Bầu cử Tổng thống Tunisia: Kỳ vọng mang lại diện mạo mới cho đất nước
Cuộc bầu cử Tổng thống vòng II ở Tunisia đã khép lại với chiến thắng áp đảo của Giáo sư luật Kais Saied.
Trong bối cảnh Tunisia cho tới nay vẫn chưa giải quyết được các thách thức kinh tế, an ninh từ làn sóng gọi là "Mùa xuân Arab" làm chấn động các nước Trung Đông-Bắc Phi kể từ năm 2011, cuộc bầu cử Tổng thống lần này được kỳ vọng mang lại diện mạo mới cho đất nước Tunisia.
8 năm, 6 chính phủ
Cách đây 8 năm, ngày 14.1.2011, làn sóng “Mùa xuân Arab” làm chấn động các nước Trung Đông-Bắc Phi đã lật đổ 23 năm thống trị của chính quyền Tổng thống Zine El-Abidine Ben Ali, buộc ông phải bỏ trốn và sống lưu vong ở nước ngoài.
Sau làn sóng nổi dậy trong khu vực, Tunisia được cho là quốc gia duy nhất xây dựng thành công nền dân chủ mà không dẫn đến bạo lực. Người dân Tunisia bắt đầu hy vọng về giai đoạn phát triển tốt đẹp hơn của đất nước, khi Chính phủ mới sẽ tạo ra nhiều việc làm, trợ cấp, an sinh xã hội và kéo theo nhiều yếu tố tích cực khác.
Tuy nhiên, đã trải qua sáu chính phủ khác nhau cùng quá trình chuyển đổi dân chủ quá lâu, cho tới nay Tunisia vẫn chưa giải quyết được các thách thức kinh tế, bao gồm lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao. Trong khi đó, các vụ tấn công bạo lực cũng khiến các nhà đầu tư và khách du lịch ngần ngại đặt chân tới quốc gia này.
Thực tế, từ năm 2011, tình trạng kinh tế của Tunisia ngày càng trở nên tồi tệ. Nợ công từ mức tương đương 39,2% GDP trong năm 2010 đã lên tới 60,6% vào năm 2016. Đồng nội tệ dinar giảm 40% giá trị so với đồng USD. Tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức cao, nhất là trong giới trẻ (ước tính ở vào khoảng 35%), tình trạng mù chữ ngày càng tăng và ngày càng nhiều khu vực bị gạt ra khỏi sự phát triển của xã hội.
Viện Thống kê Quốc gia của Tunisia cho biết thâm hụt thương mại ở nước này trong tháng 12.2017 đã tăng lên mức kỷ lục là 6.25 tỷ USD. Trong khi đó, giá nhiên liệu và giá cả các loại hàng hóa cũng như dịch vụ cơ bản liên tục tăng. Ngân sách năm 2018 cũng gia tăng thuế hải quan đối với một số mặt hàng nhập khẩu, còn Chính phủ cắt giảm tiền lương ở những bộ phận công. Người dân Tunisia thuộc mọi tầng lớp đều phàn nàn rằng điều kiện sinh hoạt của họ ngày càng đi xuống và thậm chí họ còn không thể thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu hàng tháng.
Cùng với khó khăn về kinh tế, an ninh cũng là vấn đề gây quan ngại tại Tunisia. Kể từ cuộc nổi dậy năm 2011, các phần tử thành chiến đã thực hiện các vụ tấn công ở Tunisia, làm hàng chục nhân viên an ninh và 59 du khách nước ngoài thiệt mạng. Sau vụ đánh bom liều chết xảy vào tháng 11.2015 tại thủ đô Tunis, làm 12 người thiệt mạng, Tunisia đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc.
Những bất bình về đời sống kinh tế xã hội, tình trạng bất ổn an ninh là nguyên nhân chính kích động các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn trên khắp đất nước Tunisia hồi tháng 1.2018. Những người biểu tình cho rằng, 6 chính phủ cầm quyền tại Tunisia kể từ sau làn sóng “Mùa xuân Arab” năm 2011 đã làm tiêu tan những hy vọng của người dân về công bằng xã hội và kinh tế, và khiến họ cảm thấy bị phản bội.
Không chỉ vậy, việc Chính phủ thông qua luật tài chính - chính thức có hiệu lực từ tháng 1.2018 càng đổ thêm dầu vào lửa. Luật đã được thông qua từ cuối năm 2017 và vấn đề này cũng đã nhiều lần được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông, song không mấy được dư luận quan tâm. Chỉ tới khi giá cả hàng hóa leo thang do tác động từ luật mới, người dân mới bắt đầu cảm nhận được những ảnh hưởng nghiêm trọng trong đời sống kinh tế xã hội mà họ phải gánh chịu. Và giọt nước cứ thế tràn ly.
Đáng quan ngại hơn, một số chính đảng tại Tunisia đã lợi dụng sự tức giận của người dân để giành lấy quyền lực với nhiều hứa hẹn, để rồi thất bại trong giải quyết vấn đề kinh tế. Vòng luẩn quẩn tiếp diễn, đẩy Tunisia tiếp tục lún sâu vào bất ổn.
Nhằm xoa dịu cơn thịnh nộ của người biểu tình trước đạo luật tài chính mới, ngày 13.1.2018 Chính phủ Tunisia đã công bố một loạt cải cách xã hội, trong đó bao gồm kế hoạch tăng hỗ trợ cho các gia đình nghèo, cung cấp nhà ở cho những gia đình khó khăn cũng như cải thiện dịch vụ chăm sóc y tế. Các nhà tài trợ quốc tế (gồm Ngân hàng Thế giới-WB, Quỹ Tiền tệ quốc tế-IMF, Ngân hàng Đầu tư châu Âu-EIB, Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu-EBRD…) cũng đã công bố khoản hỗ trợ trị giá 5,5 tỷ euro, giúp Tunisia ổn định nền kinh tế và hoàn thành tiến trình cải cách thế chế dân chủ.
Trong khi đó, Tổng thống Tunisia Béji Caïd Essebsi đã yêu cầu các nhà tài trợ quốc tế tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho Tunisia trong bối cảnh tình hình phục hồi kinh tế còn khá mong manh, đặc biệt là trước mối đe dọa khủng bố. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy khủng hoảng tại quốc gia này được lắng dịu. Do vậy, việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Tunisia đã trở nên cực kỳ cấp bách.
Ứng cử viên Kais Saied giành chiến thắng áp đảo
Ngay từ đầu năm 2018, nhiều người dân Tunisia đã hướng về cuộc bầu cử Tổng thống năm 2019 với hy vọng tìm kiếm một nhà lãnh đạo có tâm và có tầm, đưa quốc gia này thoát khỏi vũng lầy khủng hoảng.
Vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống Tunisia đã diễn ra hôm 15.9. Tham gia vòng bầu cử tổng thống Tunisia này có 26 ứng cử viên. Giáo sư luật Kais Saied và ông trùm truyền thông Nabil Karoui đã giành được 2 vị trí đầu tiên với số phiếu bầu lần lượt là 18,4% và 15,6%. Do không có ứng cử viên nào đạt được quá bán tuyệt đối phiếu bầu, Cơ quan bầu cử độc lập Tunisia (ISIE) buộc phải tổ chức vòng bỏ phiếu thứ 2 để cử tri lựa chọn ông Saied hoặc ông Karoui là người kế vị cố Tổng thống Beji Caid Essebsi.
Ngày 13.10, vòng II cuộc bầu cử Tổng thống Tunisia đã được tổ chức giữa hai ứng cử viên là Giáo sư luật Kais Saied và ông trùm truyền thông Nabil Karoui, những người đã vượt qua 24 ứng cử viên khác trong vòng 1 tổ chức hôm 15.9.
Dù kết quả chính thức dự kiến sẽ được công bố sau ngày 14.10, song theo kết quả hai cuộc thăm dò ngoài phòng bỏ phiếu tiến hành hôm 13.10, Giáo sư luật Kais Saied, 61 tuổi, dự kiến giành được số phiếu áp đảo so với đối thủ là ông trùm truyền thông Nabil Karoui. Kết quả thăm dò do hãng Emrod tiến hành cho thấy ông Saied dự kiến giành 72,53% số phiếu ủng hộ. Trong khi đó, một cuộc thăm dò tương tự do Sigma Consulting tiến hành cũng cho thấy ông Saied dành chiến thắng vang dội với 76,9% số phiếu bầu.
Khoảng 7 triệu cử tri Tunisia đã tham gia các cuộc bầu cử để bầu Tổng thống mới theo cách dân chủ, lần thứ 2 chỉ kể từ cuộc cách mạng năm 2011. Theo cơ quan bầu cử, tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử vòng một đạt 49%, giảm đáng kể so với mức 64% trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2014. Trong khi đó, số lượng cử tri đi bỏ phiếu vòng II cuộc bầu cử Tổng thống Tunisia cao hơn con số 49% của vòng đầu tiên.
Với chiến thắng áp đảo của ứng cử viên Kais Saied trong cuộc bầu cử Tổng thống Tunisia, hy vọng về những thay đổi mới, những người đủ sức đại diện cho người dân và có khả năng thật sự để lèo lái chính trường nói riêng và cả đất nước Tunisia sẽ đúng như kỳ vọng của người dân.