Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly: Hành trình đi tìm nguồn cội chữ quốc ngữ

Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly đã dành 5 năm nghiên cứu về chữ quốc ngữ và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Sorbonne Nouvelle (Cộng hòa Pháp) năm 2018. Nhân dịp ra mắt cuốn sách 'Lịch sử chữ quốc ngữ, 1615-1919' - một công trình đầy đủ và bề thế nhất về lịch sử hình thành và phát triển của chữ quốc ngữ từ trước đến nay, chị đã dành cho phóng viên Văn nghệ công an cuộc trò chuyện về hành trình đi tìm nguồn cội chữ viết của mình.

Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly.

Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly.

- “Lịch sử chữ quốc ngữ, 1615-1919” của Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly là một trong những tác phẩm có tầm vóc và bề thế nhất từ trước đến nay dựa trên nguồn tư liệu phong phú về lịch sử hình thành và phát triển của chữ quốc ngữ. Chị có thể chia sẻ thêm với bạn đọc về hành trình của mình?

+ Đó là hành trình dài từ luận án của tôi bảo vệ năm 2018 tại Đại học Sorbonne Nouvelle, sau đó thành sách “Lịch sử chữ quốc ngữ 1615-1919” xuất bản ở Pháp (năm 2022) và Việt Nam (tháng 6/2024). Tôi đã trải qua hành trình dài gần 5 năm để hoàn thành luận án, đi sưu tầm tư liệu tại các trung tâm lưu trữ ở Lisbon, Roma, Madrid, Ávila, Lyon, Paris và Việt Nam. Để đọc được các văn bản liên quan đến lịch sử chữ quốc ngữ, 2 năm đầu tôi vừa theo học tiếng La-tinh, tiếng Bồ Đào Nha và theo học một khóa đọc các văn bản cổ ở Đại học Sorbonne. Sau đó tôi bắt đầu viết, chỉnh sửa cho hoàn thiện và luận án của tôi khi bảo vệ dày 640 trang.

Sau khi bảo vệ luận án cuối năm 2018, tôi vẫn tiếp tục đi lưu trữ để bổ sung và làm sáng tỏ một số nội dung. Với sự hỗ trợ của thầy tôi - giáo sư Dan Savatovsky, cuốn sách đã thành hình, được Nhà xuất bản Les Indes Savantes xuất bản năm 2022 và bây giờ là bản dịch tiếng Việt đang đến tay bạn đọc.

- Chữ quốc ngữ được nhiều học giả trong và ngoài nước nghiên cứu nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống. Chị đã kế thừa và bổ khuyết những khoảng trống nghiên cứu đó như thế nào?

+ Tôi không bước vào một lĩnh vực hoàn toàn mới. Lịch sử chữ quốc ngữ đã được rất nhiều nhà nghiên cứu như Đỗ Quang Chính, Roland Jacques, Nguyễn Khắc Xuyên, Võ Long Tê, Thanh Lãng... dày công sưu tầm tư liệu và xuất bản sách chuyên khảo. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thường chỉ tập trung vào giai đoạn đầu sáng tạo chữ quốc ngữ và liên hệ quá trình văn tự La-tinh hóa tiếng Việt với trường hợp của Nhật Bản, Trung Quốc.

Nghiên cứu là đi lại con đường của người đi trước, rồi tìm thấy một mảnh đất chưa được khai phá dành cho mình. Khi bắt đầu làm luận án tiến sĩ tại Đại học Sorbonne Nouvelle và là thành viên của Viện Nghiên cứu lịch sử các lý thuyết ngôn ngữ, tôi đã hiểu được rằng: quá trình sáng tạo chữ quốc ngữ nằm trong trào lưu chung của ngữ học truyền giáo. Khi đó, các thừa sai đã dùng hai công cụ chính để học một ngôn ngữ mới: phiên âm của các ngôn ngữ đó bằng mẫu tự La-tinh và miêu tả ngôn ngữ đó theo mô hình ngữ pháp La-tinh. Có một cơ sở lý thuyết để dựa vào đã giúp tôi có được một điểm tựa vững chắc, cũng như tránh những thiên kiến hay ngộ nhận đáng tiếc. Tuy nằm trong một trào lưu chung, nhưng việc chữ quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của Việt Nam dưới tác động của bối cảnh chính trị, xã hội lại là một trường hợp đặc biệt ở Đông Á.

Nhờ sưu tầm được các tài liệu gốc nằm rải rác tại các phông lưu trữ ở Roma, Lisbon, Paris, Ávila, Madrid, Việt Nam mà tôi đã có thể dựng lại quá trình sáng tạo chữ quốc ngữ cùng những dấu mốc quan trọng và nêu bật được vai trò của các giáo sĩ chủ chốt. Ngoài ra, lịch sử chữ quốc ngữ dưới thời Hội thừa sai Paris từ năm 1658 cũng ít được các nhà nghiên cứu trước tôi quan tâm. Trong công trình này, tôi đã chỉ ra sự thay đổi vai trò của chữ quốc ngữ: từ một công cụ học tiếng của các thừa sai người nước ngoài sang công cụ trao đổi thông tin giữa các giáo sĩ người nước ngoài và linh mục, giáo dân người Việt sau khuyến nghị của Giám mục Deydier năm 1685.

Hơn nữa, tôi cũng làm rõ quá trình phổ biến chữ quốc ngữ vào thời thực dân, đồng thời so sánh, đối chiếu với các nước cũng chịu ảnh hưởng của Hán học là Trung Quốc, Nhật Bản và hai nước Đông Dương khác là Lào và Campuchia.

Cuốn sách "Lịch sử chữ quốc ngữ, 1615-1919" là công trình đầy đủ và bề thế về lịch sử hình thành, phát triển của chữ quốc ngữ.

Cuốn sách "Lịch sử chữ quốc ngữ, 1615-1919" là công trình đầy đủ và bề thế về lịch sử hình thành, phát triển của chữ quốc ngữ.

- Cuốn sách này phục dựng lại khá chi tiết thời kỳ đầu tạo ra chữ quốc ngữ nhờ việc sưu tầm và phân tích một số lượng lớn các văn bản viết tay. Chị gặp những khó khăn gì khi tiếp cận những tài liệu đó?

+ Có một thuận lợi rất lớn là tôi làm luận án ở Pháp, nên việc di chuyển tới các phòng lưu trữ ở châu Âu khá dễ dàng. Chúng tôi chỉ cần gửi email kèm thư giới thiệu của giáo sư tới lưu trữ trước khoảng 2 tháng. Hơn nữa, dòng Tên gần như đã số hóa hết tài liệu, nên tôi chỉ cần lọc và lựa chọn thủ bản để đặt mua. Với các lưu trữ khác như tại Lisbon, Madrid, Vatican thì quy trình cũng tương tự. Sưu tầm được tư liệu rồi, nhưng cần đọc và dịch tư liệu. Tôi có học tiếng Bồ Đào Nha và La-tinh, theo một khóa đào tạo về cách đọc các văn bản cổ để phân tích và xử lý. Nhưng, chút vốn liếng đó chỉ giúp tôi bóc tách được các ý chính của văn bản để dựng lại lịch sử chữ quốc ngữ. Khi cần dịch số đoạn quan trọng để trích dẫn và để đảm bảo tính chính xác thì tôi vẫn cần nhờ các đồng nghiệp, bạn bè giỏi tiếng Bồ Đào Nha và La-tinh giúp đỡ.

Ngoài ra, cùng một bản báo cáo nhưng lại được lưu trữ cả ở dòng Tên tại Roma và Lisbon, nên tôi cần thu thập đủ các thủ bản và so sánh chúng để tìm ra văn bản gốc đáng tin cậy nhất. Sở dĩ, cần tiến hành công việc này vì khi đó các thừa sai viết báo cáo hằng năm hoặc hằng quý, do đi lại khó khăn, tàu có thể bị đắm nên các giáo sĩ cần sao thành 3 bản để ít nhất có 1 văn bản đến được đích: bản gốc thường do chính tác giả viết ký hiệu là 1avia, bản sao thì có thể do chính tác giả hoặc thợ chép chép lại đặt ký hiệu là 2avia, 3avia.

- Dù cho sự hình thành chữ quốc ngữ nằm trong trào lưu chung của ngữ học truyền giáo, nhưng việc chữ quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của Việt Nam là một trường hợp đặc biệt ở Đông Á. Chị có thể lý giải điều này?

+ Chữ quốc ngữ là công trình tập thể của các thế hệ giáo sĩ người phương Tây và sự hỗ trợ của các thầy giảng, linh mục người Việt. Nếu không có những biến cố chính trị, giáo dục, xã hội thì số phận chữ quốc ngữ cũng sẽ như rất nhiều chữ viết mà dòng Tên đã tạo ra cho khoảng 140 ngôn ngữ và bị rơi vào quên lãng.

Việc chữ quốc ngữ được đưa vào giáo dục và trở thành chữ viết chính thức là thành quả của hai ý chí song song: ý chí của tầng lớp thực dân Pháp muốn học tiếng Việt dễ hơn và muốn hai nền văn hóa Việt - Pháp xích lại gần với nhau, và ý chí của tầng lớp sĩ phu Việt Nam, coi chữ quốc ngữ là công cụ đấu tranh chống nạn mù chữ và nâng cao dân trí.

Năm 1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Sắc lệnh số 20/SL. Theo sắc lệnh này, tiểu học là bậc học phổ cập và không mất tiền, hạn trong một năm tất cả mọi người dân Việt Nam từ 8 tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ, nếu không sẽ bị phạt tiền. Một năm sau, Điều 15 và 18 của Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 quy định: Công dân nào đi bầu cử mà không biết chữ quốc ngữ coi như mất quyền bầu cử.

Việc Sắc lệnh và Hiến pháp quy định người dân phải biết đọc cũng như phải biết chữ quốc ngữ mới có quyền bầu cử đã đưa chữ viết hệ La-tinh của tiếng Việt trở thành văn tự chính thức của Việt Nam sau năm 1945.

- Vì sao chị lựa chọn dấn thân vào đề tài có nhiều khuất lấp của lịch sử và định kiến này?

+ Quyết định tìm hiểu về lịch sử chữ quốc ngữ xuất phát từ một lần nói chuyện của tôi và cố nhà giáo Phạm Toàn. Hôm đó tự nhiên tôi lại hỏi bác Phạm Toàn là vì sao chúng ta lại dùng chữ viết hệ La-tinh trong khi các nước Á Đông khác như Trung Quốc, Nhật Bản vẫn dùng chữ tượng hình. Cố nhà giáo Phạm Toàn trả lời: Alexandre de Rhodes tạo ra, à mà không thể mình ông ấy được, phải rất nhiều người. “Sao toi không làm luận án về đề tài này?” - (cố nhà giáo Phạm Toàn và tôi xưng hô toi (bạn), moi (tôi) theo kiểu Pháp).

Tôi không phải là người đầu tiên nghiên cứu về chữ quốc ngữ, trước tôi đã có nhiều học giả quan tâm tới đề tài này và có các thành tựu nghiên cứu đáng ngưỡng mộ. Tôi chỉ khiêm tốn góp một viên gạch nhỏ vào việc làm sáng tỏ tiến trình lịch sử 400 năm của chữ quốc ngữ. Việc tranh luận và định kiến là không thể tránh khỏi trong cuộc sống và trong nghiên cứu. Tôi sẵn sàng đón nhận các phản biện và tranh luận học thuật văn minh dựa trên dữ liệu và lập luận.

- Cảm ơn những chia sẻ của chị.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/tien-si-pham-thi-kieu-ly-hanh-trinh-di-tim-nguon-coi-chu-quoc-ngu-i736259/