'Báu vật' hơn 2.500 năm tuổi của người M'Nông
Tại dòng suối Dak Kar, người dân và các cơ quan chức năng đã phát hiện một bộ sưu tập đàn đá độc đáo, được chế tác cách đây khoảng hơn 2.500 năm. Bộ sưu tập đàn đá này không chỉ mang giá trị văn hóa, lịch sử mà còn gắn liền với nhiều câu chuyện hấp dẫn, làm say mê lòng người.
Những chuyện về 3 thanh đá kỳ lạ
Theo lời kể của các già làng, suối Dak Kar (xã Quảng Tín, huyện Đắk RLấp, tỉnh Đắk Nông, trước đây thuộc tỉnh Đắk Lắk) là nguồn sống của bon làng.
Con suối này chảy trên một bãi đá màu xám đen, dọc theo chân núi Dăng Táp KLing (hay còn gọi núi Phượng Hoàng). Theo quan niệm của đồng bào dân tộc M’Nông, đây là khu rừng thiêng, nơi trú ngụ của thần linh – Brah, bất kỳ ai quấy phá sẽ phải chịu trừng phạt.
Theo lời những người già trong bon kể, nửa thế kỷ trước, trong một lần đi rẫy gần khu vực suối Dak Kar, nhiều người lớn tuổi trong làng đã phát hiện 3 thanh đá phát ra âm thanh lạ. Do đó, họ mang về và dùng để tấu cùng chiêng đồng phục vụ bà con. Tuy nhiên, cuộc sống du canh du cư và chiến tranh loạn lạc nên 3 thanh đá bị thất lạc, mất dần.
Đến đầu những năm chống Mỹ, một người dân ở bon Bu Bir đi bắt cá ở suối Dak Kar đã nhặt được 3 thanh đá nên đã đưa về nộp cho già làng để sử dụng vào việc tổ chức các lễ hội trong bon.
Thế nhưng, năm đó trong vùng có lụt lớn, nước dâng lên ngập cả rẫy nương, nhà cửa. Người dân cho rằng, bon làng bị thần phạt vì đã lấy 3 thanh đá của thần về đánh. Do đó, già làng cử người mang 3 thanh đá trở lại suối Dak Kar. Kể từ đó, câu chuyện về 3 thanh đá phát ra âm thanh đặc biệt dần bị lãng quên.
Cho đến năm 1985, trong lúc đi làm rẫy gần suối Dak Kar, ông Điểu Bang (một người dân trú tại bon Bu Bir, hiện đã mất) xuống suối bắt cá, tình cờ phát hiện 1 thanh đá phát ra tiếng kêu như tiếng goong (cồng). Thấy lạ, ông mang thanh đá lên bờ để ở một gốc cây và tiếp tục xuống suối bắt cá. Khi vừa bước xuống, ông gặp phải 2 thanh đá kêu nữa nên đã đưa lên bờ đặt cạnh thanh đá trước.
Sau khi bắt cá xong, ông đưa 3 thanh đá đó về chòi rẫy, với ý định dùng để đánh đuổi chim thú. Đêm đó, ông cùng 2 người bạn ra chòi rẫy đánh 3 thanh đá. Tuy nhiên, đến gần sáng, trời bất ngờ đổ cơn giông, mưa gió dữ dội khiến ông Điểu Bang bất ngờ nhớ lại chuyện 3 thanh đá năm xưa. Lo sợ, ông mang 3 thanh đá ra suối Dak Kar để lại chỗ cũ.
Khi trở về làng, ông Điểu Bang kể lại câu chuyện 3 thanh đá có âm thanh lạ cho mọi người nghe. Sau khi biết được câu chuyện, cán bộ ngành văn hóa đã đến nhờ ông chỉ chỗ để vớt 3 thanh đá lên.
Quá trình khảo sát và nhận thấy đây là hiện vật có giá trị về mặt khảo cổ và văn hóa, lịch sử của địa phương, năm 1993, đoàn cán bộ Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Đắk Lắk lúc bấy giờ đã cùng với ông Điểu Bang tìm lại 3 thanh đá từ suối Dak Kar.
Sau đó, 3 thanh đá nói trên được đưa về Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk để quản lý, bảo vệ, trưng bày và phát huy giá trị. Từ 3 thanh đá mang về và những tư liệu thu thập được, Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Đắk Lắk đã làm văn bản báo cáo Bộ Văn hóa-Thông tin, UBND tỉnh Đắk Lắk xin chủ trương tiến hành nghiên cứu bộ 3 thanh đá tìm thấy ở suối Dak Kar. Kế hoạch nghiên cứu đàn đá Dak Kar đã được tỉnh Đắk Lắk và Bộ Văn hóa-Thông tin đồng ý.
Ngay sau đó, 3 thanh đá được mang đến Viện Văn hóa Nghệ thuật tại TP.HCM để thẩm định bước đầu và đo âm thanh tại nhà máy Z.755 Bộ Quốc phòng. Ngày 28/10/1996, Bộ Văn hóa -Thông tin đã ra Quyết định 2946 về việc thành lập Hội đồng Khoa học nghiên cứu đàn đá Dak Kar.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, 3 thanh đá được tìm thấy ở suối Dak Kar được đặt tên là TRU, TRƠ, TÊ. Các thanh đá này là sản phẩm có ý thức của bàn tay con người, đây là những thanh đàn đá đích thực, cho 3 nhạc âm là fa 4 (698 Hz), sol (778 Hz), la 4 (864 Hz).P.
Căn cứ vào đặc trưng các vết ghè đẽo và căn cứ vào thang "thuần bội âm" của âm thanh các thanh đá, Hội đồng Khoa học nghiên cứu đàn đá Dak Kar kết luận, các thanh đàn đá TRU, TRƠ và TÊ được chế tác từ cách đây khoảng hơn 2.500 năm. 3 thanh đàn đá này có khả năng là một bộ đàn đá (trong tiếng M’Nông gọi là goong lú).
Người dân đổ xô đi tìm đàn đá
Ngay sau khi sưu tập đàn đá Dak Kar được tìm thấy, nhiều thanh niên trong bon Bu Bir đã xuống dòng suối tìm đàn đá. Trong đó, có anh Điểu Phương (SN 1976, trú tại bon Bu Bir) là người gửi gắm tình yêu đặc biệt với đàn đá.
Anh Phương chia sẻ: "Trước đây, ngoài cồng chiêng, đàn đá là một phần không thể thiếu trong các lễ hội lớn của dân tộc M’Nông như: lễ đâm trâu, mừng lúa mới, Tết,... của người dân tộc M’Nông không thể thiếu đàn đá. Âm thanh của đàn đá cất lên tượng trưng cho tiếng của núi rừng vang vọng. Đây cũng là nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người M’Nông".
Kể từ năm 2001, vào mùa nước cạn, anh Phương lại vào suối Dak Kar để tìm kiếm và sưu tầm đàn đá. Mỗi lần tìm được viên đá nào, anh lại dùng gùi để mang về và mời các nghệ nhân thẩm định, sắp xếp đúng trình tự một bộ đàn đá hoàn chỉnh. Sau hơn 20 năm tìm kiếm, đến nay anh đã sưu tầm được 21 bộ đàn đá.
Ông Điểu Kré (56 tuổi), một trong số ít người còn lại trong bon biết đánh đàn đá, chia sẻ: "Trước đây, bon Bu Bir có rất nhiều người biết đánh đàn đá. Nhưng hiện nay, do ảnh hưởng của các luồng văn hóa hiện đại, người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ không còn thiết tha với loại nhạc cụ truyền thống này. Hiện cả bon chỉ còn 3 người biết đánh đàn đá nhưng đều đã lớn tuổi".
Ông Điểu Khuyên, Trưởng bon Bu Bir, cho hay, bon Bu Bir có 108 hộ dân, với hơn 600 nhân khẩu. Trong đó, người M’Nông chiếm hơn 90%. Hiện nay, một số hộ dân trong bon vẫn lưu giữ các bộ đàn đá. Trong các cuộc họp, lãnh đạo bon không ngừng tuyên truyền bà con lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Trao đổi với ĐS&PL, bà Trần Thị Kiều Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Nông cho hay, đến thời điểm này, vùng Tây Nguyên và miền Trung, Nam Bộ đã có nhiều sưu tập đàn đá được phát hiện, khai quật như ở: Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Phước,... và được công nhận là bảo vật của Quốc gia. Tuy nhiên, chất liệu đá của từng vùng khác nhau nên hình thành nên những thanh âm, hình dạng khác nhau. Đối với sưu tập đàn đá Dak Kar, theo kết luận của Hội đồng Khoa học nghiên cứu đàn đá Dak Kar thì có thể khẳng định, đây là những thanh đàn đá của một sưu tập, có thanh âm và được sắp xếp theo thứ tự, tương đồng với bộ chiêng 3 cái của người dân tộc M’Nông.
Bà Vân cũng thông tin, bộ sưu tập đàn đá Dak Kar chính thức giao cho Bảo tàng tỉnh Đắk Nông quản lý, sử dụng từ năm 2004 (sau khi tỉnh Đắk Nông được tái lập). Từ năm 2019, sưu tập đàn đá Dak Kar chính thức được trưng bày tại Nhà Triển lãm Âm thanh của tỉnh Đắk Nông.