Bài 1: Đánh thức tiềm năng Tây Hồ

Tây Hồ là một trong những trung tâm văn hóa của Thủ đô Hà Nội, dù nhịp đô thị hóa mạnh mẽ, nhưng tại nơi đây vẫn còn in đậm các dấu ấn của kinh thành Thăng Long xưa. Không chỉ vậy, lấy trục trung tâm là Hồ Tây thì Tây Hồ là nơi lắng đọng nhiều trầm tích văn hóa với hàng loạt di tích lịch sử nổi tiếng, lễ hội đặc sắc và làng nghề truyền thống. Từ những lợi thế này, việc khơi thông nguồn lực về văn hóa, coi văn hóa là động lực phát triển là định hướng nền tảng đúng đắn để 'đánh thức' các tiềm năng, giá trị của mảnh đất văn hiến.

Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Trong tâm thức của mỗi người dân Thủ đô ngàn năm văn hiến, không ai không biết đến vùng đất Tây Hồ với những giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc. Chẳng thế mà, trong nhiều tài liệu còn lưu lại thì nơi đây còn được mệnh danh là mảnh đất “rồng thiêng hội tụ” với thế đất “long phượng trình tường, phượng hoàng ẩm thủy”.

Quận Tây Hồ nổi tiếng với nghề trồng đào truyền thống.

Quận Tây Hồ nổi tiếng với nghề trồng đào truyền thống.

Tây Hồ mang trong mình nhiều trầm tích văn hóa đặc sắc. Với không gian xanh rộng lớn lên tới 500ha, chu vi hồ Tây 14,8km, sắc xuân rạng rỡ trên những vườn đào Nhật Tân, Phú Thượng hay sắc thu vàng rực nơi vườn hoa bãi đá sông Hồng, Thung lũng hoa hồ Tây cùng với hương sen Bách Diệp thơm ngát trên những đầm sen lộng gió vào mùa hè... đã góp phần tạo nên 4 mùa tươi đẹp giúp Tây Hồ níu chân du khách.

Cùng với đó, nét văn hóa truyền thống được bao thế hệ người dân vùng Bưởi, Thụy Khuê, Nhật Tân, Yên Phụ... gìn giữ trong những nếp nhà cổ ở những ngôi làng trong phố cũng góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử của kinh thành Thăng Long xưa.

Xác định rõ những lợi thế có được từ vị trí địa lý và bề dày lịch sử cùng nền tảng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, Đảng bộ quận Tây Hồ đã xác định: “Quyết tâm phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế, xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ - du lịch văn hóa của Thủ đô”. Để hiện thực hóa mục tiêu quan trọng này, ngày 10/4/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ quận Tây Hồ đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/QU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, quan điểm xuyên suốt của quận là phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế để xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ - du lịch, văn hóa của Thủ đô; tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế của Tây Hồ như: Du lịch văn hóa gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa; các sản phẩm làng nghề truyền thống, lễ hội truyền thống và không gian sáng tạo, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực....

Quất cảnh Tứ Liên nổi tiếng khắp vùng.

Quất cảnh Tứ Liên nổi tiếng khắp vùng.

Điều lý thú trong phát triển công nghiệp văn hóa của quận Tây Hồ là trong khi nhiều nơi phát triển nghề truyền thống đi kèm nỗi lo về môi trường, thì các làng nghề của Tây Hồ lại góp phần làm đẹp cảnh quan. Làng hoa đào Nhật Tân là ví dụ. Theo đó, làng hoa này độc đáo ở chỗ, trong khi nhịp đô thị hóa thường khiến nghề nông mất đi, nhưng ở Tây Hồ nghề vẫn tiếp tục phát triển. Bí quyết nằm ở chỗ, người Tây Hồ chọn cho mình một lối đi riêng. Phần đông người Nhật Tân chuyển sang trồng đào thế. Với nghề truyền thống tích lũy qua nhiều thế hệ, đào Nhật Tân khác biệt hẳn so với những cây đào nơi khác. Và dĩ nhiên, nghề chẳng phụ người, người Nhật Tân “sống khỏe” với nghiệp trồng hoa.

Anh Trần Duy Thuần (vườn đào Tuấn Việt), nghệ nhân trẻ đam mê với nghề trồng đào ở Nhật Tân cho biết: Cây đào thế truyền thống của Nhật Tân luôn có sự cân đối hài hòa về tỷ lệ giữa gốc, cành, cành dăm. Không giống cây nơi khác, đôi khi người ta ghép những cành đào nhỏ vào gốc cây “khủng”, khiến cây trông mất cân đối. Kỹ thuật trồng đào Nhật Tân cũng cho những bông đào to, sắc thắm, cánh nở căng. Hơn hết, để giúp người tiêu dùng hiểu hơn về giá trị của đào Nhật Tân, những người trồng đào Nhật Tân đã biết ứng dụng truyền thông để lan tỏa vẻ đẹp, giá trị của cây đào.

Những “viên gạch” trong “công trình công nghiệp văn hóa”

Xác định sản phẩm làng nghề là “nguyên liệu” hoặc những sản phẩm “thô”, quận Tây Hồ triển khai các dự án, đề án để biến những sản phẩm thô này thành sản phẩm. Ngoài việc phát triển nghề trồng hoa thành những “Điểm du lịch 12 mùa hoa”, quận Tây Hồ còn có các đề án, dự án: “Điểm du lịch, dịch vụ văn hóa và phục dựng mô hình làng nghề giấy dó, phường Bưởi”, “Trung tâm giới thiệu và thưởng thức trà sen Tây Hồ”, “Xây dựng hạ tầng kỹ thuật điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm làng nghề hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên, xôi Phú Thượng”...

Để làng nghề truyền thống phát triển, các sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn vươn xa ra thị trường quốc tế, những người dân, nghệ nhân Tây Hồ nhận thấy mình phải nắm bắt cơ hội để giữ tinh hoa nghề truyền thống, phục vụ thị trường tốt hơn. Mỗi nghệ nhân, mỗi gia đình làm nghề đã có những đổi thay không hề nhỏ trong tư duy sản xuất, kinh doanh. Những người thợ ướp trà sen hay nhiều nghệ nhân, nông dân giỏi trồng quất, trồng đào..., họ trở thành những “viên gạch” trong “công trình công nghiệp văn hóa” mà quận Tây Hồ và cả Thành phố đang triển khai xây dựng.

Những nghệ nhân đam mê với nghề truyền thống, sáng tạo cho ra những sản phẩm quất cảnh độc đáo, đáp ứng nhu cầu khách tiêu dùng.

Những nghệ nhân đam mê với nghề truyền thống, sáng tạo cho ra những sản phẩm quất cảnh độc đáo, đáp ứng nhu cầu khách tiêu dùng.

Ông Ngô Văn Xiêm, nghệ nhân trong gia đình có 5 đời làm trà sen bộc bạch: “Nghệ thuật ướp trà sen là niềm say mê, niềm tự hào của người dân phường Quảng An, bởi thế mà từ đời này sang đời khác, nghề truyền thống ấy vẫn được tiếp nối như giữ lại một giá trị tinh túy cho mảnh đất và con người nơi đây. Vẫn là cách làm hoàn toàn thủ công, vẫn những nguyên liệu thơm ngon nhất cùng bí quyết gia truyền để tạo nên món quà độc đáo mang hương vị sen hồ Tây”.

Cùng chung tâm huyết giữ nghề truyền thống như gia đình ông Xiêm, ngôi nhà dưới con dốc nhỏ trên phố Tô Ngọc Vân, gia đình bà Ngô Thị Thân (phường Quảng An) luôn tỏa hương thơm ngát của những đóa sen. Bà Thân là con gái cụ Nguyễn Thị Dần, người gắn bó gần một thế kỷ với nghề làm trà sen, trò chuyện cùng bà Thân, chúng tôi nhận thấy, với niềm say nghề, lo lắng trà sen sẽ bị thất truyền, thấu hiểu những trăn trở của mẹ, bà Thân quyết định theo nghề làm trà sen với quyết tâm giữ nghề truyền thống của làng.

“Là người con Tây Hồ, lớn lên tôi tự thấy mình cần gìn giữ nghề truyền thống của cha ông, tôi theo và gắn bó với nghề làm trà sen mà mẹ tôi truyền lại. Làm trà sen, bà Thân vừa kế tục cách làm truyền thống, vẫn giữ lối ướp trà thủ công từ mấy mươi năm trước, không thêm bất kỳ một loại hương liệu nào khác ngoài mùi hương tự nhiên của sen vừa kết hợp những đổi mới, thích ứng với nhịp chảy của thời đại. Cứ vậy, trải qua gần 2 thế kỷ, gia đình tôi vẫn gắn bó, giữ gìn lấy nghề và lan truyền nét đẹp văn hóa của người Hà Nội”, bà Thân bộc bạch..

Không chỉ riêng nghề trà sen phường Quảng An, các nghệ nhân làng nghề quất cảnh Tứ Liên cũng không ngừng đổi mới để đưa sản phẩm quất truyền thống vươn xa ra thị trường. Cùng với trồng quất, các hộ dân khai thác phát triển du lịch ngay chính làng nghề.

“Từ sự đổi mới của làng nghề, những năm qua, làng quất Tứ Liên thu hút rất đông khách du lịch, chủ yếu là đoàn khách quốc tế tới tham quan. Mỗi du khách khi đến đây đều rất ngạc nhiên khi làng nghề đã có rất nhiều sản phẩm quất cảnh độc đáo. Mỗi năm làng nghề thu hút hàng nghìn du khách tới trải nghiệm, tham quan. Để thu hút khách, chúng tôi hướng tới mở tour du lịch thăm làng nghề quất cảnh. Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch liên kết với công ty du lịch mở tour du lịch đạp xe vòng quanh làng nghề. Chúng tôi đưa ra những tiêu chí vệ sinh môi trường để tạo ấn tượng đẹp trong mỗi du khách”, nghệ nhân Bùi Thế Mạnh, làng quất Tứ Liên bày tỏ.

Chia sẻ về định hướng phát triển nghề truyền thống trong thời gian tới, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết: Quận Tây Hồ sẽ triển khai đầu tư phát triển hạ tầng thuận lợi cho hoạt động du lịch ở làng nghề truyền thống. Quận cũng động viên, khuyến khích các nhà vườn thiết kế cảnh quan xứng tầm để khách đến thưởng ngoạn; đồng thời, triển khai giới thiệu vẻ đẹp các loại đào, các quy trình trồng, chăm sóc đào, quất… cho du khách. Không chỉ vậy, các làng nghề truyền thống cũng được định hướng sẽ kết nối với các danh thắng, các không gian trồng hoa lớn như: Thung lũng hoa, Bãi đá sông Hồng, các di tích, làng nghề trên địa bàn quận Tây Hồ để trở thành tour du lịch hấp dẫn, qua đó, nâng tầm giá trị cho làng nghề truyền thống.

N.Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bai-1-danh-thuc-tiem-nang-tay-ho-173344.html