Báu vật của du lịch Bắc Giang
Nếu được tư vấn thực tiễn và bảo hành, du lịch cộng đồng Bắc Giang đủ sức đón khách gần xa, cả quốc tế và nội địa.
Bắc Giang gần như chưa có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam. Khách chỉ đi ngang, hoặc ghé dừng đi vệ sinh rồi đi tiếp lên Lạng Sơn và ngược lại. Tôi về Bắc Giang mấy ngày và ngỡ ngàng vì quá nhiều bất ngờ thú vị.
Vùng văn hóa nghĩa tình
Bắc Giang chiếm phần lớn vùng Kinh Bắc xưa, cùng Bắc Ninh là nôi di sản văn hóa phi vật thể thế giới – dân ca quan họ với 23 làng hát cổ ven sông Cầu. Nằm giữa hai cánh cung Đông Triều và Bắc Sơn, cách Hà Nội 50km, là “phên dậu”, “tứ trấn” kinh đô, cửa ngõ vùng Đông Bắc. Cùng tuổi Thăng Long, Bắc Giang hội tụ văn hóa Việt, giao thoa với các tộc người thiểu số Nùng, Tày, Sán Chay, Sán Dìu, Hoa, Dao…
Bắc Giang ghi đậm nhiều dấu ấn lịch sử, tiêu biểu là chiến thắng Xương Giang và khởi nghĩa Yên Thế. Thành cổ Xương Giang (xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang) do quân Minh xây bằng đất năm 1407. Thành chữ nhật, rộng 27ha, chiều Đông - Tây 600m, chiều Bắc - Nam 450m; tường cao 3 - 4m, chân rộng 25m, mặt rộng 16 - 20m; bốn góc có pháo đài, hào rộng bao quanh; 4 cửa, cửa chính hướng Tây. Quanh thành có hệ thống phòng thủ vệ tinh.
Ngày 10/10/1427, quân tiên phong giặc Minh đại bại, Thái tử Liễu Thăng chết tại Chi Lăng. Ngày 15/10, tướng Lương Minh bị chém ở Cần Trạm. Ngày 18/10, không thể chống đỡ, Thượng thư Lý Khánh tự vẫn ở Hố Cát. Ngày 3/11/1427, sau 10 ngày vây hãm, tướng Thôi Tụ và Hoàng Phúc cùng hơn 70.000 quân Minh lũ lượt đầu hàng, được tha tội chết, xin rút quân, từ bỏ mộng xâm lược. Chiến thắng Xương Giang do Trần Nguyên Hãn (1390 – 1429) chỉ huy là nét son hiển hách chống ngoại xâm của Đại Việt.
Di tích khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám (1858 – 1913), gồm 40 điểm, rộng gần 23.100ha; thuộc các huyện Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng; trung tâm là thị trấn Cầu Gồ (Yên Thế). Khởi nghĩa nổ ra từ 1884 -1913, lan rộng sang Bắc Ninh, Phúc Yên, Thái Nguyên, Lạng Sơn; đánh bại nhiều đợt càn quét, buộc Pháp hai lần xin đình chiến.
Đền Thề, trên đồi cao, nơi nghĩa quân cắt máu ăn thề xuất quân. Trong đền có tượng Hoàng Hoa Thám, phía sau là nhà trưng bày cuộc khởi nghĩa. Trước sân, tượng Hoàng Hoa Thám uy nghiêm và câu nói bất hủ "Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù có phải hy sinh cả tính mạng".
Bên phải là đồn Phồn Xương, tường thành bằng đất, có nhiều lỗ châu mai. Đồn xây từ 1892, trấn giữ đường độc đạo vào căn cứ nghĩa quân. Trước đồn có hồ nước bảo vệ, phía sau là doanh trại, chiến lũy. Gần đồn là phố Bà Ba - nơi ở bà Đặng Thị Nho (Ba Cẩn); tướng nghĩa quân, vợ thứ Hoàng Hoa Thám. Trong đền có tượng bà, phía ngoài có mộ Hoàng Thị Thế, con gái Hoàng Hoa Thám.
Về Yên Thế, mới biết thêm, ngày 16/3/1884, thủ lĩnh Lương Văn Nắm (Đề Nắm, chưa rõ năm sinh) và nghĩa quân, làm lễ tế cờ tại đình Hả. Trước 1884, Đề Nắm từng lãnh đạo dân làng chống Thanh phỉ và quân Pháp. Năm 1892, sau khi Lương Văn Nắm bị sát hại, Hoàng Hoa Thám lên thay, tiếp tục giương cao ngọn cờ khởi nghĩa.
Suốt 30 năm gian khổ, hiển hách, cả vùng đất rộng lớn tự trị, buộc người Pháp điêu đứng đối phó. Khởi nghĩa Yên Thế là của cặp Song Đề Lương Văn Nắm – Hoàng Hoa Thám.
Phật Việt cổ tự
Bắc Giang, có nhiều chùa cổ, nổi bật nhất là hai Phật Việt cổ tự Vĩnh Nghiêm và Bổ Đà.
Chùa Vĩnh Nghiêm (còn gọi là Đức La), xây dựng từ 1010; nơi phát tích Tam Tổ, đào tạo Phật pháp Trúc Lâm; cạnh ngã ba Phương Nhãn của sông Lục Nam và sông Thương, lối ra vào Yên Tử, núi non trùng điệp; bên kia là vương phủ Kiếp Bạc của Trần Quốc Tuấn. Khuôn viên chùa khoảng 1ha, bao quanh rừng tre và thông; kiến trúc hướng Đông Nam.
Qua cổng Tam quan bằng gạch, dài 7m, rộng 5m, vỉa đá bậc rồng mây; hơn 100m là Bái đường (chùa Hộ, tiền đường); nhà Thiêu hương (chính điện); thiết kế chữ Công (工); lối tàu bảy, đao lá, mái 4 đao 8 kèo kiểu con chồng, thượng tam hạ tứ. Bên ngoài đắp nổi lối "nề ngõa" hình cuốn thư “hình kỷ hà”, có hồi văn, hoa lá chạy đường diềm bao quanh; nội thất chạm khắc lộng lẫy. Các cửa võng, điêu khắc hoa lá, chim muông, họa tiết tinh xảo, sơn son thiếp vàng, trên là các hoành phi đại tự.
Thấp và nhỏ hơn, nhà thờ Tổ đệ nhất Hương Vân Trần Nhân Tông (1279 – 1293), có tượng hậu đặt phía ngoài, hai gian bên. Ba tổ Trúc Lâm đặt ở hậu cung, trên có hoành phi "Trúc Lâm hội Thượng". Gác chuông cao 2 tầng 8 mái, treo chuông lớn; kiến trúc kết hợp gỗ và gạch, phần giữa bốn đầu bảy có treo những quả chuông đồng nhỏ (chuông gió). Kiểu chữ Đinh (丁) là nhà thờ đệ nhị Tổ Pháp Loa (1284 - 1330) và đệ tam Tổ Huyền Quang (1254 -1334).
Kho mộc thư hiện lưu giữ 34 đầu sách với gần 3.000 bản khắc, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản). Biên lan có khung viền lề trang sách. Bản tâm có tên sách, thứ tự trang. Thượng hạ Bản tâm có Ngư vĩ theo kiểu song Ngư vĩ. Tả hữu, thượng hạ Biên lan có Thiên đầu - Địa cước.
Các bản mộc thư ghi chép kinh luật nhà Phật, lịch sử thiền phái Trúc Lâm, trước tác Tam Tổ; thơ, phú, nhật ký của Mạc Đĩnh Chi và một số cao tăng; là di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (năm 2012). Một số mộc thư giới thiệu cách chữa bệnh bằng thuốc nam, sơ đồ huyệt mạch châm cứu. Phòng mạch chùa đang kế thừa các bài thuốc này để khám chữa bệnh.
Chùa Bổ Đà trên núi Phượng Hoàng, còn gọi chùa Bổ hay Tam Giáo, tả ngạn sông Cầu; xây từ thế kỷ XI; rộng gần 6ha; có nhiều cổ vật giá trị như bộ kinh Phật khắc trên gỗ thị; sách bằng tre, đá; tượng Phật, chuông, mõ…
Quần thể chùa Bổ Đà gồm chùa chính Tứ Ân, am Tam Đức, đền thờ Thạch Tướng Đại Vương - giúp vua Hùng thứ 16 chống giặc. Bổ là bổ củi với sự tích tiều phu gặp Phật, Đà là Bụt Đà (Budha); thiền tông thứ tư do đệ nhất Tổ sáng lập
Chùa kiến trúc "nội thông ngoại bế" tạo vẻ u tịch, trầm mặc, thanh vắng, linh thiêng, hài hòa; xây bằng các vật liệu gạch nung, ngói, tiểu sành. Các bức tường, cổng và một số công trình khác làm bằng đất nện theo lối trình tường. Cổng chùa nền lát đá muối, kích cỡ khác nhau, mang dáng dấp gác chuông.
Vườn tháp có tường bao quanh với gần 100 cái, lưu giữ hơn 1.000 tro cốt tăng ni trong phái từng tu hành tại chùa. Mỗi tháp chứa 4 - 26 bộ, cao 3 - 4 tầng; độ cao 3 - 5m trở lên. Đỉnh tháp tăng có bình cam lộ đặt trên tòa sen, tháp ni có búp sen. Vườn chùa trồng các loại cây ăn quả và các loại hoa màu theo thời vụ. Xung quanh có hào rộng 2m, sâu 1,5m; vừa thoát nước vừa ngăn cách bảo vệ.
Chùa chính xây thời Hậu Lê, kiến trúc “Nội công ngoại quốc”, tám cửa (bát quái), đường đi kiểu chữ Lục (六), chống mưa.
Quần thể chùa có 16 tòa nhà với 92 gian; gồm nhà bếp, nhà tạo soạn, nhà tổ ly, nhà tổ, nhà tiền tế, nhà in kinh, nhà trai, nhà hành lang hình thước thợ, nhà pháp, nhà khách, nhà ga, tòa tam bảo. Tam bảo kiến trúc chữ Đinh (丁).
Hậu cung dài 12m, rộng 7,7m gồm 5 gian. Tòa tiền đường dài 21m, rộng 11m có 7 gian, tường gạch, lợp ngói, nền lát gạch vuông, cao 0,9m có 3 bậc, lát đá xanh, kích thước khác nhau.
Mộc bản Bổ Đà gồm gần 2.000 tấm ván gỗ thị, mỗi tấm dài 45cm, rộng 27cm, dày 27mm. Gần 300 năm, bộ kinh vẫn khá nguyên vẹn, nét chữ tinh xảo, không mối mọt. Mộc bản chùa Bổ Đà ít hơn chùa Vĩnh Nghiêm nhưng độc đáo và có niên đại sớm hơn.
Miền sinh thái lý tưởng
Bắc Giang, đồng bằng và trung du, có nhiều tài nguyên du lịch sinh thái thiên nhiên và nông nghiệp. Từ núi, rừng, sông, hồ, thác đến làng nghề, chăn nuôi, trồng trọt. Năm 2020 tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 13,02% trong nhóm đứng đầu cả nước.
Sông Thương dài 157km, bên đục bên trong rất lạ. Hồ Cấm Sơn rộng gần 3.000ha, dài hơn 30km, có hàng trăm đảo; như gương trời khổng lồ, soi bóng núi rừng trùng điệp, điểm xuyết bản làng; là nguồn cảm hứng để Phó Đức Phương viết bài “Hồ trên núi”. Là “tứ đại hồ” thủy lợi Việt Nam cùng Dầu Tiếng (Tây Ninh), Phú Ninh (Quảng Nam), Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh). Hồ Khuôn Thần rộng 260ha, bao quanh đồi thông lãng mạn.
Cánh cung Đông Triều, hành lang Tây Yên Tử (Đông Yên Tử ở Quảng Ninh) qua chùa Trình, chùa Hạ (chùa Phật Quang), chùa Trung, chùa Thượng (chùa Kim Quy); cao độ từ 145m đến gần 1.000m; kết nối với chùa Đồng. Điểm xuyết những di tích văn hóa là núi rừng nguyên sinh hùng vĩ. Bắc Giang có nhiều Mộc Thiêng như cây Dã hương (long não), cây Lim trên ngàn năm tuổi.
Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử rộng 13.022ha với 5 kiểu thảm thực vật chính - trảng cỏ và cây bụi (độ cao dưới 100m) - trảng hóp xen cây gỗ nhỏ và tre nứa (dưới 200m) - kín thường xanh, cây lá rộng thường xen cây lá kim, mưa ẩm nhiệt đới (dưới 900m) - cây gỗ lá rộng trên 900m). Rừng nguyên sinh Khe Rỗ rộng 7.153ha có 236 loài cây thân gỗ, 255 loài cây dược liệu, 37 loài thú, 73 loài chim và 18 loài bò sát.
Suối Mỡ độc đáo với thác Thùm Thùm; vọng Ngắm Trăng; đỉnh Rông Khế… Mỗi tầng thác là một hồ nhỏ, cảnh đẹp hơn tranh. Suối Mỡ có đền Hạ, Trung, Thượng thờ công chúa Quế Mỵ Nương (vua Hùng Vương thứ 9) như Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Cạnh suối là các đền Trần; Quan; Cô Bé Cây Xanh: Cậu Bé Lệch… Vùng Lục Nam chuyên canh hoa màu.
Vùng Lục Ngạn, bạt ngàn cây trái, là thủ đô trái cây Bắc bộ, mùa nào quả đó, canh tác theo chuẩn Vietgap và Globalgap. Ghé “Ngày hội trái cây Lục ngạn” ngỡ ngàng vì sự phong phú và chất lượng. Nhiều món ăn đứt các nơi như thanh long đỏ, thanh long vàng, dứa đường…
Các gian hàng trang trí sáng tạo, toàn trái cây hái và bán trong ngày. Khách đông như ong vỡ tổ. Chiều tối ngày thứ 3 (ngày cuối), vẫn nườm nượp. Khách vào hội chợ được ăn thử cành hông, chưa hội chợ nào “fairplay” như vậy.
Vùng Yên Thế là thủ phủ gà đồi. Gà Yên Thế, hai gống chủ lực là Ri lai và Mía lai. Gà chăn nuôi bán tự nhiên theo hộ gia đình, dưới tán cây vườn nhà, được tiêm chủng và kiểm soát dịch bệnh. Năm 2020, ước tính cả huyện có gần 40 triệu con gà; vô địch thế giới về nuôi thả.
Món ngon Bắc Giang có các làng nghề cổ trứ danh như bánh đa nem Thổ Hà, mây tre đan Tăng Tiến, rượu Vân, bánh đa Kế, mì chũ Thổ Dương… Trà hoa vàng hay kim hoa trà, trà trường thọ, trà rừng…. Hợp chất trà kiềm chế sinh trưởng các khối u đến 34% (đạt 30% là thành công), giảm xơ vữa động mạch, hạ đường huyết, đột quỵ; giải độc gan, thận; chống viêm, dị ứng; chữa kiết lỵ, đại tiện máu…
Quá nhiều điểm đến không thể bỏ qua và những trải nghiệm kỳ thú, đi cả tuần cũng chưa cảm nhận hết. Tiếc là chưa có dịch vụ lưu trú tương ứng tại Yên Thế, Lục Nam, Suối Mỡ, Lục Ngạn và cả tỉnh lỵ. Trong khi chờ các nhà đầu tư đại bàng lót ổ, cần nâng niu những chim sẻ tại chỗ.
Nếu được tư vấn thực tiễn và bảo hành, du lịch cộng đồng Bắc Giang đủ sức đón khách gần xa, cả quốc tế và nội địa. Việc đầu tiên là phải thay đổi tư duy về du lịch bền vững, từ lãnh đạo đến mỗi người dân.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/bau-vat-cua-du-lich-bac-giang-1618931696103.htm