chọn đảng viên Cộng hòa chính là sự thay đổi đang diễn ra ở đảng Dân chủ. Bà Kamala Harris, ứng cử viên đảng Dân chủ được đề cử chính thức, đã hứa rằng trong 100 ngày đầu tiên nắm quyền, bà sẽ đề xuất lệnh cấm cấp liên bang đầu tiên đối với việc tăng giá thực phẩm và có ý định đấu tranh chống lại "lợi nhuận quá mức" của các công ty.

Những đề xuất theo chủ nghĩa dân túy triệt để như vậy có tác dụng lấy lòng cử tri hơn là các doanh nghiệp. Thêm vào đó là việc tăng thuế đáng kể do đảng Dân chủ thúc đẩy cũng sẽ tác động đến quyết định của các doanh nghiệp trong việc tài trợ cho ai trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Tình hình thực tế phức tạp hơn nhiều. Ông Trump có một hàng dài các doanh nhân ủng hộ, trong đó, người có vai trò quan trọng cho đến thời điểm này là người đứng đầu hãng ô tô điện Tesla và chủ sở hữu duy nhất của mạng xã hội Twitter đã được đổi tên thành X. Ông Elon Musk là một trong những người giàu nhất thế giới.

Ngoài ra, còn một người ủng hộ ông Trump có ảnh hưởng lớn là ông Peter Thiel, người đã kiếm được hàng tỷ USD từ các công ty công nghệ bao gồm ứng dụng thang toán trực tuyến PayPal. Một ví dụ về đồng minh khác là doanh nhân Harold Hamm, người nhờ kinh doanh tiên phong trong lĩnh vực khai thác dầu đá phiến, đã có được tài sản trị giá 16 tỷ USD và dễ hiểu là người phản đối chính sách năng lượng của đương kim Tổng thống Joe Biden.

Ông John Paulson, người đã tạo dựng tên tuổi bằng cách đi ngược lại thị trường trước cuộc khủng hoảng và kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ điều này, vẫn nằm trong số những người trung thành với ông Trump. Dù đầu tư của ông đã lụi tàn nhưng ông vẫn có khoản tiền gửi lên đến hàng chục triệu USD cho chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Cựu Tổng thống Trump cũng ràng buộc một số người giàu có ủng hộ mình bằng lập trường cứng rắn về vấn đề nhập cư và sự ủng hộ của ông đối với Israel.

Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp tại Thung lũng Silicon lại đang dành sự ủng hộ cho ứng cử viên Kamala Harris. Người đồng sáng lập Netflix Reed Hastings là một trong những người đầu tiên thông báo về sự ủng hộ và tài trợ. Ông Hastings đã gửi cho quỹ của bà Kamala Harris 7 triệu USD. Nhà đầu tư Ron Conway, người đã sớm nhận ra tiềm năng của Google, Napster và PayPal, cũng muốn có cuộc gặp chính thức với bà Harris tại Nhà Trắng. Giám đốc điều hành Facebook Sheryl Sandberg cũng là một fan hâm mộ lớn của Phó Tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp khác không ủng hộ bất kỳ ứng viên nào, ít nhất là trong những lần xuất hiện trước công chúng và theo hồ sơ đóng góp tài chính. Điều này không có lợi cho ông Trump. Trong những năm trước, Giám đốc điều hành (CEO) của các công ty lớn chủ yếu ủng hộ tài chính cho các ứng cử viên đảng Cộng hòa.

Tất nhiên, những tuyên bố hiện tại của bà Harris về quy định giá cả, thuế cao hơn và “các tập đoàn tham lam” nghe có vẻ khó chịu đối với giới kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế là bà không nhận chỉ trích nhiều từ các doanh nghiệp.

Môi trường kinh doanh đòi hỏi trên hết là sự ổn định. Tuy nhiên, ngay cả ứng cử viên đảng Cộng hòa cũng không đưa ra cam kết cho điều này. Lời kêu gọi trả thù thất bại 4 năm trước của ông Trump chỉ làm tăng thêm sự lo lắng về sự bất ổn. Theo giới quan sát, chính việc không công nhận kết quả cuộc bầu cử năm 2020 đã gây tổn hại lớn đến danh tiếng của ông với giới kinh doanh.

Việt Dũng (P/v TTXVN tại Praha)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bau-cu-tong-thong-my-gioi-doanh-nghiep-truoc-quyet-dinh-chon-phe/344846.html