'Báu vật' ở Sơn Cương

PTĐT - Xã Sai Nga (nay là thị trấn Cẩm Khê ), huyện Cẩm Khê là dải đất phù sa màu mỡ nằm bên bờ hữu Sông Hồng có 'Lưỡng mộc đại thụ'- cây di sản của làng Sơn Cương, là thực thể sống lâu năm nhất ở xã Sai Nga.

PTĐT - Xã Sai Nga (nay là thị trấn Cẩm Khê ), huyện Cẩm Khê là dải đất phù sa màu mỡ nằm bên bờ hữu Sông Hồng có “Lưỡng mộc đại thụ”- cây di sản của làng Sơn Cương, là thực thể sống lâu năm nhất ở xã Sai Nga.Trong quần thể di tích đền Mẫu làng Sơn Cương có cây Đa, cây Sanh, được người dân gọi tên là "Lưỡng mộc đại thụ". Sự ra đời, tồn tại của 2 cây này được các cụ cao niên trong làng nhắc đến đến với câu nói “Khi tôi còn nhỏ, đã thấy 2 cây to như thế này rồi". Tuy không có thời gian chính thức, nhưng qua các nghiên cứu, đánh giá của Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam thì 2 cây này có tuổi đời trên 500 năm.

“Lưỡng mộc đại thụ” nằm bên trái hậu cung của ngôi đền. Phía trước là cây Đa cao khoảng 45m, thân cây lớn, tán cây rộng, xum xuê như ôm trọn cả một góc làng. Người dân Sơn Cương coi hình ảnh cây đa như những trai làng Sơn Cương rắn giỏi, khỏe mạnh, cần cù trong lao động sản xuất. Phía sau là cây Sanh với bộ rễ lớn, xõa xuống mặt đất mềm mại, như tính cách của người con gái làng Sơn Cương, đảm đang, khéo léo. Đặc biệt hơn là rễ của 2 cây đã bện chặt vào nhau tạo thành một vòm cổng cổ kính, chắc chắn.

Qua suốt chiều dài của lịch sử, “ Lưỡng mộc đại thụ” như “nhân chứng” chứng kiến mọi biến cố của dân làng trong vài trăm năm qua. Những trận bom ác liệt của máy bay thực dân Pháp vào năm 1951 đã phá hủy hết các ngôi nhà trong làng, cướp đi sinh mạng của nhiều người dân. Nhưng không hiểu phép màu nào mà cây Đa, cây Sanh của làng tránh được. Trận lũ lịch sử năm 1968, năm 1971 đã cuốn đi nhiều tài sản, di sản đình, đền, chùa của làng Văn Phú, Sơn Cương, nhưng cây Đa, cây Sanh vẫn đứng đó, vươn cao to lớn, hiên ngang che chở cho xóm làng.

Không chỉ là cây cổ thụ có vài trăm năm tuổi, mà dưới bóng cây, những câu chuyện về tầng sâu văn hóa, lịch sử được lưu giữ và truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cây Đa, cây Sanh đã chứng kiến không khí hào hùng của cách mạng tháng Tám giữa mùa thu lịch sử, đã che chở cho ngôi đền mà tổ Đảng Sơn Cương, chi bộ Nỗ Lực làm nơi họp bàn, để đưa ra các quyết sách lãnh đạo nhân dân kháng chiến. Bởi thế mà cây Đa, cây Sanh còn có ý nghĩa rất lớn trong tâm hồn bao thế hệ người dân làng Sơn Cương.

Ông Nguyễn Đức Trường- Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Cẩm Khê cho biết: Cây Đa, cây Sanh đã gắn bó với con người nơi đây qua nhiều thế hệ, in đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử, có tính giáo dục cao. Bên cạnh đó, cây mang lại không gian xanh mát cho xóm làng, nâng cao giá trị văn hóa sinh thái tâm linh của quần thể di tích đền Mẫu, là niềm tự hào của nhân dân làng Sơn Cương cũng như của huyện Cẩm Khê.Ngày 16/10/2016, nhân dân làng Sơn Cương vinh dự đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây Đa và cây Sanh của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao tặng. Đây là động lực để mỗi người dân làng Sơn Cương giữ gìn, bảo tồn, góp phần tạo tiền đề phát triển du lịch – tâm linh của quê hương Đất Tổ.

Như Quỳnh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/202006/bau-vat-o-son-cuong-171577