Bàu Nhum vẫn xanh giữa lòng cát bỏng

Trong nắng lửa gió Lào như thiêu như đốt của mùa hè, đập thủy lợi Bàu Nhum vẫn cứ đẹp như tranh vẽ, ngời lên trong nắng, làm mát lòng bao người

Có một công trình thủy lợi "vô tiền khoáng hậu", độc đáo không thể tưởng tượng nhưng lại chưa được nhiều người biết đến. Đó là đập thủy lợi Bàu Nhum, nằm cạnh Quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Sen Ngư, tỉnh Quảng Trị hiện nay, mà theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Quảng Trị, đây là một trong những hồ chứa nước độc đáo nhất của cả nước.

Cảnh đẹp đập thủy lợi Bàu Nhum như tranh vẽ

Cảnh đẹp đập thủy lợi Bàu Nhum như tranh vẽ

Sâu nặng tình người

Kỹ sư Nguyễn Ty Niên - nguyên Trưởng Ty Thủy lợi Vĩnh Linh (trước năm 1975) thời chiến tranh chống Mỹ, nguyên Cục trưởng Cục Đê điều, Phòng chống lụt bão của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hiện sống tại Hà Nội - hồ hởi kể với tôi khi tỉnh Quảng Trị đưa đoàn chuyên gia của Ngân hàng Châu Á đến hồ Bàu Nhum kiểm tra, để vay vốn nâng cấp công trình sau một sự cố sạt lở, vị trưởng đoàn chuyên gia đã thốt lên "đi khắp thế giới mà chưa gặp hồ chứa nước nào độc đáo và đẹp thế này!".

Thông tin từ ông Niên kích thích trí tò mò của tôi, càng thú vị hơn khi tôi được biết đập thủy lợi Bàu Nhum nằm ở tỉnh Quảng Bình (cũ) nhưng cung cấp nguồn nước tưới cho đồng lúa Vĩnh Linh của tỉnh Quảng Trị (cũ). Đúng vậy, trong bát cơm từ nhiều cánh đồng Vĩnh Linh có đất, nước và cả tình người sâu nặng từ Quảng Bình muôn vàn thân thương, gần gũi.

Làng quê Vĩnh Linh ở hạ nguồn đập thủy lợi Bàu Nhum

Làng quê Vĩnh Linh ở hạ nguồn đập thủy lợi Bàu Nhum

Tôi đã nhiều lần đến đập nước này và biết trong nhiều tài liệu còn ghi đập được "khai sinh" từ thời Pháp thuộc và tác giả là ông Nguyễn Ước, tham sự công chánh (sau này là Phó Ty Thủy lợi Vĩnh Linh).

Khó vẫn phải làm

Mọi sự sẽ trôi qua và như thế chắc chẳng ai để ý đến đập nước này nếu như không xảy ra một sự cố bất ngờ và nghiêm trọng vào thời điểm nhạy cảm, khi đất nước bị chia cắt ở vĩ tuyến 17.

Kỹ sư Niên nhớ khi ông vào Vĩnh Linh nhận công tác là năm 1962 thì lúc này hồ chứa nước Bàu Nhum đã có, với dung tích 1,5 triệu m3 nước, nhưng vừa xảy ra sự cố đập cao 5 m bị vỡ, làm ngập lụt một vùng và cát lấp hàng chục hecta ruộng. Lúc đó, đài phát thanh của địch ở phía Nam vĩ tuyến suốt ngày rêu rao Vĩnh Linh để vỡ đập làm nhà trôi, người chết.

"Ông Trần Đồng, lúc đó là chủ tịch khu (Vĩnh Linh), gọi tôi lên, giao nhiệm vụ bằng mọi cách phải khôi phục lại công trình và đưa nước về tận cánh đồng Cổ Trai, sát Cửa Tùng, để khẳng định tính ưu việt của miền Bắc, làm yên lòng đồng bào bờ Nam giới tuyến. Một nhiệm vụ quả thật quá khó khăn, nặng nề trong tình thế "dầu sôi lửa bỏng" nhưng không còn con đường nào khác" - ông Niên trầm ngâm một lúc, rồi kể tiếp là biết khó như vậy nhưng vẫn phải lập tức bắt tay vào nghiên cứu.

Khó nhất là hồ sơ về công trình hầu như chẳng có gì, chỉ có thực địa là đập cát bị vỡ. Nhưng cũng từ đó, ông Niên vỡ vạc: "Chúng tôi phát hiện một điều rất lạ, là hồ chứa nước này nằm trọn vẹn giữa vùng đồi cát mênh mông. Khảo sát thấy có những phễu nước nằm trên dãy đồi cát trắng trùng trùng điệp điệp kéo ra sát biển, nên bước đầu tôi nhận định nguồn nước của hồ là do nước ngầm của dãy đồi cát trắng ven biển cung cấp".

Một đoàn cán bộ của các ngành chức năng kiểm tra quy trình vận hành ở đập thủy lợi Bàu Nhum

Một đoàn cán bộ của các ngành chức năng kiểm tra quy trình vận hành ở đập thủy lợi Bàu Nhum

Sau khi nhờ những nhà nghiên cứu chuyên ngành về địa chất ở Hà Nội hỗ trợ, kỹ sư Nguyễn Ty Niên nhận thấy cần phải tiếp bước người đi trước nhưng theo cách của mình.

"Tôi nhận thấy công trình cũ xảy ra sự cố vỡ đập nhưng giải pháp công trình của người tiền nhiệm là sáng tạo, cần nghiên cứu bổ sung những hạn chế do đánh giá nguồn nước đến không chính xác nên nước tràn đập và kết cấu nước thân đập có thể là nguyên nhân gây vỡ hồ" - ông Niên nói tiếp.

Nhưng quá trình thực hiện còn khó hơn rất nhiều. Vì khi đưa bản thiết kế ra Hà Nội gặp các nhà quản lý, các nhà khoa học thì hầu như không ai đồng tình, vì một lý lẽ giản đơn: Trên thế giới không ai xây đập thủy lợi bằng cát cả, mà nếu có thì hoang tưởng hoặc lãng mạn mà thôi. Có người ủng hộ nhưng lại không phê duyệt.

Công trình độc đáo

Kỹ sư Niên nhớ lúc đó đành phải quay lại Vĩnh Linh, báo cáo lãnh đạo khu vực. Ông Trần Đồng hỏi thẳng: "Bộ không duyệt nhưng trước yêu cầu bức bách của nhiệm vụ chính trị vùng giới tuyến, anh là kỹ sư, anh có làm được không?".

Ông Niên đáp làm được và tin chắc sẽ thành công. Thế rồi công việc được khẩn trương tiến hành, chủ yếu bằng thủ công và dòng nước đã theo dòng kênh dài gần 30 km từ Quảng Bình vào tận Vĩnh Linh, về đến Cổ Trai tưới mát cho ruộng đồng. Nhưng chưa phải mọi chuyện đã "xuôi chèo mát mái".

Cuối năm 1964, ông Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Quốc hội - vào Vĩnh Linh công tác. Ông Trần Đăng Khoa vốn là kỹ sư công chính uyên thâm lại đang kiêm nhiệm chức Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi.

Khi nghe lãnh đạo Vĩnh Linh báo cáo việc xây dựng đập thủy lợi Bàu Nhum là đập bằng cát, chứa 7 triệu m3 nước, ông Khoa rất lấy làm ngạc nhiên và nổi giận, vì nghĩ cấp dưới làm ẩu, phản khoa học. Ông Trần Đồng cũng phát hoảng, vì là người ký duyệt việc thực hiện công trình. Kỹ sư Nguyễn Ty Niên cũng được gọi lên và bị phê bình gay gắt. Vậy nhưng, khi đến thị sát đập, thấy công trình thơ mộng, an toàn, ông Trần Đăng Khoa dịu đi phần nào.

Thấy thế, kỹ sư Niên tranh thủ báo cáo: "Đây là công trình xuất phát từ đặc điểm cơ bản là hồ chứa nước ngầm nằm giữa vùng đồi cát mà mấu chốt là xác định được chiều cao tối đa của đập để đưa mực nước ngầm về thế bão hòa. Đó là sự tinh tế để tìm ra những giải pháp kỹ thuật mà không sách vở nào có cả, trừ những luận cứ khoa học xuất phát từ thực tiễn để đi đến luận giải chỉ có đắp đập bằng cát mà không thể thay thế các vật liệu khác, cũng như lựa chọn giải pháp lấy nước bằng ống xi phong vắt qua thân đập, đặc biệt là kết cấu tầng lọc ngược, bảo đảm cho thân đập an toàn không bị thấm trôi".

Sau khi đi thực địa, nghe kỹ sư Niên báo cáo cụ thể về phương án thiết kế, thi công và chứng kiến tận mắt một đập nước độc đáo, không theo bài bản sách vở nào mà vẫn vững chãi, phát huy tác dụng thủy lợi thiết thực, vừa tạo được cảnh quan xinh đẹp, trữ tình như một bức tranh thì ông Trần Đăng Khoa mới yên lòng, đổi giận làm vui, trầm trồ khen ngợi cấp dưới.

Vậy là nhờ đó mà công trình đã được xây dựng bằng phương pháp thủ công nên giá thành rất thấp, hoàn thành vào năm 1963, với đập ngăn cao trên 10 m, đắp đồng chất bằng cát trắng, tưới cho 800 ha của khu vực Vĩnh Linh trước đây.

Bây giờ thì trong nắng lửa gió Lào như thiêu như đốt của mùa hè, hồ Bàu Nhum, gọi đúng hơn là đập thủy lợi Bàu Nhum, vẫn cứ đẹp như tranh vẽ, ngời lên trong nắng, làm mát lòng bao người.

Ông Hồ Xuân Hòe, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Trị (cũ), bộc bạch: "Đây là một công trình độc đáo đến mức kỳ lạ. Hơn thế, nó còn là minh chứng cho tình nghĩa keo sơn giữa tỉnh Quảng Bình với tỉnh Quảng Trị trước đây. Điều này càng có ý nghĩa khi 2 tỉnh về chung một nhà".

Hơn nửa thế kỷ tồn tại, lại trải qua chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ nhưng đến nay, đập thủy lợi Bàu Nhum vẫn vững chắc và phát huy hiệu quả. Một kết cục có hậu và mang nhiều ý nghĩa.

Bài và ảnh: Phạm Xuân Dũng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bau-nhum-van-xanh-giua-long-cat-bong-196250705180834932.htm