Bảy gói vũ khí lớn Mỹ dự định bán cho Đài Loan

Chính quyền Trump đang thúc đẩy một trong những thương vụ mua bán vũ khí lớn nhất với Đài Loan, bao gồm tên lửa tầm xa cho phép hòn đảo tấn công các mục tiêu ở đất liền Trung Quốc.

Nếu 7 hợp đồng vũ khí này được quốc hội Mỹ thông qua, đây sẽ là một trong những thương vụ mua bán vũ khí lớn nhất những năm gần đây giữa Washington và Đài Bắc. Chính quyền Tổng thống Donald Trump có kế hoạch thông báo không chính thức cho các nhà lập pháp về việc mua bán trong vòng vài tuần tới.

Một số quan chức Mỹ coi việc tăng cường sức mạnh cho Đài Loan là một phần quan trọng trong việc tạo ra đối trọng quân sự lớn hơn với Trung Quốc ở châu Á. New York Times nhận định Đài Loan nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng trong quốc hội Mỹ, vì vậy các nhà lập pháp nhiều khả năng sẽ chấp thuận việc mua bán vũ khí này.

 Binh sĩ Đài Loan vận hành một chiến đấu cơ F-16V do Mỹ sản xuất trong một cuộc tập trận hồi tháng 1. Ảnh: AP.

Binh sĩ Đài Loan vận hành một chiến đấu cơ F-16V do Mỹ sản xuất trong một cuộc tập trận hồi tháng 1. Ảnh: AP.

Có gì trong 7 gói vũ khí?

Theo luật, chính phủ Mỹ cần cung cấp vũ khí mang tính chất phòng thủ cho Đài Loan, hòn đảo tự trị mà Trung Quốc tuyên bố là một tỉnh của họ. Trung Quốc đã leo thang hoạt động quân sự xung quanh hòn đảo này sau khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn tái đắc cử vào tháng 1.

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã xuống mức xấu nhất trong nhiều thập kỷ. Hai quốc gia công khai thách thức lẫn nhau trong nhiều vấn đề, bao gồm thương mại, công nghệ, quan hệ ngoại giao và vị thế thống trị về quân sự ở châu Á.

Hệ thống vũ khí nhạy cảm nhất trong các đề xuất mua bán với Đài Loan là tên lửa không đối đất AGM-84H/K SLAM-ER do Boeing chế tạo. Với tầm bắn xa, tên lửa này có thể được bắn từ các chiến đấu cơ bay ngoài tầm với của hệ thống phòng không Trung Quốc.

Tên lửa có thể bắn trúng các mục tiêu trên đất liền Trung Quốc hoặc trên biển, bao gồm cả tàu chiến cố đi qua eo biển Đài Loan. Đề xuất bán hệ thống tên lửa này cho Đài Loan chưa từng được tiết lộ trước đây và động thái có khả năng gây lo ngại trong giới chức quân sự Trung Quốc.

Tên lửa này có thể được sử dụng với máy bay chiến đấu F-16 mà Mỹ đã bán cho Đài Loan. Năm 2019, chính quyền Trump thông báo họ đã bán cho Đài Loan 66 chiếc F-16 với giá 8 tỷ USD, một trong những gói vũ khí lớn nhất mà hòn đảo này mua từ Mỹ trong nhiều năm.

Các quan chức cho biết kế hoạch mua bán dự kiến hiện bao gồm máy bay do thám không người lái - phiên bản không có vũ khí của mẫu Reaper do General Atomics sản xuất; hệ thống pháo phản lực bắn từ xe do Lockheed Martin chế tạo; tên lửa chống hạm phóng từ mặt đất Harpoon của Boeing; và mìn hải quân. Reuters từng tiết lộ một số thông tin liên quan đến các gói vũ khí hôm 16/9.

 Chiến đấu cơ F/A-18C Hornet của Mỹ được trang bị một tên lửa SLAM-ER dưới cánh phải. Ảnh: Wikimedia Commons.

Chiến đấu cơ F/A-18C Hornet của Mỹ được trang bị một tên lửa SLAM-ER dưới cánh phải. Ảnh: Wikimedia Commons.

"Mỹ ngày càng lo ngại rằng khả năng răn đe của mình đang suy yếu trong khi năng lực quân sự của Trung Quốc gia tăng", Bonnie S. Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết. "Các gói vũ khí này sẽ giúp Đài Loan tăng khả năng ngăn chặn cuộc xâm lược của Trung Quốc - về cơ bản là để cầm cự lâu hơn".

Tuy nhiên, bà nói: "Mua sắm vũ khí chỉ là một phần của phương trình đó. Mỹ cũng đang thúc giục Đài Loan tái xây dựng lực lượng dự bị và tiến hành huấn luyện thực địa nhiều hơn".

Mua sắm thực chất

Trung Quốc vốn luôn phản đối việc bán vũ khí cho Đài Loan và nước này có thể đưa ra cảnh báo bằng cách tăng cường các cuộc tập trận mà Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) tiến hành trong khu vực. Tháng trước, PLA đã bắn các tên lửa tầm trung vào Biển Đông trong một loạt cuộc tập trận và hôm 16/9, họ đã điều hai máy bay chống ngầm vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.

Trung Quốc cũng có thể công bố biện pháp trừng phạt với các công ty Mỹ liên quan đến việc mua bán. Hồi tháng 7, Bắc Kinh cho biết họ sẽ trừng phạt Lockheed Martin sau khi chính quyền Trump thông báo họ đang phê duyệt gói vũ khí trị giá 620 triệu USD cho Đài Loan liên quan đến việc nâng cấp tên lửa đất đối không của tập đoàn này. Song Lockheed Martin hầu như không làm ăn với Trung Quốc và đã cung cấp vũ khí, trang thiết bị quốc phòng cho Đài Loan trong nhiều năm.

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Boeing, việc này có thể giáng một đòn mạnh vào công ty vốn là nhà cung cấp máy bay thương mại cho đất nước tỷ dân.

Evan S. Medeiros, giáo sư tại Đại học Georgetown và từng là giám đốc cấp cao phụ trách châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ trong chính quyền ông Obama, cho biết Trung Quốc có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số công ty, "nhưng về mặt chiến lược, họ tập trung vào việc duy trì sự ổn định trong quan hệ Mỹ - Trung ngay lúc này".

Trong thập kỷ qua, ông Medeiros và các quan chức Mỹ khác đã thúc ép giới chức Đài Loan mua các loại vũ khí giúp tăng cường khả năng răn đe và nâng cao năng lực của quân đội trên hòn đảo để ngăn chặn các lực lượng Trung Quốc một cách thực tế.

Vào tháng 6/2019, chính quyền ông Trump, theo yêu cầu của các quan chức Đài Loan, đã đề xuất gói vũ khí trị giá 2 tỷ USD bao gồm 108 xe tăng M1A2 Abrams. Kế hoạch mua bán này đã bị các chuyên gia về quân đội Trung Quốc của Mỹ chỉ trích rộng rãi, cho rằng xe tăng sẽ không giúp ích nhiều trong trường hợp PLA tấn công Đài Loan.

 Việc Mỹ đề xuất bán xe tăng M1A2 Abrams cho Đài Loan được cho là không thực tế. Ảnh: Wikimedia Commons.

Việc Mỹ đề xuất bán xe tăng M1A2 Abrams cho Đài Loan được cho là không thực tế. Ảnh: Wikimedia Commons.

Tuy nhiên, với kế hoạch mua bán hiện tại, "Đài Loan cuối cùng cũng đang mua những gì họ thực sự cần để thực hiện chiến lược phòng thủ bất đối xứng của mình", ông Medeiros nói. "Bữa tiệc ngoài vườn này hơi muộn một chút, nhưng các nhà lãnh đạo Đài Loan cuối cùng cũng cam kết đầu tư nghiêm túc".

Một số người ủng hộ lớn nhất đối với việc tăng cường sức mạnh quân sự cho Đài Loan là ở Nhà Trắng. Robert C. O'Brien, cố vấn an ninh quốc gia và Matthew Pottinger, cấp phó của ông, là những người thúc đẩy việc này. Người tiền nhiệm của ông O'Brien, John R. Bolton, đã đi xa hơn, thúc đẩy Mỹ chính thức công nhận Đài Loan.

Các quan chức chính quyền Trump không muốn làm việc đó, nhưng họ hướng đến mục tiêu nâng cao vị thế ngoại giao của Đài Loan trên thế giới.

Vào tháng 3, các quan chức đã thuyết phục ông Trump ký Đạo luật Đài Bắc, trước đó được quốc hội thông qua với sự ủng hộ từ lưỡng đảng. Đạo luật cam kết Washington sẽ giúp Đài Loan cải thiện vị thế quốc tế của mình.

Hôm 17/9, Keith J. Krach, Thứ trưởng phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường tại Bộ Ngoại giao Mỹ, đã đến Đài Bắc để tham dự lễ tưởng niệm cố lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy.

Tháng trước, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex M. Azar II đã gặp bà Thái Anh Văn tại Đài Bắc, trong chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức Mỹ tại hòn đảo này kể từ khi Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1979.

Các quan chức Đài Loan hy vọng rằng một cuộc đối thoại kinh tế mới với Mỹ sẽ giúp cho ra đời hiệp định thương mại tự do giữa hai bên.

Đông Phong
Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bay-goi-vu-khi-lon-my-du-dinh-ban-cho-dai-loan-post1132524.html