Bẫy 'đơn hàng 0 đồng': Chiêu lừa cũ - thủ đoạn mới!

Dù đã được cảnh báo nhiều lần nhưng lừa đảo trực tuyến 'đơn hàng 0 đồng', 'quà tặng 0 đồng' vẫn tái diễn với thủ đoạn ngày càng tinh vi, khiến người dân Hà Tĩnh 'mất tiền oan'.

Các chiêu thức lừa đảo trực tuyến không ngừng biến hóa và tái diễn với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo, kịch bản "đơn hàng 0 đồng" tưởng như đơn giản lại đang là mồi nhử khiến nhiều người "mất tiền oan", thậm chí mất trắng hàng trăm triệu. Vụ việc mới nhất tại Hà Tĩnh là minh chứng rõ ràng cho sự nguy hiểm của thủ đoạn này khi nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 400 triệu đồng.

 Chị T. trình báo tại cơ quan Công an. Ảnh: Công an Hà Tĩnh.

Chị T. trình báo tại cơ quan Công an. Ảnh: Công an Hà Tĩnh.

Nạn nhân trong vụ việc này là chị T. (trú huyện Thạch Hà). Vào đầu tháng 4/2025, chị T. nhận được cuộc gọi thông báo về một "đơn hàng 0 đồng", chỉ yêu cầu thanh toán 16.000 đồng tiền phí vận chuyển. Với tâm lý chủ quan vì số tiền nhỏ, chị đã làm theo hướng dẫn để chuyển khoản. Ngay sau đó, kẻ lừa đảo tiếp tục liên hệ, dựng chuyện chị đã chuyển nhầm tiền vào tài khoản "thành viên" của công ty giao hàng và sẽ bị trừ tự động 4,5 triệu đồng mỗi tháng. Hoảng sợ, chị T. được hướng dẫn kết bạn qua mạng xã hội với tài khoản giả mạo để "hủy đăng ký".

Qua mạng xã hội, chị T. nhận được đường link có giao diện hãng giao hàng, bị yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu và mã OTP để hủy liên kết. Tin lời, chị làm theo và lập tức bị mất 49 triệu đồng trong tài khoản. Thay vì trình báo công an, chị T. lại tiếp tục "cầu cứu" kẻ lừa đảo với hy vọng lấy lại số tiền đã mất. Kẻ gian giăng bẫy "thu hồi tiền", đưa chị vào nhóm chat giả mạo với những thành viên "chim mồi" khoe khoang "thành tích" lấy lại tiền. Chị T. được yêu cầu nộp liên tiếp các khoản "phí khiếu nại", "phí xác minh" với số tiền ngày càng lớn, tổng cộng vượt mốc 200 triệu đồng trong giai đoạn này.

Kịch bản lừa đảo leo thang khi kẻ gian giả danh cán bộ công an liên hệ, yêu cầu chị T. cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân, sao kê và đặc biệt là đọc các mã OTP gửi về điện thoại để "phục vụ điều tra, thu hồi tiền". Tin tưởng mình đang phối hợp với cơ quan chức năng, chị T. đã làm theo mọi yêu cầu. Hậu quả cuối cùng, toàn bộ số tiền còn lại trong tài khoản của chị T. cũng bị vét sạch. Tổng số tiền chị T. bị lừa đảo lên tới hơn 400 triệu đồng chỉ trong thời gian ngắn.

 Đã có nhiều vụ lừa đảo với kịch bản "đơn hàng 0 đồng". Ảnh minh họa từ Internet.

Đã có nhiều vụ lừa đảo với kịch bản "đơn hàng 0 đồng". Ảnh minh họa từ Internet.

Trường hợp của chị T. tại Hà Tĩnh không phải là cá biệt. Lực lượng công an tại nhiều địa phương đã liên tục tiếp nhận trình báo về các vụ lừa đảo với kịch bản tương tự. Các đối tượng thường bắt đầu bằng những thông báo "miễn phí", "0 đồng", "trúng thưởng" hoặc "nhận quà" với giá trị nhỏ hoặc chỉ yêu cầu nộp một khoản phí rất ít để tạo lòng tin ban đầu và thu thập thông tin nạn nhân.

Sau đó, chúng nhanh chóng chuyển sang các kịch bản phức tạp hơn như dọa dẫm (về các khoản nợ, liên quan đến đường dây tội phạm); giả danh cơ quan công quyền (công an, viện kiểm sát...) hoặc hứa hẹn lợi nhuận/hoàn tiền cao để thao túng tâm lý nạn nhân, khiến họ hoảng loạn, mất khả năng suy xét và làm theo mọi yêu cầu chuyển tiền. Đặc biệt, thủ đoạn yêu cầu cung cấp mã OTP dưới vỏ bọc xác minh thông tin hay hỗ trợ điều tra đang được sử dụng rất phổ biến để chiếm đoạt tiền trực tiếp từ tài khoản ngân hàng của nạn nhân.

Số liệu từ Công an tỉnh Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã khởi tố 16 vụ với 10 bị can; khởi tố bổ sung 7 bị can liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Các đối tượng lừa đảo hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức và sử dụng công nghệ cao, thay đổi thủ đoạn liên tục. Nạn nhân của các vụ lừa đảo qua mạng đa phần là do mất cảnh giác, thiếu thông tin hoặc quá lo sợ, quá tin tưởng vào các thông báo giả mạo.

 Việc trang bị kiến thức giúp cán bộ, người dân nâng cao cảnh giác tội phạm trên không gian mạng được cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chú trọng.

Việc trang bị kiến thức giúp cán bộ, người dân nâng cao cảnh giác tội phạm trên không gian mạng được cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chú trọng.

Trao đổi về các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến tinh vi hiện nay, đặc biệt là kịch bản "đơn hàng 0 đồng", Thượng tá Nguyễn Trường Diệu - Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Hà Tĩnh) đặc biệt khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác và tuân thủ các nguyên tắc sau để tự bảo vệ mình.

"Trước hết, hãy cảnh giác cao độ với các thông báo về đơn hàng "lạ" hoặc "0 đồng". Luôn kiểm tra lịch sử mua hàng và chỉ xác nhận thông tin qua kênh liên lạc chính thức, đáng tin cậy của đơn vị bán hàng hoặc vận chuyển (không làm việc qua số điện thoại gọi đến hay các đường link lạ). Về việc thanh toán, chỉ thanh toán khi nhận hàng (COD); tuyệt đối không chuyển khoản cho các tài khoản cá nhân không rõ ràng yêu cầu qua điện thoại hay tin nhắn dưới danh nghĩa bất kỳ loại phí nào (phí ship, phí xác minh...).

Bên cạnh đó, người dân cần chú trọng bảo mật thông tin nhạy cảm: không nhấn vào các đường link lạ và tuyệt đối không cung cấp mật khẩu tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai dưới mọi hình thức, kể cả khi người đó xưng là cán bộ công an, ngân hàng hay nhân viên giao hàng. Bên cạnh đó, hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân công khai trên mạng xã hội. Cuối cùng, khi có dấu hiệu bất thường hoặc nghi ngờ bị lừa đảo, lập tức dừng mọi giao dịch/liên lạc và nhanh chóng trình báo cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời" - Thượng tá Nguyễn Trường Diệu nhấn mạnh.

Đức Quân

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/bay-don-hang-0-dong-chieu-lua-cu-thu-doan-moi-post287380.html