Ai là điệp viên quan trọng nhất của tình báo Liên Xô ở Mỹ?

Trước đây, ba nhân vật được coi là điệp viên quan trọng nhất của Liên Xô trong các cơ quan tình báo Mỹ. Đó là hai sĩ quan CIA Aldrich Ames, Edward Lee Howard, và nhân viên FBI Robert Hanssen. hiện nay danh sách này được bổ sung thêm người thứ tư: cựu Phó Giám đốc Trung tâm phản gián của CIA Paul Redmond.

Xin trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện về vấn đề này giữa phóng viên tuần báo “Luận Chứng” (AN) và cựu Đại tá tình báo Liên Xô Sergey Shaposhnikov.

Cuốn sách giật gân

Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng, Robert Baer là điệp viên CIA. Một thời gian dài, ông từng hoạt động tình báo ở Iraq, Ấn Độ, Tajikistan, Maroc và các nước khác. Sau khi nghỉ hưu, ông viết cuốn tự truyện với chú thích “tác giả là một trong những kẻ đánh bom xuất sắc nhất của CIA”. Sau đó, Baer xuất bản thêm một số cuốn sách nữa và cuốn nào cũng trở thành sách bán chạy nhất.

Paul Redmond.

Paul Redmond.

Nhưng cuốn sách mới nhất của ông “Người thứ tư” đã trở thành một quả bom tấn trong thế giới tình báo.

Trong đó, Baer nêu tên một nhân viên tình báo cấp cao của Mỹ, người được coi là đã làm việc cho tình báo Liên Xô. Và chưa bao giờ bị phát hiện. Ông vẫn còn sống, khỏe mạnh và được hưởng một khoản lương hưu hậu hĩnh của CIA.

Baer biết về “Người thứ tư” qua nhân viên phản gián Mỹ Lane Bannerman, người đóng vai trò chính trong cuộc săn lùng “siêu chuột chũi” bất thành. Ông cũng nhận được thông tin quan trọng từ các đồng nghiệp cũ khác, họ đảm bảo với ông rằng điệp viên Nga thứ tư chắc chắn tồn tại trong giới lãnh đạo chóp bu CIA.

Đó là cựu Phó Giám đốc Trung tâm phản gián của CIA Paul Redmond. Trong các cơ quan tình báo Mỹ, ông là nhân vật nổi tiếng, kẻ săn lùng "chuột chũi” Nga quan trọng nhất. Còn bây giờ bản thân ông bị nghi vấn.

Đại tá Sergey Shaposhnikov.

Đại tá Sergey Shaposhnikov.

Để tránh bị kiện, theo lời khuyên của các luật sư, Baer nhận xét một cách thận trọng rằng ông “không hoàn toàn chắc chắn” về khả năng phản bội của Redmond, đồng thời thừa nhận rằng “hầu hết các điều bất thường được phát hiện có thể mang tính chất hoàn toàn vô hại và “tuyệt nhiên không đòi hỏi điệp viên Nga đến giải trình tại tầng bảy, tầng kín nhất của trụ sở CIA trước những con mắt tò mò”.

Hiển nhiên, sau khi đọc “Người thứ tư”, Redmond ngay lập tức tuyên bố bác bỏ mọi cáo buộc chống lại mình trong cuốn sách. Tuy vậy, ông quyết định không làm đơn kiện đồng nghiệp cũ của mình. Và điều này dẫn đến những nghi ngờ mới.

Robert Baer tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa. Ông viết: “Người thứ tư này là điệp viên hoàn hảo. Có thể ông ta đã thông báo cho người Nga tất cả những điều CIA đã làm hoặc dự định làm đối với nước Nga... Ông ta làm gián điệp không phải vì tiền, và do đó không bị bắt”. Quả thật, Redmond hiện đã nghỉ hưu và sống rất khiêm tốn. Tuy nhiên, ngay cả trong thời gian phục vụ tại CIA, ông cũng không bao giờ tỏ ra là người thích sống xa hoa, vốn là điều đã khiến 3 “siêu chuột chũi” khác bị tố giác.

Aldrich Ames.

Aldrich Ames.

Thiệt hại lớn đối với nước Mỹ

Các điệp viên Liên Xô tại các cơ quan tình báo Mỹ - Ames, Howard và Hanssen - đã giúp phát hiện hàng chục kẻ phản bội được người Mỹ tuyển mộ. Chính họ đã khiến cho CIA mất đi những nguồn thông tin quý giá của mình trong một thời gian dài. Người ta khẳng định rằng các điệp viên Mỹ đã mất cơ hội nhận được bất cứ thông tin đáng tin cậy nào từ Moscow nói chung.

Cho đến nay, Aldrich Ames được coi là điệp viên số 1 trong bộ ba này. Sau đây là nhận xét của những điệp viên Liên Xô đào tẩu về ông. Oleg Gordyevsky phát biểu trên Đài tiếng nói Hoa Kỳ rằng đối với KGB, Aldrich Ames là một trong những điệp viên có giá trị nhất tại các cơ quan tình báo Mỹ trong suốt lịch sử: “Tầm quan trọng của Aldrich Ames đối với KGB và tình báo Nga là cực lớn - ông ấy là điệp viên lớn nhất của các cơ quan này ở Mỹ”.

Một kẻ phản bội khác, Viktor Suvorov, nói: “Trường hợp Ames cho thấy nước Mỹ dễ bị tổn thương biết bao - một người ở vị trí như vậy và có quyền tiếp cận thông tin như vậy, hóa ra, có thể bị tình báo của một quốc gia không hoàn toàn thân thiện tuyển mộ.

- Aldrich Ames giữ chức vụ gì trong cơ quan tình báo Mỹ? - phóng viên “AN” hỏi Đại tá Shaposhnikov.

Sergey Shaposhnikov trả lời:

- Đây là những gì Aldrich Ames đã viết trong bức thư đầu tiên gửi cho người đại diện cơ sở tình báo Liên Xô ở Mỹ.

“Tôi, Aldrich H. Ames, là sĩ quan CIA phụ trách lĩnh vực phản gián chống Liên Xô. Tôi làm việc ở New York với mật danh Andy Robinson. Tôi cần 50.000 USD để đổi lấy thông tin về ba điệp viên mà chúng tôi hiện đang tuyển mộ ở Liên Xô”.

Ames bỏ bức thư vào phong bì cùng với một trang danh bạ điện thoại nội bộ của CIA, trên đó ông gạch chân họ tên của mình. Trên phong bì ông viết: “Kính gửi Gen. Androsov, đại diện KGB", rồi bỏ nó vào một phong bì khác, không đề gì cả.

- Điệp viên số 1 của chúng ta đã gây ra những thiệt hại gì cho các cơ quan tình báo Mỹ? - nhà báo tiếp tục hỏi vị sĩ quan tình báo - Có đúng là Ames đã tố giác 12 nhân viên CIA ở Moscow và tiết lộ hơn 50 chiến dịch của CIA chống Liên Xô, đổi lại, ông ta đã nhận được 2,7 triệu USD của KGB không?

- Các số liệu này bị hạ thấp đáng kể, - Đại tá Shaposhnikov nói - Còn đây là những gì nhà báo Mỹ Pete Earley viết trong cuốn sách “Lời thú tội của một điệp viên. Câu chuyện có thật về Aldrich Ames”, xuất bản năm 1997 tại Mỹ. Tác giả chứng minh một cách thuyết phục rằng Aldrich Ames đã tố giác 25 điệp viên CIA. Nhưng hiện nay chúng ta chỉ biết tên 18 "chuột chũi”.

Trong cuốn sách “Tên gián điệp sát nhân”, nhà báo Mỹ Peter Maas kể lại cuộc trò chuyện sau đây giữa Aldrich và điệp viên FBI thẩm vấn ông ta như sau: “Garin hỏi: “Nếu phải làm lại từ đầu, ông chọn CIA hay KGB?”. Không một chút do dự, Ames nói: “KGB. Tôi đã cung cấp cho họ tất cả mọi thứ. Thông tin mà tôi sở hữu là một mỏ vàng. Thực chất, đây là chìa khóa mở cửa thiên đường…”.

Theo Đại tá Shaposhnikov, Moscow chưa tận dụng hết những chìa khóa này do sự phản bội ở giới lãnh đạo chóp bu. Nhưng đó quả là một thiệt hại lớn đối với nước Mỹ.

Robert Baer, tác giả cuốn sách “Người thứ tư”.

Robert Baer, tác giả cuốn sách “Người thứ tư”.

Những giả thuyết về thất bại của Aldrich Ames

Chiến dịch bắt giữ Ames do Paul Redmond, người hiện nay bị nghi vấn phản bội, chỉ huy. Chính ông là người đã nhiều năm tìm kiếm những con “chuột chũi” Liên Xô ở CIA. Và thậm chí một lần ông ta còn kiểm tra Aldrich Emes trên máy phát hiện nói dối. Quả thật, lúc bấy giờ Aldrich Ames đã đánh lừa được máy. Nhưng cuối cùng, ông cũng không tránh khỏi thất bại.

Ai là người có lỗi trong việc này?

Về mặt chính thức, CIA giải thích việc bắt giữ Aldrich Ames bằng các phương pháp hiện đại nhất. Họ nói rằng nếu trước đây các “chuột chũi” bị bắt trên cơ sở thông tin nhận được từ chính các điệp viên của họ làm việc ở nước ngoài, thì hiện nay họ bắt đầu tiến hành công việc điều tra trong khuôn khổ hệ thống an ninh nội bộ. Aldrich Ames được cho là đã bị chính các đồng nghiệp của mình theo dõi nhiều năm liền, sau khi phát hiện anh ta sống vượt quá khả năng của mình.

Nhà tình báo Liên Xô nổi tiếng Boris Solomatin cho rằng: “Aldrich Ames nên tự trách mình vì đã phạm rất nhiều sai lầm. Thông tin về nguồn gốc số tiền được xác minh dễ dàng, ngừng báo cáo về các cuộc gặp chính thức với liên lạc viên, nơi chuyển giao tiền và tài liệu, gửi tiền vào ngân hàng ngay ngày hôm sau sau khi gặp liên lạc viên, giữ các tài liệu bí mật ở nhà, nói chuyện điện thoại với vợ về các vấn đề tác chiến, mua một căn nhà và một chiếc ô tô đắt tiền không phải trả góp như thường lệ; lối sống quá xa hoa đó đã đập vào mắt mọi người xung quanh.

Tuy nhiên, Trung tướng KGB đã nghỉ hưu Nikolay Leonov, nguyên Cục trưởng Cục Phân tích của KGB (1991) và Phó tổng cục trưởng Tổng cục 1 của KGB phụ trách châu Mỹ (1983-1990), nói: “Tôi có thể khẳng định rằng Aldrich Ames đã bị phản bội ở chính Moscow”. Và làm điều đó là những người có liên quan trực tiếp tới vụ án Aldrich Ames”.

Ý kiến của Trung tướng KGB Nikolay Leonov được cựu Chủ tịch KGB Vladimir Kryuchkov chia sẻ. Trong cuốn sách của mình “Chuyện riêng tư”, ông viết: “... Giả thuyết về thất bại của Aldrich Ames có nhiều, thậm chí rất nhiều, nhưng theo tôi, trong đó có hai giả thuyết đáng ngờ nhất: các cơ quan tình báo Mỹ tình cờ phát hiện ra Aldrich Ames và sự sai lầm, bất cẩn của anh ta. Nguyên nhân thất bại được báo chí Mỹ đưa ra - Aldrich Ames chi tiêu quá mức cho mục đích cá nhân - rất có thể là một thủ đoạn đánh lạc hướng, một nỗ lực nhằm che giấu nguyên nhân thực sự của thất bại đó, một sự bịa đặt dành cho những kẻ ngây thơ. Trình độ nghiệp vụ của điệp viên này, phẩm chất cá nhân và nghề nghiệp của anh ta hoàn toàn cho phép dự đoán rằng trong trường hợp này, Aldrich Ames bị phản bội bởi ai đó trong số những kẻ có liên quan tới công việc của anh ta hoặc bằng cách nào đó nhận được thông tin về anh ta…”.

Thật vậy, nhiều nhân viên tình báo Liên Xô khẳng định rằng Aldrich Ames bị sĩ quan tình báo Liên Xô Aleksandr Zaporozhsky, mật danh là Max, phản bội. Zaporozhsky được tình báo Mỹ tuyển mộ ở một quốc gia Đông Phi vào cuối những năm 1980. Năm 2003, Zaporozhsky bị kết án 18 năm tù vì tội phản quốc. Năm 2010, cùng với Sergey Skripal và hai người khác, Aleksandr Zaporozhsky được trao đổi với 10 công dân Nga bị buộc tội làm gián điệp ở Mỹ.

Chính Zaporozhsky đã báo cáo với người Mỹ rằng thông qua một trong những “chuột chũi” của họ, các điệp viên Nga thậm chí biết cả những chi tiết như kích thước, hình dạng và màu sắc của các tấm thẻ các-tông, trên đó ghi và lưu giữ tên thật của các điệp viên và người cung cấp thông tin bí mật nhất của CIA. Chỉ một số ít lãnh đạo CIA có thể tiếp cận những tấm thẻ này; cả Ames, Howard và đặc biệt là Hanssen, người làm việc ở cơ quan khác, đều không biết gì về chúng.

Max cũng nêu chính xác tên của tất cả các quan chức CIA bí mật trực tiếp tham gia vào chiến dịch chống Liên Xô và thường xuyên có mặt trong các cuộc họp kín. Ngay cả bộ ba “chuột chũi” đã bị bắt cũng không biết tên tuổi, thời gian và địa điểm tiến hành các cuộc họp. Chỉ một vài cán bộ lãnh đạo của cơ quan tình báo Mỹ mới có thể tiếp cận thông tin tuyệt mật này. Một trong số họ hiện đang bị nghi ngờ là “chuột chũi” thứ tư, Paul Redmond.

Anh Duy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/ai-la-diep-vien-quan-trong-nhat-cua-tinh-bao-lien-xo-o-my--i743882/