Bầu cử Tổng thống Pháp 2022: Ẩn số khó lường
Năm 2022 mang ý nghĩa quan trọng đối với nền chính trị nước Pháp khi sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống, để tìm chọn nhà lãnh đạo mới cho giai đoạn 5 năm tiếp theo (2022 – 2027).
Với thời gian chỉ còn khoảng 4 tháng, nhiều nhà phân tích nhận định cuộc bầu cử tới đây sẽ là cuộc đua tranh vô cùng quyết liệt và chiến thắng chỉ được quyết định tại vòng 2. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến nay dù chiếm ưu thế (với khoảng 25% số phiếu ủng hộ) nhưng vẫn có thể đi theo vết xe đổ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khi tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay tại Pháp ngày càng trầm trọng, có thể lấy đi mọi thành quả nhiệm kỳ, trong khi các đối thủ đang khoét sâu khai thác điểm yếu này để giành thêm sự ủng hộ.
Sự trỗi dậy của các chính đảng truyền thống
Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017 được xem là thất bại toàn diện của những thế lực chính trị truyền thống, đặc biệt là hai chính đảng lớn nhất luân phiên nhau cầm quyền từ trước đến nay là Đảng Xã hội (PS) cánh tả và đảng “Những người Cộng hòa” (LR) cánh hữu.
5 năm sau, đảng “Những người Cộng hòa” dường như đã tạm thời gác lại bất đồng, chia rẽ để thống nhất giới thiệu gương mặt đại diện duy nhất là bà Valérie Pécresse, 53 tuổi, Chủ tịch vùng Ile-de-France. Bà Pécresse là cũng người phụ nữ đầu tiên tranh cử tổng thống từ đảng cánh hữu truyền thống, vốn do nam giới thống lĩnh, mà một số cựu tổng thống Pháp như Charles de Gaulle, Jacques Chirac và Nicolas Sarkozy từng là thành viên. Nhờ sự ủng hộ của gần như tất cả ứng cử viên lớn cánh hữu, uy tín của nữ chính trị gia này không ngừng tăng trong thời gian gần đây, hiện đã vươn lên vị trí thứ 2 trong các cuộc thăm dò với khoảng 18% cử tri ủng hộ.
Tự ví mình với Margaret Thatcher vì sự kiên cường và một “bàn tay chắc chắn”, nhưng cũng muốn lãnh đạo giống như Angela Merkel chèo lái nước Đức, bà Pecresse hứa hẹn tạo ra một “làn gió mới”, trở thành đối trọng thách thức đối với ông Macron trong cuộc bầu cử vào tháng 4/2022. Bên cạnh đó, uy tín của đảng “Những người Cộng hòa” đang lên cao khi số lượng đảng viên tăng gần như gấp đôi chỉ trong vài tháng gần đây.
“Thống nhất nước Pháp” cũng là khẩu hiệu của nữ ứng cử viên đảng Xã hội, đồng thời là Thị trưởng thành phố Paris, bà Anne Hidalgo đưa ra để đoàn kết cánh tả bị chia rẽ và rơi vào cuộc khủng hoảng đường lối kể từ sau nhiệm kỳ Tổng thống của ông Francois Hollande năm 2017. Đại dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm qua khiến các vấn đề dân sinh, xã hội - những chủ đề “ưu thích” và là điểm mạnh của cánh tả - trở lại, trở nên cấp thiết và trở thành mối quan tâm hàng đầu của công luận. Cụ thể là “đòi hỏi can thiệp của Nhà nước”, “chống bất bình đẳng”, “tái công nghiệp hóa”, “sức mua”, “chú ý đến những người nghèo khổ nhất”…
Theo tờ báo Le Monde, bên lề các cuộc mít tinh và xuất hiện trước công chúng, các cuộc thảo luận tìm kiếm sự thống nhất giữa các bên vẫn tiếp tục. Bầu cử Tổng thống Pháp vốn có truyền thống tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ vào phút cuối nên ngoài bà Anne Hidalgo, các chính trị gia hàng đầu của cánh tả như các ông Jean-Luc Mélenchon (đảng Nước Pháp Bất Khuất), Yannick Jadot (lãnh đạo đảng Xanh) hay Fabien Roussel (Bí thư toàn quốc đảng Cộng sản Pháp) đều có thể bứt phá nếu nhận được sự hậu thuẫn từ các ứng viên còn lại.
Sức mạnh của các ứng cử viên cực hữu và dân túy
Kể từ hai thập niên trở lại đây, lực lượng cực hữu đã trở thành đối trọng lớn trong mỗi cuộc bầu cử, thu hút lá phiếu cử tri nhờ đánh trúng tâm lý người lao động với quan điểm phản đối người nhập cư, bảo vệ bản sắc Pháp và khôi phục chủ quyền quốc gia. Các cuộc thăm dò cũng cho thấy, bà Marine Le Pen, 48 tuổi, lãnh đạo đảng “Tập hợp quốc gia” (RN), đang nhận được 16% số phiếu, có thể sẽ cùng Tổng thống Emmanuel Macron tái hiện lại cuộc đua năm 2017.
Trong vài tháng qua, chính trường Pháp cũng chứng kiến sự nổi lên nhanh chóng của một nhân vật theo xu hướng dân tộc, cực hữu khác là ông Eric Zemmour, 63 tuổi và có nguồn gốc Do thái. Xuất thân từ lĩnh vực truyền thông, ông Eric Zemmour được ví như một Donald Trump phiên bản Pháp với tham vọng chính trường khi đặt tên đảng là “Chinh phục trở lại” (Reconquête) cùng khẩu hiệu tranh cử “Không gì là không thể với người Pháp”, vốn gắn liền với Hoàng đế Napoléon Bonaparte nổi tiếng trong lịch sử.
Quan điểm chống người nhập cư và chống đạo Hồi của ông Eric Zemmour nhận được cả sự lên án và lẫn ủng hộ ở Pháp. Nhiều chuyên gia đánh giá ông là một nhân tố có thể gây ra bất ngờ lớn cho cuộc bầu cử sắp tới, bởi đường lối cực hữu nhận đang nhận được sự ủng hộ ngang ngửa với ứng viên Marine Le Pen.
Sự “im lặng” của đương kim Tổng thống Emmanuel Macron
Tổng thống Emmanuel Macron là một trường hợp đặc biệt của chính trị Pháp. 5 năm trước, ông là một hiện tượng, một nhân tố mới hoàn toàn trên chính trường Pháp, từng là thành viên đảng Xã hội tách ra hoạt động độc lập với đường lối chính trị không theo phe nào, cả tả và hữu, tự xem mình là người “đứng giữa”. Chính vì thế, khi thành lập đảng “Tiến bước (En Marche), sau này là đảng “Nền Cộng hòa Tiến bước” (La République En Marche - LREM), ông tạo được sự thu hút mạnh mẽ đối với cử tri Pháp và trở thành tổng thống trẻ nhất của nước Pháp.
Đến nay, ông Emmanuel Macron vẫn chưa có bất kỳ động thái hay tuyên bố nào liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022. Lịch làm việc của Tổng thống Pháp vẫn dày đặc các hoạt động nhưng tập trung chủ yếu cho việc xử lý cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 tại Pháp và thúc đẩy các ưu tiên đối ngoại khi Pháp đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu trong nửa đầu năm 2022, trùng với thời gian bầu cử.
Động thái đáng chú ý nhất gần đây của ông Macron là cuộc trả lời phỏng vấn trên Đài truyền hình LCI và TF1 ngày 15/12 nói về các thành quả của nhiệm kỳ tổng thống 5 năm sắp khép lại. Tờ Le Monde đã chạy tựa trang nhất về cuộc phỏng vấn này với tên gọi: “Chiến dịch quyến rũ cử tri của Macron với đích ngắm 2022”, và nhận định ông Macron chưa chính thức ra tái tranh cử, nhưng có thể coi đây như là một hoạt động tranh cử thực sự.
Các nhà phân tích cho rằng, dù vẫn tạm dẫn đầu trong các cuộc thăm dò nhưng khi yếu tố “mới và bất ngờ” không còn nữa, ông Macron sẽ gặp không ít thách thức để tìm kiếm nhiệm kỳ thứ 2, nhất là khi những khó khăn do đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Cho đến lúc này, mọi dự đoán về kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022 đều đến từ các cuộc thăm dò dư luận, tức là không chính thức và cũng không phải là yếu tố quá chắc chắn. Đây là điều cần phải nói rõ bởi trong gần 4 tháng tới, tất cả mọi kịch bản đều có thể xảy ra và nhìn vào diễn biến khó lường trên chính trường Pháp thời gian qua cũng như những tác động khó lường từ đại dịch Covid-19 thì có thể thấy là mọi việc thay đổi rất nhanh./.