Báu vật của du lịch Trà Vinh

Đã bao lâu, Trà Vinh luôn bị coi là 'em út' ở Đồng bằng sông Cửu Long về phát triển du lịch. Muốn bằng anh, bằng chị, từ lãnh đạo các địa phương đến người dân, doanh nghiệp trong tỉnh đã xắn tay áo lên xây dựng những điểm đến lấy việc 'thuận theo trời đất' để mang đến cảm hứng cho du khách.

Dân đất cồn làm du lịch

Chính cách sống của người dân đã giúp ngành du lịch tỉnh Trà Vinh “sáng” ra hướng phát triển du lịch của mình. Không ồn ào, chỉ cần mẫn đi từng bước, hai năm qua, Trà Vinh đã lần lượt trình làng những điểm đến níu chân những ai thích trải nghiệm cuộc sống. Đáng chú ý nhất là cồn Chim và cồn Hô.

Nguyên cớ kéo người dân đã nửa thế kỷ không hay màng tới những điều diễn ra ở bên ngoài nơi họ sinh sống bỗng nhiên làm dịch vụ du lịch bắt đầu từ ngày Lễ ra mắt Tổ đồng quản lý sông Cồn Chim của 50 hộ dân vào tháng 11/2014.

Cán bộ, chuyên viên ngành du lịch tỉnh Trà Vinh đã đến tham dự buổi lễ ấy và họ đã nhìn thấy tiềm năng thu hút khách từ những điều rất tự nhiên ở Cồn Chim, cũng như cái cách nghĩ đáng ngưỡng mộ của người dân về giữ lấy nguồn sống: “Muốn hưởng thụ của mặc nhiên, phải biết sống thuận theo trời đất thì ắt sẽ có hoài”.

Tổ đồng quản lý sông Cồn Chim làm cái việc chung tay giữ đất cồn và nguồn lợi thủy sản một cách chặt chẽ, tự nghiêm khắc với chính mình.

Người dân Cồn Chim đánh bắt với ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Người dân Cồn Chim đánh bắt với ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Sau bao năm lui tới thuyết phục, hướng dẫn người dân cách làm du lịch và chỉnh trang lại làng xóm, tháng 9/2019, mọi người hân hoan đón những khách du lịch đầu tiên chụp ảnh trước cái cổng “Cồn Chim kính chào” dựng ngay lối bến đò, phà lên ấp cồn. Cư dân bắt đầu làm quen cụm từ mới, gọi nơi mình sống là “điểm du lịch sinh thái Cồn Chim”.

Trò chơi đua cua trên Cồn Chim.

Trò chơi đua cua trên Cồn Chim.

Là người đã vận động bà con ấp mình làm du lịch, ông Nguyễn Văn Quời, nói: “Người nhà quê tui chẳng biết triết lý gì sâu xa, nghĩ đơn giản biết thuận ý trời thì có sống. Cứ đời cha dạy đời con như vậy mà không thiếu của ăn bao nhiêu năm nay. Giờ quyết làm du lịch để giao lưu với bên ngoài, chứ cái nghề nông không bỏ. Nghe tụi tui nói về “làm nông theo trời” khách rất thích theo coi tụi tui làm, an tâm với từng món ăn tụi tui đãi”.

Cuộc sống tối giản và trở về với tự nhiên đang là xu hướng mọi người hướng tới tìm kiếm để tận hưởng. Cây bần bao quanh cồn, trời cho có bông, có trái quanh năm, con tôm, con cá thả lan trong ruộng thịt chắc nịch, bà con làm món gỏi tôm bông bần, cá kho trái bần, khách ăn phát ghiền.

Cây bần bao quanh Cồn Chim, trái bần, bông bần là nguyên liệu cho những món ăn dân dã đặc sắc.

Cây bần bao quanh Cồn Chim, trái bần, bông bần là nguyên liệu cho những món ăn dân dã đặc sắc.

Lúa thu hoạch, gạo đem xay bột để sẵn trong nhà, ngoài sân trồng rau, vài dây mơ, dừa thì trái quanh năm, khách đến nhà, thoáng chưa đầy nửa tiếng là có bánh lá mơ, bánh xèo ăn ngon lành.

Trời cho thời tiết tốt, nên bà con trồng lúa, rau, dừa đều xanh lá, nhiều bông, tốt trái mà không cần phân bón gì. Con cua rang muối hay bữa nào khách thích món nước thì dầm ít trái bần, thả thêm rổ bầu vào nấu là không đủ cơm cho khách.

Còn trên cồn Hô, đi hết một ngày, khách tinh ý nhận ra không có một chiếc xe đạp, chứ đừng nói có xe máy chạy quanh xóm cồn. Nửa thế kỷ nay chỉ có dấu chân và dấu chân cứ chồng nhau thành những lối đi trên 25ha đất cồn Hô. Cồn Hô không nuôi tôm, nuôi cua, nhưng trồng cây ăn trái thì đạt lắm, cũng chẳng cần phân bón, chỉ đất thấm phù sa mà cây tươi tốt.

Bà Nguyễn Thị Thu, một người dân trên cồn Hô cho biết hồi xưa trên cồn trồng lúa, chuối, dừa nhiều nhất, sau này trồng thêm cây có múi như bưởi, cam, quýt cho trái thật ngon, ngọt. Cồn được bao bọc bởi sông Cổ Chiên, nằm trên dòng chảy từ sông ra biển nên người dân còn sống bằng nghề đánh bắt cá. Ở đây có nhiều loại lớn như cá sửu, cá chẽm.

Những thứ trồng được, đánh bắt được bán đi đủ mua gạo, gia vị, đồ dùng gia đình, còn rau, gà vịt nhà nào cũng có trồng, có nuôi, không lo thiếu cái ăn. Tự nhiên cho nhiều như vậy nên hầu như 24 hộ dân trên cồn rất vui với cuộc sống an nhiên, chẳng sân si, đến cây trồng, cá nuôi cũng cứ để chúng lớn lên tự nhiên.

Khi nghe khuyên làm du lịch xanh giúp có thêm nguồn thu nhập, bà con lo mình quê mùa biết gì mà phục vụ. Thế mà đến cuối tháng 10 vừa rồi, cả chục gia đình đã bắt đầu tiếp những đoàn khách du lịch đầu tiên trải nghiệm chính cái cách sống an nhiên trên cồn chân đất mà người cồn Hô duy trì suốt ba thế hệ rồi. Với chuối sáp, chuối sứ, bưởi nhà trồng các chị làm món ăn lạ như cà ri vịt chuối sáp, chuối chiên, chuối ngào đường, nem bưởi thật khéo.

Cùng người dân thu hoạch chuối sáp ở Cồn Hô.

Cùng người dân thu hoạch chuối sáp ở Cồn Hô.

Cả Cồn Chim và Cồn Hô, người dân mỗi ngày chỉ đón tối đa 100 khách vì sản vật tự nhiên hay nuôi, trồng theo mùa chỉ có thể đáp ứng cho từng đó lượng khách. Họ không muốn biến cảnh quan mình ở thành nơi quá ồn ào, rối rắm vì đông người, không hám lợi để rồi làm ảnh hưởng môi trường sống, hay khai thác thủy sản bất chấp.

Du lịch biển cũng hướng thuận thiên

Ở huyện, thị xã duyên hải ở Trà Vinh, tinh thần du lịch thuận thiên cũng được truyền đến. Rừng đước ngập mặn Long Khánh rộng hơn 200 ha đang được xây dựng thành khu du lịch sinh thái tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển Nam bộ. Đây là khu rừng được người dân trồng và bảo vệ nghiêm ngặt, bởi vì đước là loại thực vật đặc hữu trên nền đất ngập mặn có giá trị cao về mặt kinh tế lẫn sinh cảnh.

Rừng đước Long Khánh sẽ là nơi bảo tồn, tái tạo các động vật hoang dã, bao gồm thú rừng, chim muông, thủy hải sản đặc trưng của vùng ngập mặn đang đứng trước nguy cơ ngày càng cạn kiệt. Du khách có thể đến với khu du lịch sinh thái rừng Đước Long Khánh bằng cả hai phương tiện thủy lẫn bộ.

Nuôi thủy sản ở rừng ngập mặn huyện Duyên Hải.

Nuôi thủy sản ở rừng ngập mặn huyện Duyên Hải.

Biển Ba Động ở thị xã Duyên Hải nằm giữa hai cửa biển Cung Hầu (sông Tiền) và Định An (sông Hậu), nhìn chính diện ra biển Đông. Vùng biển Đông ven bờ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là vùng biển phù sa do nhiều cửa sông lớn nhỏ đổ ra. Cũng do nằm trong khu vực biển phù sa nên bãi cát biển Ba Động không trắng hay vàng óng, nước biển không thể trong xanh như ở các vùng biển khác.

Tuy vậy, biển Ba Động được thiên nhiên tặng cho một bãi cát dài hơn 10 km từ ấp Nhà Mát tới ấp Cồn Trứng. Độ dốc thoai thoải, khi nước thủy triều xuống, bãi cát phơi ra hàng trăm mét từ bờ xuống tới mép nước, nhất là vào những tháng sau Tết Nguyên đán, sóng yên biển lặng, Ba Động cũng là điểm du lịch hưởng không khí biển lý tưởng.

Tháng 10 vừa rồi, tại ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, sự kiện lắp đặt tua-bin gió đầu tiên của dự án Nhà máy điện gió Hàn Quốc – Trà Vinh đã làm nức lòng người dân biển bởi khi hoàn thành lắp đặt đủ 12 tua-bin gió thì cánh đồng điện gió này sẽ góp thêm cảnh quan đẹp cho biển Ba Động. Với sự chuẩn bị đường nội bộ, bãi giữ xe rộng rãi, Ban giám đốc Công ty cổ phần Điện gió Trà Vinh cũng đã hướng đến việc đón khách tham quan.

Cầu dẫn ra cánh đồng điện gió sẽ hoàn thành trong vài tháng tới trên biển Ba Động.

Cầu dẫn ra cánh đồng điện gió sẽ hoàn thành trong vài tháng tới trên biển Ba Động.

Còn bây giờ, mỗi buổi hoàng hôn, đứng ở bãi biển Ba Động nhìn ra đã thấy được vẻ đẹp của cầu dẫn dài hơn 4 cây số dẫn ra nơi lắp đặt các trụ tua-bin gió nối liền nhau sẽ hoàn thành và ánh sáng ráng chiều soi thẳng về cầu dẫn cũng đã cho người ta hình dung hình ảnh tuyệt vời của những cánh quạt khổng lồ in trên nền hoàng hôn biển.

Trong một năm đầy khó khăn của ngành du lịch, ngoại trừ những tháng buộc phải ngưng hoạt động vì dịch bệnh Covid-19, những tháng còn lại Trà Vinh vẫn liên tục đón khách, đặc biệt ở Cồn Chim, Cồn Hô, biển Ba Động. Hy vọng những hình ảnh tưởng cũ mà mới, mộc mạc mà lạ lẫm, những hương vị dân gian được đánh thức, tất cả đang là những “dấu thăng” của “miền đất thuận thiên” Trà Vinh.

Khánh Vân

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/bau-vat-cua-du-lich-tra-vinh-1605083124086.htm