'Bẫy' huê online trực chờ...!

Gần đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng liên tục khởi tố nhiều đối tượng liên quan tới các đường dây huê (hụi/họ) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người chơi, đẩy nhiều gia đình vào cảnh khó khăn, mất sạch tiền bạc sau nhiều năm làm ăn tích cóp và gây ra những hệ lụy cho xã hội.

Hiểm họa từ chơi huê online

Cuối năm 2024 đến nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng nhận được nhiều đơn tố cáo của bị hại về việc bị các chủ huê hốt tiền rồi bỏ trốn hoặc tìm mọi cách trốn tránh thực hiện nghĩa vụ liên quan với người chơi. Nạn nhân đều là phụ nữ, gồm nhiều thành phần trong xã hội. Có người làm nghề kinh doanh buôn bán hoặc nội trợ, có người là cán bộ, công nhân viên chức nhà nước.

Không ít nạn nhân đã giấu chồng con, đem số tiền sau nhiều năm làm ăn tích cóp ra chơi huê. Lúc bị “bể huê”, “giật huê” vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, gia đình lục đục, thậm chí phải ly hôn, con cái mỗi người một nơi, để lại hệ lụy không nhỏ cho xã hội.

Cơ quan Công an tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Thị Kim Phượng.

Cơ quan Công an tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Thị Kim Phượng.

Điển hình là các vụ do Nguyễn Nhật Thảo Xuân Vy (sinh năm 1997, thường trú tại huyện Đơn Dương), Nguyễn Ngọc Phương Thảo (sinh năm 1992, thường trú tại phường 4, TP Đà Lạt) và Lê Thị Ngọc Phượng (sinh năm 1975, trú tại phường 3, TP Đà Lạt) thực hiện. Nạn nhân của các đường dây huê online do 3 đối tượng trên cầm đầu lên tới hàng chục người. Huê online là một hình thức có “kẽ hở” rất lớn, ngày nay đang bị những đối tượng có dã tâm triệt để lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước tính chất nghiêm trọng của các vụ việc, ngay khi nhận được đơn tố cáo của bị hại, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Văn phòng Cơ quan CSĐT tổ chức ngay các hoạt động điều tra, thu thập tài liệu chứng cứ, làm rõ vụ việc để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bị hại. Lần lượt các đối tượng cầm đầu những đường dây huê trên đã bị Cơ quan CSĐT triệu tập lấy lời khai.

Tại cơ quan Công an, Nguyễn Nhật Thảo Xuân Vy khai nhận, có quen biết với chị N.T.B.T (thường trú huyện Đơn Dương) thông qua việc chị T tham gia các dây huê online do đối tượng này mở, đồng thời chị T cũng mở các dây huê online và mời Vy tham gia. Khi biết chị T mới bị giật huê, đang cần khoản tiền lớn để trả nợ, Vy đặt vấn đề với nạn nhân mở thêm các dây huê online mới để thu hút người chơi nhằm lấy tiền trả nợ.

Thấy chị T lưỡng lự, người phụ nữ này cam kết có trách nhiệm giới thiệu, kêu gọi mọi người tham gia vào đường dây huê online do chị T mở. Vy liên tục lấy “uy tín cá nhân” ra để đảm bảo với chị T rằng đường dây huê online mới sẽ có nhiều người tham gia. Tin tưởng người phụ nữ trên, chị T đã mở thêm một số dây huê online mới. Khi cá đã cắn câu, Vy tạo tài khoản Facebook với tên “Thanh Thảo” rồi đăng ký tham gia vào đường dây huê do chị T mới mở với mục đích hốt huê lấy tiền tiêu xài cá nhân.

Nguyễn Nhật Thảo Xuân Vy tại cơ quan Công an.

Nguyễn Nhật Thảo Xuân Vy tại cơ quan Công an.

Để đạt được mục đích trên, Nguyễn Nhật Thảo Xuân Vy đã sử dụng tài khoản Facebook giả nhắn tin liên hệ với chị T đề nghị được tham gia và hốt đầu tất cả các dây huê. Thấy “Thanh Thảo” rất nhiệt tình, muốn tham gia vào tất cả các dây huê do mình làm chủ, chị T đã gọi điện cho tài khoản này nhưng “Thanh Thảo” không nghe máy.

Thấy chị T nghi ngờ, Vy liền trấn an nạn nhân rằng có thể chủ tài khoản trên không muốn tiết lộ thân phận nên không nghe điện thoại, đồng thời động viên chị T cứ cho tài khoản “Thanh Thảo” tham gia vào các dây huê để kiếm tiền trả những khoản nợ trước mắt. Tin tưởng Vy, chị T đã để cho tài khoản “Thanh Thảo” chơi và hốt huê trong kỳ đầu tiên của các dây huê.

Để tiếp tục lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị T, Nguyễn Nhật Thảo Xuân Vy còn sử dụng tài khoản ảo “Thanh Thảo” đưa ra nhiều thông tin gian dối với nội dung cô của “Thanh Thảo” đang có đường dây huê có thể hốt được từ 2 đến 3 tỷ đồng và mời chị T cùng tham gia. Đối tượng này hứa hẹn sẽ tạo điều kiện để chị T được hốt huê sớm. Do tâm lý muốn có khoản tiền lớn để trả nợ, chị T đồng ý nhờ “Thanh Thảo” đứng ra chơi giúp dây huê này.

Để không bị lộ việc lập tài khoản giả tham gia chơi huê online, Vy đã mượn tài khoản ngân hàng của người quen có tên Thanh Thảo để nhận tiền hốt huê và nhận tiền do chị T chuyển tới nhờ chơi huê giúp. Với thủ đoạn trên, chỉ trong thời gian ngắn, Nguyễn Nhật Thảo Xuân Vy đã chiếm đoạt của nạn nhân 1,7 tỷ đồng.

Chủ huê biến mất, tiền bạc tiêu tan

Gần đây, tỉnh Lâm Đồng xuất hiện ngày càng nhiều đường dây chơi huê online. Điều đáng nói là hầu hết người tham gia chơi huê theo hình thức này chưa từng quen biết, gặp mặt nhau. Mọi giao tiếp, bàn bạc, thống nhất đóng góp tiền hoặc rút tiền đều được thực hiện qua hình thức online, phổ biến nhất là giao tiếp qua các nền tảng mạng xã hội. Đây là kẽ hở rất lớn cho kẻ xấu lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người chơi huê, gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình các nạn nhân và xã hội. Thủ đoạn phổ biến nhất của các đối tượng là xây dựng lòng tin, kêu gọi mọi người tham gia vào các đường dây huê do chúng lập ra và “nuôi” cho huê lớn rồi chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân của một đường dây huê thường lên tới hàng chục người. Khi xảy ra “vỡ huê”, “giật huê” đã gây ra hậu quả nặng nề, không chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi của người chơi mà còn ảnh hưởng tới an ninh trật tự.

Liên quan tới loại tội phạm trên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Ngọc Phương Thảo (sinh năm 1992, thường trú tại phường 4, TP Đà Lạt). Với vẻ bọc bề ngoài hào nhoáng “sang chảnh”, dùng toàn hàng hiệu, Thảo đã tạo được niềm tin của rất nhiều người. Từ cuối năm 2023, người phụ nữ này đứng ra tổ chức các dây huê online, mời gọi người có nhu cầu chơi huê đăng ký tham gia qua tài khoản facebook, messenger với các hình thức huê ngày, tuần, nửa tháng...

Đối tượng Nguyễn Ngọc Phương Thảo.

Đối tượng Nguyễn Ngọc Phương Thảo.

Do có nhiều người chơi để đến cuối kỳ mới hốt huê dẫn đến Thảo phải giữ lại tiền huê của những kỳ không có người hốt huê. Với cách tiêu xài mạnh tay vào những mục đích khác nhau, tháng 4/2024, Thảo phát hiện bị thâm hụt lớn tiền huê. Vì muốn giữ uy tín cho bản thân và gia đình, người phụ nữ này không dừng ngay việc tổ chức chơi huê mà tiếp tục mở thêm nhiều dây huê mới với mục đích thu tiền của dây huê sau để trả tiền cho các dây huê trước. Cách làm này đã khiến Nguyễn Ngọc Phương Thảo ngày càng lún vào thâm hụt, nợ nần và mất khả năng trả nợ.

Ngày 6/6/2024, đối tượng khóa trang facebook cá nhân, tắt điện thoại và cùng với gia đình bỏ đi khỏi địa phương, chiếm đoạt của những người chơi huê online gần 2,6 tỷ đồng. Hàng chục nạn nhân của người phụ nữ trên đã nháo nhác, tập trung về nơi ở của Nguyễn Ngọc Phương Thảo để đòi quyền lợi và tố cáo sự việc tới cơ quan chức năng. Vào cuộc điều tra, cơ quan Công an đã thu thập đầy đủ chứng cứ và đã khởi tố người phụ nữ này về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mới đây nhất, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt bị can để tạm giam đối với Lê Thị Kim Phượng (sinh năm 1975, thường trú tại phường 3, TP Đà Lạt), để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vốn là một tiểu thương, nhiều năm qua, Phượng đứng ra tổ chức các đường dây huê rồi kêu gọi mọi người cùng tham gia. Nạn nhân của Phượng phần lớn là những người kinh doanh, buôn bán ở chợ Đà Lạt.

Bà C. T. Q, một nạn nhân trong đường dây huê của Lê Thị Kim Phượng cho biết, thấy bà Phượng nhà cửa khang trang, công việc kinh doanh ở chợ rất tốt nên khi bà này đứng ra tổ chức các đường dây huê thì nhiều người tin tưởng, cùng tham gia. Tới thời điểm “bể huê”, các nạn nhân đã đóng góp vào đường dây huê do Phượng làm chủ đã lên tới hàng tỷ đồng. Kết quả điều tra của cơ quan Công an đến nay xác định, thông qua việc làm cái, mở nhiều dây huê, Lê Thị Kim Phượng đã lợi dụng sự tin tưởng của người chơi để chiếm đoạt số tiền rất lớn.

Chơi huê online rất dễ sập bẫy của tội phạm lừa đảo.

Chơi huê online rất dễ sập bẫy của tội phạm lừa đảo.

Chơi huê là một hình thức tích góp tiền phổ biến dựa trên thỏa thuận về số thành viên, mức tiền đóng, thời gian khui và lợi nhuận qua các chu kỳ hốt. Về bản chất, chơi huê không phải là hành vi phạm pháp. Nếu hoạt động đúng quy định, đây cũng là một hình thức tiết kiệm có lãi suất. Khi cần vốn để chi tiêu, kinh doanh, người chơi có thể hốt huê để xoay xở. Việc đóng tiền huê hàng tháng với một ít lãi suất cũng không quá khó. Chủ huê được nhận tiền hoa hồng xem như một hình thức trả công khi đứng ra tổ chức dây huê, mở các kỳ khui huê, thu gom tiền huê và chịu trách nhiệm trước các thành viên. Đây là một loại hình giao dịch không mới, đã được hình thành theo thói quen lâu đời trong đời sống người dân.

“Việc chơi huê cũng đã được quy định cụ thể, chi tiết tại nhiều văn bản pháp luật có liên quan. Thời gian qua, lãnh đạo Công an tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, thống kê các nhóm huê hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh, trên cơ sở đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm, thực hiện, kịp thời phát hiện, xác định tính chất, mức độ vi phạm khi có vụ vỡ huê xảy ra để có hướng xử lý phù hợp!..”, một cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết.

Mặc dù việc chơi huê đã được pháp luật cụ thể hóa bằng những văn bản quy định chi tiết nhưng thực tế việc chơi huê ngày nay đang có nhiều biến tướng, tiềm ẩn nguy cơ vỡ huê, giật huê. Một số đối tượng lợi dụng việc chơi huê để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật… khiến nhiều người chơi trắng tay, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Với việc tham gia mạng xã hội rộng rãi, nay nhiều người chuyển sang hình thức chơi huê online. Từ những nhóm chơi huê nhỏ đến những nhóm hàng chục, hàng trăm thành viên, nơi mà hầu hết người chơi đều không quen biết nhau, thậm chí còn không biết chủ huê ngoài đời thực. Mọi hình thức giao dịch, thanh toán thông qua tài khoản ngân hàng và đương nhiên mức độ an toàn chỉ được kiểm chứng bằng… lòng tin.

Trước nguy cơ nhiều người chơi huê có thể sập bẫy của tội phạm, Công an tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo, người dân cần tìm hiểu kỹ các quy định liên quan đến chơi huê, như tiền lãi không được vượt quá 20%/ năm (tức khoảng 1,6%/ tháng). Người chơi cần tìm hiểu về nhân thân của chủ huê, lịch sử hoạt động của dây huê định tham gia, có thể yêu cầu chủ huê cho xem hoặc sao chụp, kiểm tra về số lượng người tham gia, sổ ghi, số tiền góp huê, điều kiện kinh tế của chủ huê và các thành viên góp huê để đánh giá mức độ rủi ro, giải quyết tranh chấp về sau nếu có. Người chơi huê nên lập văn bản và yêu cầu công chứng các thỏa thuận về huê. Nếu chủ huê điều hành từ 2 dây huê trở lên hoặc số tiền góp huê từ 100 triệu trở lên phải báo cho UBND cấp xã biết để rà soát, quản lý, theo dõi và phòng ngừa.

“Khi phát hiện các thông tin như nhiều dây huê của chủ huê bị vỡ hoặc nhiều thành viên bỏ huê thì cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời can thiệp, giải quyết nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người chơi!..”, Công an tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo.

Khắc Lịch

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/bay-hue-online-truc-cho-i767419/