Bầu cử Tổng thống Mỹ: Một số điều nên biết

Ngày 5/11/2024, sẽ diễn ra cuộc bầu cử để bầu lên vị Tổng thống thứ 47 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Bầu cử Tổng thống Mỹ luôn thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận và truyền thông, báo chí thế giới.

Hai ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 5/11/2024 Donald Trump và Kamala Harris. Nguồn: Tiffany Herring, Axios

Hai ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 5/11/2024 Donald Trump và Kamala Harris. Nguồn: Tiffany Herring, Axios

Tổng thống Mỹ được bầu ra như thế nào?

Từ những ngày đầu lập quốc và thông qua bản Hiến pháp (năm 1787), các nhà sáng lập nước Mỹ đã thiết kế nên một kiểu bầu cử Tổng thống Liên bang phải nói là "độc nhất vô nhị", vừa mang tính trực tiếp vừa mang tính gián tiếp. Người dân Mỹ (chính xác là cử tri Mỹ) không trực tiếp bầu ra Tổng thống của họ mà đại diện cử tri (đại cử tri) mới là những người trực tiếp bỏ phiếu bầu Tổng thống. Vai trò của cử tri rất quan trọng, lá phiếu của họ quyết định tỷ lệ cử tri trong từng tiểu bang ủng hộ ứng cử viên.

Đại cử tri được lựa chọn như thế nào? Trước mỗi kỳ bầu cử, các đảng (thực chất chỉ là Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ) lựa chọn những đảng viên kỳ cựu, có uy tín, trung thành với ứng cử viên Tổng thống của Đảng để làm đại cử tri tại từng tiểu bang.Số lượng đại cử tri tại mỗi tiểu bang bằng với số Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ của bang đó cộng lại, mà theo quy định của Hiến pháp Mỹ thì mỗi bang đều có 2 thượng nghị sĩ và ít nhất 1 hạ nghị sĩ, như vậy số đại cử tri tại một tiểu bang ít nhất là 3.

Tùy theo số dân tại mỗi tiểu bang mà số lượng hạ nghị sĩ của bang đó khác nhau, đồng nghĩa số phiếu đại cử tri khác nhau. Ví dụ: bang California là bang đông dân nhất hiện nay, do đó có 52 ghế hạ nghị sĩ, cộng với 2 ghế thượng nghị sĩ nên tổng số đại cử tri của bang này là 54. Đặc khu Colombia (thủ đô Washington D.C) được phân bổ 3 phiếu đại cử tri, mặc dù đặc khu này không có đại biểu trong cả thượng viện và hạ viện. Tổng số đại cử tri của 50 bang và Đặc khu Colombia là 538. Để giành chiến thắng trong cuộc đua đến ghế Tổng thống,mỗi ứng cử viên cần đạt ít nhất 270 phiếu đại cử tri.

Quy tắc "Được ăn cả, ngã về không"

Trong một số cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trước đây, đã xuất hiện hiện tượng ứng cử viên giành được nhiều phiếu phổ thông nhất nhưng lại thất cử (như cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000 giữa 2 ứng cử viên G. Bush và Al Gore; cuộc bầu cử năm 2016 giữa 2 ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump).

Tại sao lại có điều bất hợp lý này? Thứ nhất, như trên đã nói, cử tri Mỹ không trực tiếp bầu ra Tổng thống; thứ hai, luật bầu cử ở đại đa số tiểu bang ở Mỹ có một quy định gọi là "Winner-takes-all" - hiểu nôm na là "Được ăn cả ngã về không" như câu thành ngữ tiếng Việt (trừ 2 bang Nebraska và Maine không áp dụng quy tắc này). Quy tắc này có thể hiểu, tại một tiểu bang nào đó, nếu tỷ lệ phiếu cử tri bầu cho đảng D lớn hơn so với tỷ lệ phiếu bầu cho đảng R thì toàn bộ số phiếu đại cử tri của bang đó sẽ thuộc về ứng cử viên của đảng D. Ví dụ: bang California có 54 phiếu đại cử tri, khi diễn ra cuộc bầu cử, tỷ lệ cử tri bầu cho đảng D là 48%, bầu cho đảng R là 47% (5% cho các ứng cử viên còn lại) thì khi đó, toàn bộ 54 phiếu đại cử tri của bang California đều thuộc về ứng cử viên của đảng D.

Sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu tại từng bang, tổng cộng 538 đại cử tri sẽ tập trung tại thủ đô Washington D.C để bỏ phiếu bầu ra Tổng thống (diễn ra vào ngày 6/1 năm kế đó). Vậy có bao giờ đại cử tri mặc dù đại diện cho đảng này lại bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng khác? Điều này chưa từng xảy ra, bởi ở một số bang có luật quy định không cho phép việc này, hơn nữa, đại cử tri của các đảng đã được lựa chọn kỹ lưỡng, trong đó có yêu cầu về sự trung thành. Sau khi được xác nhận kết quả, Tổng thống mới sẽ tuyên thệ nhậm chức tại lưỡng viện Quốc hội vào ngày 20 tháng 1 năm kế sau bầu cử.

Một số chuyện thú vị về các tổng thống Mỹ

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 là cuộc đua giữa hai ứng cử viên Kamala Harris - đương kim Phó Tổng thống, đại diện cho Đảng Dân chủ và Donald Trump - cựu Tổng thống, đại diện cho Đảng Cộng hòa. Dù kết quả cuộc bầu cử này có thắng lợi thuộc về ai thì nước Mỹ cũng sẽ có những điều đầu tiên:

- Nếu bà K. Harris giành chiến thắng thì người dân Mỹ sẽ có nữ tổng thống đầu tiên, cũng là tổng thống có gốc Á đầu tiên (mẹ của bà Harris là người gốc Ấn Độ).

- Nếu D. Trump đắc cử thì ông sẽ trở thành vị tổng thống già nhất nhậm chức (78 tuổi 7 tháng), phá "kỷ lục" cũ của Tổng thống J. Biden (ông nhậm chức vào tháng 1/2021 khi 78 tuổi 2 tháng).

- Kể từ năm 1789 (năm bầu cử Tổng thống đầu tiên), đến nay nước Mỹ đã có 46 vị Tổng thống, xung quanh đó có nhiều điều khá thú vị:

(1) Người đảm nhiệm chức vụ Tổng thống lâu nhất là Franklin Delano Roosevelt - Tổng thống thứ 32: ông đắc cử 4 nhiệm kỳ liên tiếp từ 1933 đến 1945, tuy nhiên, nhiệm kỳ thứ tư của ông chỉ kéo dài vài tháng do ông qua đời vì bệnh. Sau khi ông Roosevelt qua đời vài năm thì Tòa án tối cao Mỹ đã thông qua bản Tu chính án giới hạn nhiệm kỳ Tổng thống tối đa chỉ là 2.

(2) Ngược lại, William Henry Harrison (Tổng thống thứ 9) là vị Tổng thống có thời gian tại nhiệm ngắn nhất: ông chỉ làm Tổng thống chỉ 1 tháng thì qua đời do viêm phổi.

(3) Stephen Grover Cleveland là Tổng thống duy nhất cho đến nay phục vụ 2 nhiệm kỳ không liên tiếp: ông là Tổng thống thứ 22 (1885 - 1889) và tiếp tục là Tổng thống thứ 24 (1893 - 1897), sau khi thất bại trong cuộc bầu cử năm 1888. Nếu đắc cử tới đây, ông Trump sẽ là vị Tổng thống thứ 2 làm được điều tương tự.

(4) Có 2 vị cựu Tổng thống qua đời cùng một ngày, và đặc biệt hơn là ngày mất đó lại là Ngày Quốc khánh nước Mỹ: Tổng thống thứ hai John Adams (nhiệm kỳ 1797 - 1801) và Tổng thống thứ ba Thomas Jefferson (nhiệm kỳ 1801 - 1809) - cả hai ông đều qua đời ngày 4/7/1826.

(5) Trong lịch sử nước Mỹ cho đến nay có 2 cặp cha con cùng làm Tổng thống: Tổng thống thứ hai John Adams (nhiệm kỳ 1797 - 1801) và con trai ông là Tổng thống thứ sáu John Quincy Adams (nhiệm kỳ 1825 - 1829); Tổng thống thứ 41 George Herbert Walker Bush (nhiệm kỳ 1989 - 1993) và con trai ông là Tổng thống thứ 43 George Bush (nhiệm kỳ 2001 - 2009). Ngoài ra còn có 2 ông cháu cũng đã từng là Tổng thống nước Mỹ: Tổng thống thứ 9 William Henry Harrison (1841) và cháu nội ông là Tổng thống thứ 23 Benjamin Harrison (nhiệm kỳ 1889 - 1893).

(6) Tổng thống thứ 44 Barack Obama (nhiệm kỳ 2009 - 2017) là Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ. Nếu đắc cử trong cuộc bầu cử sắp tới, bà Kamala Harris sẽ là Tổng thống da màu thứ hai.

Ngọc Anh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/bau-cu-tong-thong-my-mot-so-dieu-nen-biet-146335.html