'Báu vật' của thời trang Việt
Bằng sự khám phá, tìm tòi và sáng tạo của các nhà thiết kế Việt, thời trang thổ cẩm, họa tiết thổ cẩm đang là điểm nhấn của catwalk Việt thu hút sự chú ý của giới mộ điệu trong và ngoài nước. Không chỉ thời trang, thổ cẩm Việt còn được du khách yêu thích qua các sản phẩm lưu niệm.
Đặc trưng văn hóa trải dài từ Bắc đến Nam
Nhằm nâng tầm quốc tế cho nền thổ cẩm Việt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp thực hiện chương trình thời trang thổ cẩm mang tên “Dòng chảy bất tận – The Eternal Flow” sẽ diễn ra vào Ngày Quốc gia Việt Nam 30/12/2021 trong khuôn khổ chương trình Triển lãm Thế giới Expo 2020 Dubai, UAE.
“Dòng chảy bất tận – The Eternal Flow” có sự góp mặt của khoảng 50 hoa hậu, á hậu, hoa khôi, người mẫu, diễn viên và hơn 100 nghệ sỹ, nghệ nhân, diễn viên trình diễn dàn nhạc cụ dân tộc..., khắc họa bức tranh toàn cảnh về một Việt Nam rực rỡ sắc màu với những đặc trưng văn hóa trải dài từ Bắc đến Nam. Đặc biệt, các sản phẩm vải thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được biến tấu thành các bộ sưu tập thời trang ứng dụng độc đáo nhằm thổi một làn gió mới vào trang phục dân tộc Việt Nam.
Tại Tuần lễ thời trang Việt Nam Thu - Đông 2019, các nhà thiết kế Genviet khiến mọi người ngây ngất khi được chiêm ngưỡng tinh hoa độc đáo của nền văn hóa thổ cẩm dân tộc trong bộ sưu tập 30 mẫu thiết kế mang tên “Nguồn”. Dân tộc Mạ, M’Nông - 2 dân tộc chính của mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ đầy nắng và gió, rất phù hợp với chất liệu jeans mạnh mẽ. Họa tiết thổ cẩm, đắp vá mảnh thổ cẩm được khai thác một cách đầy nghệ thuật, độc đáo nên vừa mang nét truyền thống, gần gũi nhưng vẫn rất hiện đại. Genviet kết hợp các đường nét thêu tay trên chất liệu thổ cẩm mộc mạc, thấm đượm phong vị núi rừng.
Trước đó, những bộ sưu tập độc đáo của 11 nhà thiết kế Việt Nam đã dệt nên “khúc ca” liên hoàn giữa lụa, thổ cẩm và hoa bên hồ Xuân Hương (Đà Lạt). Đặc biệt đây là lần đầu tiên các nhà thiết kế nổi tiếng đưa thổ cẩm Nam Tây Nguyên lên sàn diễn thời trang.
50 người mẫu đến từ Hà Nội, TP HCM cùng 40 nữ sinh Đà Lạt và các sơn nữ dân tộc đã tham gia trình diễn các mẫu thiết kế, bộ sưu tập thời trang mới nhất của các nhà thiết kế Minh Hanh, Cao Duy, Hà Duy, Công Huân, Hoa hậu Ngọc Hân… trên chất liệu của lụa Bảo Lộc và thổ cẩm Mạ, K’Ho.
Trước đó, năm 2017, sự kiện thời trang Việt Nam mà biểu trưng là bộ sưu tập bằng chất liệu thổ cẩm của nhà thiết kế Minh Hạnh đã chiếm trọn vẹn tình cảm của đông đảo quan khách tại khán phòng của trụ sở Liên Hợp quốc, Geneve Thụy Sỹ. Nhà thiết kế Minh Hạnh chọn thổ cẩm của người H’Mông Tây Bắc đặc biệt tại vùng cao Hà Giang và chọn thổ cẩm của các dân tộc sống ở miền Trung như thổ cẩm dệt Zèng của người Tà Ôi, ALưới Huế, thổ người H’Rê tại Làng Teng, Bato, Quảng Ngãi…
Chú trọng giới thiệu sản phẩm thổ cẩm ra thế giới
Được hình thành qua quá trình sinh hoạt, thay đổi và hoàn thiện dần theo tiến trình diễn biến xã hội, đến nay, thổ cẩm đã là điểm nhấn đặc sắc trong bản đồ văn hóa Việt; đồng thời là di sản độc đáo, có giá trị của đồng bào các dân tộc.
Thổ cẩm là một loại vải dệt thủ công với các họa tiết được bố trí xen lẫn, nổi lên trên bề mặt vải như thêu. Những hoa văn này đem lại cho bề mặt vải sự tương phản về đường nét, màu sắc, ánh vàng hoặc bạc trên satin…
Nguyên liệu chính được sử dụng là bông vải. Bông vải thu hoạch theo mùa được đánh tơi xốp rồi kéo thành sợi. Một số dân tộc còn khai thác chất liệu vỏ cây (vỏ sui) kéo thành sợi. Kỹ thuật nhuộm vải cũng phức tạp không kém: Màu nhuộm dành cho thổ cẩm có thể được tạo ra từ nhiều chất liệu thiên nhiên và phương pháp khác nhau.
Qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân thêu và nhà thiết kế Việt đã góp phần mang thời trang Việt Nam chinh phục thế giới. Mỗi lần các bộ sưu tập, sản phẩm lưu niệm thổ cẩm “đi đánh xứ người”, những nhà thiết kế, nghệ nhân cũng được người dân tại các nơi từ châu Âu đến châu Mỹ nhận diện ra ngay nguồn gốc “con Lạc - cháu Rồng”.
Các nghệ nhân mong muốn, thổ cẩm sẽ được ứng dụng hơn trong nhiều lĩnh vực từ thời trang đến đồ họa và cả trang trí nội thất. Và tất nhiên không thể không kể đến vai trò của thổ cẩm như một mặt hàng lưu niệm đậm chất dân tộc có ý nghĩa quan trọng trong du lịch và kinh tế Việt Nam. Bảo tồn và phát triển thổ cẩm không chỉ là đầu tư và giới thiệu sản phẩm truyền thống này ra thế giới, mà còn tạo điều kiện cho ngành thổ cẩm Việt Nam được giao lưu học hỏi với ngành thổ cẩm của các quốc gia khác, nhằm vươn tới những tiến bộ mới trong kỹ thuật và những tiềm năng mới trong sáng tạo.
Theo những người tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm, các địa phương cần phải xây dựng các làng nghề thổ cẩm thành các điểm đến tham quan cho khách du lịch. Có nghĩa là phải coi nghề dệt thổ cẩm là một sản phẩm văn hóa, thời trang, du lịch độc đáo, chỉ riêng có ở Việt Nam.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bau-vat-cua-thoi-trang-viet-post420558.html