Bầy chim trời trong bất hạnh phóng sinh
Từ nhu cầu mưu sinh của người bắt bẫy, những loại chim hoang dã được đem về bán cho mọi nhu cầu từ ẩm thực tới việc phóng sinh hay phục vụ thú chơi giam cầm. Trong đó, có bi kịch của vô số chim trời không thể thoát ra.
Bi kịch “phóng sinh”
Bẫy bắt chim trời, các loại chim hoang dã không chỉ ở những vùng rừng núi, vùng nông thôn mà tại nhiều thành phố lớn tình trạng bẫy bắt chim cũng diễn ra không hiếm gặp. Mùa Phật Đản, hay trong ngày rằm, mồng 1, chim sẻ và chim ri là hai loài được bẫy bắt rất nhiều để cung ứng trường xuyên cho các điểm bán chim phóng sinh. Và, có một thực tế, hoạt động phóng sinh diễn ra quanh năm chứ không chỉ là một vài ngày. Phía sau cuộc mưu sinh của những người bẫy - bán chim trời là bi kịch của những chú chim không may mắc bẫy.
Người đàn ông luống tuổi chìa lùm chim vừa bắt được cho khách gần cổng chùa, mời chào những người đến chùa mùa Phật Đản mua chim phóng sinh. Khuôn mặt khắc khổ của người đàn ông ở cái tuổi ngoài 50 chỉ chực hềnh hệch ra cười khi khách không ngại ngần rút tiền ra dúi vào tay rồi xách đi lùm chim. Những cuộc mua bán ấy mấy ai trả giá, nhiều người cũng kiếm được kha khá mỗi ngày rằm, mồng 1, nhất là vào mùa Phật Đản từ những chú chim nhỏ. Người như thế không thiếu ở cổng chùa. Xung quanh đó là những lồng chim phóng sinh san sát, những tiếng mời gọi đầy hoạt náo như đối lập hẳn với tiếng kệ kinh và mùi nhang trầm.
“Thấy chim nhốt trong lồng tội quá nên mua thả phóng sinh, chứ cũng không quan tâm đến cảnh chim bị bẫy bắt để bán về đây”, một người đi chùa mua chim phóng sinh bộc bạch. Nhiều người có lẽ không dễ để đặt câu hỏi rằng chim chóc ở đâu ra mà nhiều vậy? Có người bảo ở rừng, ở đồng mang về. Ai mang về bán? Là những thợ săn. Nhưng, nếu như không có những cuộc phóng sinh như thế thì liệu lũ chim kia có bị đánh bẫy và bị tóm bắt hàng loạt thế này không? Trên những cánh đồng lớn vừa sau vụ gặt, cảnh bình minh với ánh mặt trời tuyệt đẹp nơi đây phút chốc bị phá vỡ bởi những tiếng kêu của những chú chim tội nghiệp dính bẫy đang tìm cách thoát ra trong vô vọng. Trong những đám cỏ lau, nơi chim ri thường kéo đến kiếm mồi, những tấm lưới dài cả trăm mét có rất nhiều thức ăn, lại có con chim làm mồi nhử nên lũ chim ri đi kiếm ăn buổi sáng thấy vậy liền chui vào và không thể bay ra. Có những cách bắt chim khác là dùng lưới chụp. Tấm lưới được nối với một sợi dây dài, thợ săn kéo sợi dây ra xa, ngồi đợi. Một lúc sau, khi thấy đã có nhiều chim vào ăn mồi, thợ liền giật mạnh sợi dây, mảng lưới úp xuống phủ lên bầy chim tội nghiệp.
Có ngày, có người gom được gần 100 con chim. Một con chim ri bắt được bán cho đại lý với giá 7.000-8.000 đồng. Bán cho đại lý giá sỉ rồi đại lý bán lại cho những người bán chim phóng sinh với giá khoảng 10.000 đồng/con. Cứ thế, ở phố, nơi hoạt động phóng sinh diễn ra nhiều thì chim ri và chim sẻ là hai loại chim được ưa chuộng để bán phóng sinh. Thu nhập của những người sống bằng nghề bẫy chim luôn tỷ lệ với số phận của lũ chim. Họ càng kiếm được nhiều tiền thì số chim trời bị bẫy bắt cũng không ngừng tăng lên. Có người đã kiếm sống bằng nghề này nhiều năm và chưa ai có ý định “rửa tay gác kiếm”.
Những thợ săn vào mùa phóng sinh đặt bẫy, rồi đến người bán chim phóng sinh. Người mua sau màn thắp hương cúng bái, lại mở lồng thả những con chim bay lên trong hương khói chùng chình. Mai, ngày kia, vài ngày nữa liệu chúng có bị bắt lại để tiếp tục được phóng sinh một lần nữa? Chim bố mẹ bị bắt, rồi những ổ trứng ấp dở không còn hơi ấm, những đàn chim non quay quắt đợi thức ăn. Khi chim bố mẹ bị con người bắt thì những con chim non mùa sinh sản cũng sẽ chết vì đói trong tổ. Hình ảnh những chú chim non còn đỏ hỏn đã bị bắt khỏi tổ, hay những chú chim chết khô trên lưới. Rồi vào những mùa chim kết đôi, vắng bặt tiếng ríu rít hân hoan, tung bay gọi bầy, thay vào đó là tiếng kêu "chích, chích" đơn lẻ, lạc lõng giữa không trung. Chúng vụt bay nháo nhác khi nhìn thấy bóng dáng con người...
Đầu hạ cũng là mùa các loài chim rừng ríu rít ghép đôi để duy trì nòi giống. Thế nhưng, mỗi ngày có không biết bao nhiêu con chim đã sa lưới của cánh thợ săn, thợ bẫy chim, khiến một số loài chim mấy năm trước còn nhiều nay đã đứng trước nguy cơ tuyệt diệt. Dính bẫy, những con chim sẻ cố giãy giụa để thoát thân, nhưng càng cố hết sức để thoát ra ngoài, chúng càng dính chặt vào bẫy. Trong cơn tuyệt vọng, ánh mắt của những con chim hoảng loạn tột cùng nhìn người bẫy chim. Lũ chim sập bẫy được dồn vào một chiếc lồng lớn hơn nhưng chật chội hơn vì chim quá nhiều. Chúng lại đập cánh tranh nhau tìm cách thoát ra nhưng bất lực. Đến khi người bẫy chim trùm tấm vải che lên chiếc lồng, tiếng kêu của chúng mới lịm dần rồi chìm vào bóng tối. Trong chiếc lồng đó, có rất nhiều chim chết vì đói khát hoặc cũng có thể do hoảng loạn. Có con chim khi chết, chiếc mỏ nhỏ xíu vẫn ngậm chặt thanh sắt ở thành lồng. Có lẽ nó đã tìm cách cắn rách vách lồng để thoát thân trong tuyệt vọng.
Mùa phóng sinh, nhìn những con chim mới bẫy về được rao bán công khai mà không khỏi xót xa. Dù với mục đích gì, điều chắc chắn rằng khi còn nhiều người mua chim để phóng sinh thì sẽ còn thị trường để cung ứng và sẽ có rất nhiều chim bị bẫy bắt vì cái vòng luẩn quẩn này. Có rất nhiều con chim sau khi thả ra bị suy yếu và dễ dàng bị bắt lại để tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn bẫy bắt - phóng sinh rồi bị bắt lại...
Tiếng chim rừng nhao nhác trong lồng sắt
Không chỉ với những loài chim bị bắt để phóng sinh, còn có nhiều loài chim bị bẫy bắt để phục vụ thú chơi của nhiều người. Những tiếng hót chẳng còn vui tươi khi những chú chim rừng bị giam cầm trong những chiếc lồng nhỏ. Liệu mấy ai biết rằng, những chú chim lồng đang bị cầm tù kia còn thích hót trong nỗi ngơ ngẩn nhớ tới rừng sâu.
Nhu cầu chơi chim cảnh, đặc biệt là chim rừng của nhiều người ngày càng cao, thì đồng nghĩa với việc số lượng chim rừng bị bẫy bắt ngày càng nhiều. Mỗi ngày có không biết bao nhiêu con chim sa lưới cánh thợ săn, thợ bẫy chim, dẫn tới tình trạng bên bờ tuyệt diệt của nhiều loài chim quý hiếm. Vì cuộc mưu sinh, nhiều thợ săn chim không ngại dùng các loại bẫy lưới, bẫy tất cả các loại chim để phân loại và mang về bán cho khách hàng. Nhiều con đường, các ngã ba, ngã tư, nơi đông người lâu nay vẫn nhan nhản những người bán các loại chim rừng. Còn ở phía núi, nơi những cánh rừng đại ngàn đã và đang có rất nhiều tay săn chim ngày đêm lùng sục những chú chim để đưa về thành phố. Trên những phố phường đông đúc, người bán chim cảnh khá nhiều, họ đi thành từng tốp, từng nhóm, trên chiếc xe máy là những lồng chim với đủ loại chim cảnh từ họa mi, khướu, yểng, cà cưỡng cho đến sáo... với nhiều mức giá khác nhau. Có chú chim chỉ vài trăm ngàn đồng, có chú chim vài triệu đồng. Chỉ cần dừng lại hỏi, người bán chim lập tức giới thiệu gốc gác từng loại chim, đặc tính, sở thích và cả khả năng hót hay vẻ đẹp của từng loại một cách vanh vách như một nhà "chim học" thứ thiệt.
Những chú chim bé dại thấy người cứ đập cánh bay loạn xạ. Chúng sợ tiếng người, sợ loài người, sợ tiếng động ô tạp của phố phường. Nơi nguyên thủy của chúng là những đại ngàn nhưng phận chim rừng đã lọt bẫy đành chấp nhận kiếp chim lồng. Những tiếng hót dường như chẳng còn thánh thót ở trong lồng nữa mỗi khi người bán chim cất một điệu sáo miệng để mồi. Những đôi mắt chim ngơ ngác đầy sợ hãi khi bị bắt cho vào chiếc lồng nhỏ theo người chủ mới, chẳng biết số phận rồi sẽ ra sao.
Từng có một người chơi chim, vì không chịu nổi tiếng hót thảng thốt đầy sợ hãi của chú chim quý mà bung lồng thả chim về với tự nhiên. Chẳng biết chú chim ấy sau này có dính lại bẫy của người thợ săn chim nào đó không, nhưng chắc hẳn lòng người chơi chim sẽ đỡ day dứt hơn nhiều.
Ngày qua ngày, hoạt động mua bán chim rừng vẫn diễn ra nhộn nhịp, công khai các phố thị. Người qua đường liệu có nghe thấy những tiếng khắc khoải của loài chim trong lồng sắt, nơi chúng chẳng còn được tự do và tiếng hót của bầy chim rừng cũng chẳng còn thánh thót như vốn có.
Trước tình trạng chim trời và nhiều loài động vật hoang dã bị bẫy bắt để phục vụ phóng sinh ở nhiều nơi, không ít người, trong đó có nhiều vị cao tăng đã lên tiếng phản đối, đề nghị nên từ bỏ việc này. Bởi, phóng sinh theo cách này giống như thúc đẩy sát sinh, khiến các loài sinh vật bị bẫy bắt, sát hại càng nhiều. Trước khi được phóng sinh, con vật bị đánh bắt chỉ vì nhu cầu phóng sinh, bị giam cầm, sống trong hoảng loạn. Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó trưởng Ban Phật giáo quốc tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ít lần lên tiếng, giảng giải rằng, phóng sinh phải đúng với ý nghĩa của nó, đó phải là sự tình cờ, chứ không phải phóng sinh “đặt hàng”. Vì như vậy, sẽ có rất nhiều con vật phóng sinh bị bắt, được thả ra nhưng sau đó bị bắt lại nhiều lần cho đến khi chết...
Theo TIÊU DAO (cand)
Link bài gốc: https://antg.cand.com.vn/Phong-su/bay-chim-troi-trong-bat-hanh-phong-sinh-i696393/
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/bay-chim-troi-trong-bat-hanh-phong-sinh-post239976.html