'Bẫy'chiếm đoạt tiền trên mạng
Với lời giới thiệu hỗ trợ các nhiệm vụ làm từ thiện trên mạng xã hội, chỉ cần thích (like) và đăng ký các kênh YouTube, cùng với mối lợi hoa hồng tăng dần 15%-50%, có thể thu nhập vài trăm ngàn đồng/ngày, nhiều người đã bị rơi vào cái bẫy tinh vi của các đối tượng xấu đã giăng sẵn theo từng nấc, bậc số tiền khác nhau. Và cái kết là bị hại mất trắng số tiền…
Chỉ cần thích (like) và đăng ký các kênh YouTube là có tiền?!
Ngày 20/7, chị H.T (SN 1999, ngụ TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đã cùng người thân gửi đơn đến Công an TP Hồ Chí Minh, Công an TP Thủ Đức… trình báo về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội số tiền hơn 600 triệu đồng.
Chị T. kể lại rằng thông qua một người bạn, chị được giới thiệu làm quen qua mạng xã hội với một người phụ nữ tên Lê Hữu Minh Tâm (đang làm công việc online tại nhà) để tham gia một trò chơi trên mạng xã hội. Theo chị T., người này giới thiệu cho chị khi tham gia trò chơi, nếu chiến thắng sẽ được nhận tiền thật, số tiền sẽ được chuyển qua tài khoản ngân hàng. Sau đó, Tâm liên hệ với tài khoản Facebook TTTN Company 28 là nhân viên Công ty UNIMEDIA để làm hồ sơ cho chị T. tham gia.
Tài khoản Facebook TTTN Company 28 yêu cầu chị T. cài ứng dụng Telegram và đăng ký tên tài khoản của mình. Sau khi chị T. cài ứng dụng thành công, tài khoản Facebook TTTN Company 28 đã cho chị T. mã giới thiệu của người hướng dẫn là: 277\, https://t/me/hainam20 (Hải Nam HD) để được nhận làm nhiệm vụ.
Đáng nói là theo lời Hải Nam HD tư vấn, nhiệm vụ của chị T. là chỉ cần thích (like) và đăng ký các kênh YouTube mà người này yêu cầu thì sẽ được nhận ngay 50.000 đồng. Số tiền này do tài khoản “Nguyen Chi Tam” chuyển đến tài khoản ngân hàng của chị T.
Sau đó, tài khoản Hải Nam HD tiếp tục yêu cầu chị T. nhận nhiệm vụ từ thiện bằng cách like đường link “Quỹ Vì trẻ em khuyết tật” và chuyển 10.000 đồng vào số tài khoản 0011003814022 để được nhận tổng cộng 60.000 đồng của cả hai lần làm nhiệm vụ.
Sau khi xác nhận đã nhận tiền, tài khoản Hải Nam HD tiếp tục hướng dẫn chị làm nhiệm vụ phúc lợi khác và gặp một chuyên gia tư vấn bằng cách nhấn vào một đường link. Đường link này hiện ra một loạt danh sách các trò chơi điện tử. Lúc này chuyên gia xuất hiện và yêu cầu chị T. tạo tài khoản và chuyển 120.000 đồng vào số tài khoản 043704070012854 có tên “Duong Thanh Thuc”. Chuyên gia trên mạng này lại yêu cầu chị T. nhấn vào ô xổ số và một số ô khác để được nhận tiền. Tiếp đó, chuyên gia này một lần nữa yêu cầu chị T. chuyển 300.000 đồng để thực hiện nhiệm vụ tương tự. Sau khi thực hiện xong, chị T. được nhận số tiền cả gốc và hoa hồng là 552.000 đồng do “Nguyen Chi Tam” chuyển khoản.
Đến ngày 7/7, một người tên Phạm Nhật (do tài khoản Hải Nam HD giới thiệu) tiếp tục hướng dẫn, yêu cầu chị T. thích và đăng ký nhiều kênh trên YouTube để được nhận 100.000 đồng. Sau khi chị T. nhận được tiền, Hải Nam HD hướng dẫn chị T. tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phúc lợi để nhận tiền hoa hồng và kết nối với chuyên gia để làm nhiệm vụ phúc lợi.
Cách thức làm nhiệm vụ phúc lợi mà Hải Nam HD hướng dẫn là nhấn vào một đường link. Khi chị T. nhấn vào đường link này, chuyên gia có tên Phạm Nhật xuất hiện và yêu cầu chị T. chuyển 500.000 đồng vào số tài khoản 043704070012854 (Duong Thanh Thuc).
Khi chị T. đã bị cuốn vào “trò chơi”, Phạm Nhật bắt đầu “tung chiêu” dụ dỗ rằng mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ (tức chuyển khoản) sau đó thì chị T. sẽ được nhận lại toàn bộ tiền gốc và hoa hồng tăng dần 15-50%. Nghe vậy, chị T. tin theo, đi vay mượn khắp nơi của bạn bè, người thân họ hàng để có tiền thực hiện theo lời dụ dỗ của chuyên gia, với mong muốn nhanh kiếm được nhiều tiền…
“Hầu hết các cách kiếm tiền dễ dàng trên mạng đều là lừa đảo”
Chỉ trong một ngày, chị T. đã làm theo hướng dẫn và chuyển bốn đợt tiền từ 500.000 đồng đến 36 triệu đồng vào số tài khoản 043704070012854 (Duong Thanh Thuc) nhưng lại không nhận được đồng hoa hồng nào. Chị T. thắc mắc thì được Phạm Nhật giải thích là chị đã làm nhầm quá trình. Người này tiếp tục dụ dỗ chị T. phải bù 125.675.000 đồng (hơn 125 triệu đồng) để nhận lại toàn bộ số tiền trên.
Không mảy may nghi ngờ, chị T. lại chuyển khoản, Phạm Nhật tiếp tục yêu cầu chị T. nhấn vào một đường link để rút tiền. Song chị T. vẫn không rút tiền được, Phạm Nhật tiếp tục giải thích là do chị T. nhập sai số tài khoản nên không rút được.
“Tiếp đó, Phạm Nhật cho biết do trong đường link có số 226.212.000 nên yêu cầu tôi phải chuyển số tiền tương đương với con số này (hơn 226 triệu đồng) vào để xác nhận đường link này là của tôi và rút tiền. Nhưng khi tôi nhấn vào đường link thì không được”, chị T. kể lại.
Lúc này, chuyên gia mạng Phạm Nhật lại xuất hiện và giải thích tiếp với chị T. là do chị đã rút tiền quá ba lần không được nên đường link bị khóa lại và đóng băng. “Người này bảo tôi phải chuyển 205.835.892 đồng để mở đường link. Như vậy, tổng cộng tôi đã chuyển 609.222.892 đồng, nhưng toàn bộ đều mất trắng và những người đó cũng mất liên lạc… Đây là số tiền rất lớn do tôi đi vay mượn của bạn bè, người thân và đồng nghiệp để thực hiện”. Chị T chỉ mong cơ quan Công an điều tra làm rõ, giúp lấy lại số tiền đã bị lừa mất.
Thời gian qua, Bộ Công an và Công an các tỉnh thành trên cả nước đã thường xuyên cung cấp thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tin nhắn SMS để cảnh báo những phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tuy nhiên, hiện nay loại tội phạm này vẫn còn diễn biến phức tạp, gây ra hậu quả lớn cho người dân. Trong đó, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt để chiếm đoạt tài sản của bị hại như: Giả danh cơ quan tư pháp yêu cầu bị hại chuyển tiền để chứng minh sự trong sạch; Làm quen trên mạng xã hội, sau đó gửi quà tặng và yêu cầu đóng các loại phí để nhận quà; Đề nghị nâng cấp sim điện thoại; Lừa đảo qua sàn ngoại hối, tiền ảo; Yêu cầu người tham gia làm nhiệm vụ qua các ứng dụng lạ…
Lúc đầu, các đối tượng sẽ yêu cầu người tham gia đóng tiền làm các nhiệm vụ, sau đó sẽ được hoàn tiền. Khi có số tiền lớn, chúng sẽ cho ứng dụng báo bị lỗi yêu cầu người chơi đóng tiền tiếp, nêu không đóng sẽ mất tiền. Cứ thế người chơi tiếc tiền mà lún sâu… Cuối cùng, các đối tượng sẽ chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà các bị hại đã nạp vào.
Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị người dân nâng cao ý thức cảnh giác với các loại tội phạm này; nếu phát hiện hoạt động các loại tội phạm trên thì nhanh chóng trình báo cho lực lượng Công an gần nhất để kịp thời hỗ trợ, xử lý theo quy định.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tai-chinh-40/baychiem-doat-tien-tren-mang-i661283/